Du lịch thành Vinh kết nối không gian xưa và nay

Đô thị Vinh đang kết nối mạnh mẽ với Cửa Lò để thành thành phố biển vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Các bước tiến hành đang được hai đơn vị hành chính triển khai. Về phương án sắp xếp, thị xã Cửa Lò sẽ sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính và dân số vào thành phố Vinh theo Đề án điều chỉnh đơn vị hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh.

Hoa bằng lăng nhuộm tím thành Vinh. Ảnh: Nguyễn Đạo
Hoa bằng lăng nhuộm tím thành Vinh. Ảnh: Nguyễn Đạo

Trong đó, thị xã Cửa Lò (diện tích tự nhiên 29,12 km², dân số 62.961 người) cùng 4 xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (huyện Nghi Lộc; diện tích tự nhiên 32,14 km², dân số 42.642 người) sẽ sáp nhập vào thành phố Vinh trong tương lai gần. Kết quả sau khi sắp xếp thành phố Vinh sẽ có diện tích tự nhiên 166,25 km² (đạt tỷ lệ 110,83%), quy mô dân số 509.713 người (đạt tỷ lệ 339,81%), có 36 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã gồm 27 phường và 9 xã. Sự kiện quan trọng này tạo cho ngành du lịch đứng trước những tiềm năng mới to lớn trong việc triển khai kế hoạch tour, tuyến và khai thác được giá trị lợi thế các vùng ven của thành phố Vinh và Cửa Lò.

Ông Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Những làng hoa ven đô như Nghi Ân, Nghi Đức (làng hoa đào, vườn hồng, dâu tằm, làng nghề cây cảnh…) sẽ được thành phố nghiên cứu để đầu tư thành vùng hoa, vùng du lịch. Đường ven sông Lam, khu lâm viên núi Quyết, khu rừng bần Hưng Hòa kết nối với khu đô thị Ecopark… và khu vinpear Cửa Hội, biển Cửa Lò… sẽ là vùng du lịch sinh thái hấp dẫn khi cơ sở hạ tầng và các khách sạn, resort được các nhà đầu tư hoàn thiện”.

Vỉa hè đường Nguyễn Sỹ Sách phủ màu vàng hoa giáng hương. Ảnh: Sách Nguyễn.
Vỉa hè đường Nguyễn Sỹ Sách phủ màu vàng hoa giáng hương. Ảnh: Sách Nguyễn.

Hiện các con đường huyết mạch kết nối giữa hai đô thị như đường 72m, đường ven biển… ngày một chặt chẽ. Nguồn nhân lực làm du lịch của hai đô thị khi được sáp nhập cũng sẽ tạo thêm sức mạnh tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban trong các kế hoạch, sách lược về du lịch của đô thị Vinh. Các thế mạnh du lịch giữa các địa phương lân cận như Nam Đàn, Nghi Lộc (đền Nguyễn Xí), làng nghề Nghi Thiết, khu du lịch Bãi Lữ… sẽ được kết nối cho du khách thuận tiện hơn khi tới Vinh du lịch. Hạ tầng nơi nghỉ và các nhà hàng, phố đêm, phố đi bộ cũng đang được thành phố Vinh chăm lo tạo sức hút cho du lịch trong mùa Hè, mùa Thu Đông năm nay.

Thành phố Vinh vừa tròn 50 năm tái thiết. Một không gian xưa cũ quý giá của Vinh có thể tạo nên những trend check-in thú vị ở Vinh và làm phong phú thêm các điểm du lịch ở một thành phố đô hội…

Du lịch thành cổ Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn
Du lịch thành cổ Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Người ta nhớ tới Vinh như một thành phố sầm uất, nhộn nhịp đang được kết nối với Cửa Lò trong tương lai gần, là trung tâm thương mại khá nhộn nhịp với nhiều toà nhà cao tầng, những con phố chỉnh trang làm mới liên tục và cảnh kẹt xe, tắc đường ngày một gia tăng… Nhưng cũng có một Vinh phố âm thầm lặng lẽ chứa đựng những nét xưa hoài niệm với tảo tần vất vả của bao người, bao nghề một thời nay vẫn còn đó mà trong xu thế “chữa lành”, hoài niệm nhiều người chợt nhớ tới để check-in, lưu giữ những khoảnh khắc ưu tư, nhung nhớ một thành Vinh hào hùng…

Nhà tầng Quang Trung do CHLB Đức hỗ trợ xây dựng vào thập niên 70 Khu đô thị Quang Trung (tên gọi lúc đó) tọa lạc ở phố Quang Trung, một con phố lớn nhất, đắc địa nhất ở Vinh lúc bấy giờ và được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1976. Đến nay, những khu tập thể cũ đang được các nhà đầu tư cải tạo, chỉnh trang, xây mới, trong đó một số khu đã cơ bản hoàn thành tạo nên dáng vóc bề thế của một thành phố hiện đại, bề thế.

Hoa phượng nở đỏ rực nơi các toà nhà chung cư cũ thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Đạo
Hoa phượng nở đỏ rực nơi các toà nhà chung cư cũ thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Đạo

Trong bước chuyển giữa cái mới và cái cũ, những toà nhà chung cư còn lại trở thành “hàng hiếm” thu hút bạn trẻ và những người hoài cổ check-in. Những bước tường gạch loang lổ ngả vàng, những cầu thang gỗ mòn vết thời gian, những ô cửa sơn xanh ngọc một thời, dãy gầm ở tầng 1 để bao người mưu sinh… hẳn còn nhắc trong ký ức bao người về một thời Vinh oai hùng và khó nhọc trong mưu sinh… Không ít ý kiến ao ước khi cải tạo xây dựng khu Quang Trung mới, nên chăng cần giữ lại một vài toà nhà cũ để làm kỷ niệm, các toà này được bảo vệ, vệ sinh tạo không gian Vinh xưa, là chứng nhân một thời của thành phố đã đứng dậy sau chiến tranh.

Nếu chợ Đồng Xuân nổi tiếng ở Hà Nội có từ năm 1889, chợ Đông Ba nổi tiếng ở Huế có từ năm 1887, chợ Bến Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh có từ năm 1912, thì chợ Vinh cũng là ngôi chợ có lịch sử hơn 100 năm trước. Lịch sử ghi lại rằng: Ngày 20 tháng 10 năm 1898, Vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh cùng với các thị xã Thanh Hóa, Huế, Fai-Fo (Hội An ngày nay), Quy Nhơn và Phan Thiết. Ngày 30 tháng 8 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đạo dụ này. Thị xã lúc đầu bao quanh thành Nghệ An, sau dần dần phát triển về phía Nam.

Những hình ảnh Vinh xưa. Ảnh: Tư liệu
Những hình ảnh Vinh xưa. Ảnh: Tư liệu

Ngày 10 tháng 12 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1914) và thị xã Trường Thi (thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1917) thành thị xã Vinh-Bến Thủy, do Công sứ Nghệ An kiêm chức đốc lý (tức thị trưởng). Đây là loại thành phố cấp ba (commune). Nơi đây có chợ Vĩnh và làng Yên Vinh, còn gọi là làng Vang, là nơi có Tòa Công sứ Pháp được xây dựng năm 1897 ở ngoài thành Nghệ An, phía Tây thành, cạnh sông Vĩnh Giang và chợ Vĩnh. Chợ Vĩnh nói trên là chợ Vinh bây giờ. Trải qua nhiều thăng trầm, chợ Vinh đã mấy lần xây dựng lại. Hiện nay, Chợ Vinh vẫn tấp nập “trên bến dưới thuyền”, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với thành Vinh.

Về thành Vinh, ngoài các điểm du lịch tâm linh quan trọng như núi Dũng Quyết, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Quảng trường Hồ Chí Minh, đền Ông Hoàng Mười, du khách còn nhiều cơ hội ngắm nhìn các con phố ở Vinh bốn mùa với những sắc hoa khác nhau từ giáng hương, bằng lăng tới điệp vàng … Các điểm du lịch theo trend Vinh xưa cũng rất hấp dẫn và tạo xu thế mới, từ đó tạo nên những cơ hội mới cho người dân.

Một góc thành Vinh nhìn từ núi Quyết. Ảnh: Nguyễn Đạo
Một góc thành Vinh nhìn từ núi Quyết. Ảnh: Nguyễn Đạo