Dù thời bình hay thời chiến, tinh thần người lính cũng phải giữ trọn
Minh Quân•27/07/2025 08:44
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, PV Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An có cuộc trò chuyện với thương binh Nguyễn Văn Đông (SN 1956) 1 trong 5 đại biểu của tỉnh Nghệ An được vinh dự tham gia cuộc gặp mặt người có có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu toàn quốc vừa qua.
P.V: Trước khi bước vào những câu chuyện chiến trường, ông có thể chia sẻ đôi nét về tuổi thơ và gia đình? Và điều gì đã hun đúc trong ông ý chí và tinh thần của một người lính?
Ông Nguyễn Văn Đông: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (cũ), nay là xã Kim Liên, tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gia đình tôi có 6 anh, chị em, tôi là con thứ ba và là con trai đầu trong nhà.
Cha tôi, ông Nguyễn Văn Quang (SN 1924), đã tham gia kháng chiến chống Pháp, từng chiến đấu và bị thương ở miền Bắc. Đến thời kỳ chống Mỹ, ông tiếp tục làm cán bộ quân sự ở địa phương. Năm 1965, khi tôi mới 9 tuổi, cha hy sinh trong một trận bom Mỹ dội xuống vùng Nương Gai phía Bắc xã Kim Liên.
Sự ra đi của cha là cú sốc lớn đối với cả gia đình, đặc biệt là với mẹ tôi – một người phụ nữ thôn quê phải một mình gồng gánh nuôi 6 con thơ trong cảnh chiến tranh, thiếu thốn đủ bề.
Thương binh Nguyễn Văn Đông ở xã Kim Liên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân
Từ bé, tôi đã chứng kiến sự nhọc nhằn, tảo tần của mẹ, và lớn lên trong ký ức về người cha đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chính điều đó đã gieo vào tôi từ sớm một ý chí rằng, mình phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của cha, với truyền thống gia đình và quê hương giàu lòng yêu nước.
P.V: Là người trực tiếp chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam, chắc hẳn ông vẫn còn nhớ rõ những ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy. Ông có thể chia sẻ kỷ niệm sâu sắc hoặc một trận đánh mà đến nay ông vẫn còn day dứt hoặc tự hào nhất?
Ông Nguyễn Văn Đông: Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, ai cũng nghĩ chiến tranh đã kết thúc. Nhưng rồi tình hình biên giới Tây Nam lại nóng lên từng ngày bởi các cuộc tập kích của quân Khơ-me đỏ. Khi đó tôi mới tròn 20 tuổi. Đầu năm 1976, tôi xung phong nhập ngũ. Mẹ tôi phản đối nhiều lắm, bởi bà đã mất chồng trong kháng chiến chống Mỹ, giờ lại không muốn mất nốt đứa con trai cả. Thương mẹ lắm, nhưng tôi biết mình không thể đứng ngoài cuộc chiến đấu vì Tổ quốc. Tôi lặng lẽ gói ghém đồ đạc, trốn nhà nhập ngũ.
Lúc đầu, tôi được biên chế về Trung đoàn 812, làm kinh tế ở Phan Rí – Bình Thuận. Nhưng rồi tình hình chiến sự căng thẳng, đơn vị tôi chuyển dần lên Tây Nguyên. Đến cuối năm 1978, tôi chính thức tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, đóng tại khu vực Đắk Min – Đắk Lắk, giáp biên giới Campuchia. Tôi được phân công làm lính trinh sát, phải đi trước, luồn sâu vào lòng địch, nắm chắc tình hình, vẽ sơ đồ bố trí hỏa lực, rồi lặng lẽ rút về.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh tư liệu)
Có những lần đi trinh sát, 3 ngày liền chúng tôi không có gì ngoài lương khô và nước suối. Một lần, giữa rừng sâu, đêm tối lạnh như cắt, bụng đói quặn thắt vì cả nhóm đã nhịn ăn gần 2 ngày. Một lần khác, nhóm trinh sát chúng tôi bị địch phát hiện, bắn đuổi ráo riết. Cả nhóm phải chia ra tản vào rừng.
Tôi lạc vào một vùng núi rừng hoang vu, không nước, không dấu vết người. Tôi sống bằng lá rừng và nước đọng trên lá cây. Đến ngày thứ tư mới lần ra được đường mòn quân đội, trở về đơn vị trong tình trạng mất sức trầm trọng. Gặp lại 2 người đồng đội, ôm nhau mà nước mắt cứ chảy ra. Nhưng đau đớn nhất là 1 đồng đội trong nhóm vẫn mất tích đến nay không có tin tức.
Trận đánh ám ảnh tôi nhất là khi đơn vị được lệnh đánh vào cụm cứ điểm 920 – một trong những mắt xích quan trọng của Khơ-me đỏ gần biên giới. Trinh sát đi đầu, tôi và tiểu đội tiếp cận mục tiêu trong đêm. Nhưng địch đã bố trí pháo binh chờ sẵn. Khi đội hình chưa kịp bung ra, đạn pháo trút xuống như mưa. Một loạt đạn pháo nổ ngay giữa đội hình. Tám, chín anh em, nhiều người không còn nguyên hình hài... Tôi bị sức ép hất văng, mất một phần chân trái, chân phải thì vỡ xương mắt cá. Máu tuôn ra xối xả, trời đất quay cuồng rồi tối sầm.
Tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong 1 lán cứu thương dã chiến, lưng dính bết máu. Một cô y tá trẻ cúi xuống, nhìn tôi sửng sốt rồi nghẹn ngào: “Anh sống rồi... thật kỳ diệu!”. Sau này tôi mới biết, khi được đưa về tuyến sau, anh em đơn vị đều nghĩ tôi đã không qua khỏi. Vết thương quá nặng, máu chảy không ngừng, lại nằm mê man nhiều giờ giữa rừng sâu.
Tôi phải nằm điều trị gần 1 năm. Khi ra viện, chân trái mang nẹp sắt, chân phải chằng chịt sẹo, trong cơ thể còn hơn 30 mảnh đạn nằm rải rác không thể lấy ra hết. Đến bây giờ, cứ mỗi lần trái gió trở trời là toàn thân đau nhức, ê ẩm. Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ: Mình còn sống đã là một điều kỳ diệu. Bởi lẽ, có những người đồng đội – người cùng tôi vượt rừng, bám núi, chia nhau từng miếng lương khô, giờ vẫn nằm lại đâu đó giữa rừng già, không tên, không bia mộ.
P.V: Là thương binh, bệnh binh, lại là con liệt sĩ, ông mang trên mình cả những mất mát tinh thần lớn lao và những vết thương thể xác còn dai dẳng. Vậy đâu là động lực giúp ông vượt qua những năm tháng khó khăn sau chiến tranh?
Ông Nguyễn Văn Đông: Khi bị thương nặng ở chiến trường, có lúc tôi cũng nghĩ mình không thể sống nổi. Nằm mê man suốt nhiều ngày, rồi điều trị hơn 1 năm trời trong quân y viện, sau đó, được chuyển ra Đà Nẵng để làm chân giả. Hồi đó gian khổ lắm. Mỗi lần tập đi trên chân mới, đau đến tứa nước mắt.
Thương binh Nguyễn Văn Đông với chiếc chân giả. Ảnh: Minh Quân
Sau này, tôi được đưa về an dưỡng tại Đoàn 200 - Quân khu 4. Đến năm 1990, Nhà nước có chủ trương động viên các thương binh, bệnh binh ổn định cuộc sống tại quê nhà, tôi lập tức xung phong trở về địa phương, với chứng nhận thương binh 3/4 (tỷ lệ thương tật 51%) và bệnh binh 1/3 (tỷ lệ mất sức 81%).
Về lại xã Kim Liên, tôi được chính quyền cấp cho một mảnh đất nhỏ. Trên mảnh đất ấy, tôi và vợ dựng lên một căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng là nơi chúng tôi bắt đầu lại tất cả. Trước đó, năm 1989, trong một lần từ đoàn an dưỡng về quê, tôi gặp bà Nguyễn Thị Thắng – người phụ nữ sau này trở thành vợ tôi. Bà là y sĩ, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn. Chúng tôi đến với nhau không có của cải, cũng chẳng có gì trong tay, ngoài một lời hứa cùng nhau vượt qua mọi gian khổ.
Vợ chồng tôi bắt đầu từ con số không: Không vốn liếng, thêm bệnh tật trên người tôi, nhưng tôi vẫn luôn tin: “Còn sống là còn làm được. Mình có thể nghèo, nhưng con cái thì phải được học hành nên người". Nghĩ vậy, nên tôi đi sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe đạp. Vợ tôi ngoài công việc y sĩ còn làm ruộng. Hai vợ chồng thức khuya, dậy sớm, chắt chiu từng đồng. Có lúc không đủ tiền đóng học phí cho con, tôi phải gồng gánh đi vay mượn hàng xóm.
Vậy mà trời không phụ lòng người. Cả 3 đứa con của tôi đều đỗ đại học: Con gái đầu học ngành Kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh, con gái thứ hai học ngành Thủy sản - Trường Đại học Vinh, con trai út học ngành Xây dựng, cũng tại Trường Đại học Vinh. Giờ đây, các cháu đều có việc làm ổn định, 2 cháu đầu đã có gia đình êm ấm. Tôi có 3 đứa cháu ngoại, đứa nào cũng ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Nhiều lúc ngồi nhìn lại, tôi thầm nghĩ: “Vậy là mình cũng đã thành công rồi”. Mình không khá giả nhưng có một mái ấm, có con cháu nên người, được hàng xóm, láng giềng quý trọng. Đó chính là động lực lớn nhất để tôi vượt qua mọi khó khăn suốt chặng đường dài sau chiến tranh.
P.V: Sau khi rời quân ngũ, trở về địa phương, ông vẫn luôn giữ tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp cho cộng đồng. Điều gì khiến ông vẫn giữ được tinh thần “người lính Cụ Hồ” cho đến hôm nay?
Ông Nguyễn Văn Đông: Hồi mới xuất ngũ trở về, tôi nghĩ: “Mình là lính, từng sống sót giữa chiến trường ác liệt, không thể về đây mà sống thờ ơ, vô trách nhiệm được”. Vì thế, tôi xin tham gia hội cựu chiến binh xã. Ở đó, tôi được sống lại trong không khí đồng đội - những người cùng chí hướng, cùng lý tưởng, cùng nhau tiếp tục góp sức xây dựng quê hương.
Do thương tật nặng ở chân, việc đi lại của tôi khá hạn chế. Tôi không thể trực tiếp tham gia các hoạt động vận động quần chúng hay tuần tra như các cựu chiến binh khác. Nhưng tôi vẫn cố gắng góp phần bằng cách khác - giữ gìn nếp sống, vận động con cháu chấp hành pháp luật, tham gia các phong trào địa phương bằng những gì có thể.
Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Đông. Ảnh: Minh Quân
Vợ tôi là đảng viên, từng giữ chức Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Mậu 4 trong nhiều năm. Bà ấy rất năng nổ, gương mẫu, việc gì của xóm, của xã cũng nhiệt tình tham gia. Tôi ở nhà, lo việc nhà cửa, chăm cháu để bà yên tâm đi họp, đi công tác. Vợ chồng tôi luôn nhắc nhau: Dù thời bình hay thời chiến, tinh thần người lính cũng phải giữ cho trọn. Không phải cứ ra trận mới là chiến đấu, mà sống tử tế, sống có ích giữa đời thường cũng là một cách cống hiến.
P.V: Trong quá trình tham gia công tác tại địa phương, chắc chắn ông đã chứng kiến nhiều thay đổi ở quê hương mình. Theo ông, vai trò của những người lính trở về sau chiến tranh có ý nghĩa như thế nào trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại cơ sở?
Ông Nguyễn Văn Đông: Tôi nghĩ, bộ đội chúng tôi sau chiến tranh còn sống được ngày nào là còn phải sống cho ra tinh thần và cốt cách người lính. Mình từng trải qua bom đạn, mất mát, nên càng hiểu quý giá thế nào cái gọi là bình yên. Giờ không còn cầm súng nữa, thì góp được gì cho xóm làng, cho thế hệ sau, tôi đều cố làm trong khả năng của mình.
“
Mình từng trải qua bom đạn, mất mát, nên càng hiểu quý giá thế nào cái gọi là bình yên. Giờ không còn cầm súng nữa, thì góp được gì cho xóm làng, cho thế hệ sau, tôi đều cố làm trong khả năng của mình.
Thương binh Nguyễn Văn Đông (xã Kim Liên)
Tôi hay kể cho các cháu nghe chuyện hồi chiến tranh, về đồng đội, về những lần sống chết trong gang tấc. Thỉnh thoảng dẫn các cháu ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, để chúng nó hiểu là cuộc sống bây giờ không phải tự nhiên mà có. Rồi trong đời sống hàng ngày, mình sống gương mẫu một chút, làm việc gì cũng tử tế, đúng mực, thế cũng là giữ gìn truyền thống rồi.
Quê tôi giờ thay đổi nhiều lắm: Nhà cửa khang trang, đường làng sạch sẽ, đèn điện sáng rực. Nhưng nếu con người mà sống vô tâm, không còn nhớ đến cội nguồn, thì có đẹp mấy cũng thấy trống trải. Những người già như chúng tôi, dù sức khỏe không còn bao nhiêu, chân tay đau yếu, vẫn còn có thể nhắc nhở con cháu sống có trước, có sau, sống biết ơn và biết giữ gìn cái nếp nghĩa tình.
P.V: Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông có mong muốn hay gửi gắm điều gì tới Đảng, Nhà nước cũng như thế hệ mai sau để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được phát huy đúng nghĩa, xứng đáng với những hy sinh mà thế hệ ông đã trải qua?
Ông Nguyễn Văn Đông: Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người có công. Tôi là 1 trong 5 đại biểu tiêu biểu của Nghệ An được mời ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt người có có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu toàn quốc năm nay - vinh dự lắm, xúc động lắm. Tôi chỉ mong Nhà nước tiếp tục duy trì, mở rộng các chính sách chăm sóc thương binh, bệnh binh, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Nhiều anh em tuổi cao, không có người thân, sống neo đơn, cần lắm một lời hỏi han.
Các đại biểu dự cuộc gặp mặt người có có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu toàn quốc năm 2025. Ảnh tư liệu: Báo Chính phủ
Tôi mong thế hệ trẻ ngày nay đừng quên quá khứ. Mỗi lần thấy các bạn trẻ đi nghĩa trang, thắp hương liệt sĩ, tôi xúc động lắm. Hy vọng sau ánh nến đó là một tấm lòng biết ơn thật sự và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.