Đừng để đường bay quốc tế 'chết yểu'

08/06/2017 09:26

(Baonghean) - Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, tháng 7 tới sẽ tiến hành khảo sát để mở đường bay thẳng từ Vinh sang Trung Quốc. Đây sẽ là đường bay quốc tế thứ ba được khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Vinh, sau khi hai đường bay Vinh - Viêng Chăn và Vinh - Bangkok ngừng khai thác.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Nghệ An thì đường bay thẳng sang Trung Quốc là một trong những kết quả đáng chú ý của chương trình xúc tiến du lịch Nghệ An tại Trung Quốc diễn ra từ ngày 10/5/2017 đến ngày 20/5/2017.

Điểm đến của đường bay sẽ là một trong hai thành phố: Côn Minh của Vân Nam và Thành Đô của Tứ Xuyên. Hình thức bay dự kiến là charter (thuê chuyến). Đường bay này được xác định là một trong những bước đặt nền móng cho chiến lược thu hút khách du lịch từ thị trường Trung Quốc, phát triển ngành Du lịch tỉnh nhà.

Thành Đô trên bản đồ Google map.
Thành Đô trên bản đồ Google map.

Đây cũng là hướng đi chung của du lịch cả nước nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường láng giềng rộng lớn. Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm 27% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, tăng vượt bậc so với năm 2015 và đang là thị trường gửi khách số một cho Việt Nam.

Liệu có tránh được 'cái dớp'?

Trước đây, từng có 2 đường bay thẳng đi quốc tế được khai thác từ Cảng hàng không quốc tế Vinh.

Đầu tiên là đường bay Vinh - Viêng Chăn do hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines khai trương ngày 12/1/2014. Với kết quả khảo sát cho thấy, bình quân mỗi năm có gần 180.000 lượt khách từ Việt Nam đi Viêng Chăn qua các cửa khẩu của Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá, đường bay này được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả, trở thành cầu nối hàng không giữa khu vực Bắc Trung bộ với Lào, Thái Lan.

Thị trường khảo sát tiềm năng là vậy nhưng sau khi khai trương, đường bay này liên tục rơi vào tình trạng vắng khách. Trong năm 2014, Vietnam Airlines cung ứng hơn 10.000 ghế nhưng lượng khách thậm chí còn không đạt được 50%. Gần 50 chuyến bay trong năm phải huỷ vì lượng khách quá ít.

Theo hoạch toán của Vietnam Airlines, hãng này chịu lỗ gần 750.000 USD từ đường bay Vinh - Viêng Chăn trong năm 2014. Đến ngày 25/10/2015, Vietnam Airlines chính thức ngừng khai thác đường bay Vinh - Viêng Chăn.

Cảng hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Cường
Cảng hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Cường

Tháng 6/2016, đơn vị lữ hành Vietravel khai trương đường bay thẳng Vinh - Bangkok theo hình thức chuyến bay thuê bao (charter). Đây là sản phẩm mà đơn vị đã khai thác thành công tại các địa phương khác như Cần Thơ, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng. Khác với đường bay Vinh - Viêng Chăn, đường bay Vinh - Bangkok có sự gắn kết với các tour, tuyến trọn gói và thị hiếu du lịch của người dân lúc đó nên hoạt động khá hiệu quả.

Tuy nhiên đến nay thì đường bay này cũng đã ngừng khai thác, với lý do phía Vietravel đưa ra là: “Hạ tầng của sân bay Vinh chưa đáp ứng được các chuyến bay quốc tế. Máy bay mà chúng tôi sử dụng là Airbus A320 với sức chứa 180 người, lớn hơn nhiều so với máy bay sử dụng cho đường bay Vinh - Viêng Chăn trước đó. Các hạ tầng của sân bay như phòng chờ, băng chuyền hành lý, nhân sự không đủ để phục vụ một cách tốt nhất khách đi quốc tế.

Hiện chúng tôi đang tạm dừng khai thác tuyến này, thứ nhất là đợi sân bay nâng cấp hạ tầng. Thứ hai là sau thời gian “chạy thử” thấy có hiệu quả, chúng tôi sẽ làm việc với các hãng hàng không để họ mở đường bay chính thức thay vì thuê chuyến thuê bao”.

Như vậy, dù vì những lý do khác nhau thì cả hai đường bay nói trên đều “chết yểu” sau thời gian hoạt động không lâu. Điều này khiến không ít người e ngại liệu đường bay thẳng Vinh đi Trung Quốc có tránh khỏi cái dớp “quá tam ba bận”.

Điều đáng nói là hiện Cảng hàng không Vinh là sân bay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, nhưng nếu nhìn vào kết quả không mấy sáng sủa của các đường bay quốc tế khai thác từ sân bay này, phải chăng cần nhìn lại đâu mới là thị phần triển vọng cần tập trung khai thác.

Khách nội địa hay khách quốc tế?

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2017, số lượt khách du lịch lưu trú tại Nghệ An vào khoảng 1,4 triệu người, trong đó khách quốc tế chỉ đạt hơn 29.000 người, chiếm khoảng 2%. Số lượt khách do các đơn vị lữ hành phục vụ trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 18.000 người, khách quốc tế là hơn 2.600 người, chiếm khoảng 14%.

Lượng khách quốc tế có tăng so với cùng kỳ năm 2016, nhưng cũng chỉ chiếm một phần nhỏ so với khách nội địa.

Khách Trung Quốc làm thủ tục bay tại Cảng hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Cường
Khách Trung Quốc làm thủ tục bay tại Cảng hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Cường

Bà Võ Thị Thu Hoài - Giám đốc chi nhánh Vietravel tại Nghệ An nhận định: “Với phần đông khách nước ngoài, Nghệ An là điểm trung chuyển chứ không phải là điểm đến. Nếu có nghỉ lại thì họ cũng chỉ nghỉ một đêm trong hành trình đi qua nhiều điểm khác, tỉnh khác chứ nếu chỉ làm tour ở Nghệ An thì rất khó bán.

Trước đây, Lào và Thái Lan là hai thị trường khá tốt nhưng nay cũng đã có dấu hiệu bão hoà. Trung Quốc tất nhiên là một thị trường rất lớn, nhưng khách Trung Quốc lại có những đặc trưng riêng, khác với khách Lào, Thái Lan. Họ thường thích đi biển, ăn hải sản - vì ở đại lục rộng lớn không có biển, giá hải sản đắt đỏ. Khách Trung Quốc cũng thích đi mua sắm ở các trung tâm thương mại lớn.

Nếu đối chiếu với những đặc điểm này thì Nghệ An muốn hút khách du lịch từ Trung Quốc, triển vọng nhất vẫn là Cửa Lò. Nhưng Cửa Lò riêng phục vụ khách nội địa vào mùa hè cũng đã “hết công suất” rồi. Nếu muốn khai thác khách Trung Quốc vào mùa Đông thì sẽ phải cạnh tranh với các bãi biển du lịch ở phía Nam”.

Ngoài ra, theo bà Hoài thì Nghệ An đang rất hạn chế về lao động trong ngành Du lịch có khả năng phục vụ khách Trung Quốc, nếu muốn khai thác hiệu quả thị trường này cần có sự đào tạo, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tung ra sản phẩm du lịch mới.

Trung Quốc là thị trường trọng tâm của du lịch Việt Nam trong năm 2017, điều này liệu có phù hợp với du lịch Nghệ An? Trên thực tế, hạ tầng dịch vụ du lịch ở Nghệ An mới chỉ bắt đầu khởi sắc trong vài năm ngắn ngủi trở lại đây.

Loại hình du lịch tương xứng với hạ tầng chúng ta đang có hiện nay chỉ có thể là du lịch khám phá và du lịch tâm linh - và thậm chí về hai loại hình này chúng ta vẫn đang lép vế trước các tỉnh trong khu vực như Quảng Bình, Hà Tĩnh hay xa hơn chút nữa là Ninh Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng của Nghệ An gần như đang hoàn toàn dựa vào biển Cửa Lò, nhưng cũng phải bắt đầu từ mùa hè 2017 này Cửa Lò mới có một khu resort cao cấp đi vào hoạt động (Vinpearl Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup). Dịp cuối tuần - trừ khi thời tiết xấu - Cửa Lò luôn chật cứng khách từ các tỉnh phía Bắc. Thậm chí khách ở các tỉnh có biển như Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn vào Nghệ An tắm biển Cửa Lò.

Bãi biển Cửa Lò đông nghịt người trong kỳ nghỉ 30/4 và 1/5/2017. Ảnh: Lâm Tùng
Bãi biển Cửa Lò đông nghịt người trong kỳ nghỉ 30/4 và 1/5/2017. Ảnh: Lâm Tùng


Du lịch Nghệ An có thể còn mới mẻ với khách quốc tế, nhưng rõ ràng với khách nội địa thì Nghệ An vẫn là một trong những lựa chọn tốt. Mặc dù hạ tầng và dịch vụ còn chưa thật hoàn thiện nhưng lại có vị trí địa lý thuận lợi cho việc đi lại, giá cả hợp lý và chất lượng ổn.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta đã khai thác triệt để thị trường trong nước chưa? Nếu chưa thì chẳng có lý gì chúng ta không nắm thật chặt “miếng bánh” dễ ăn hơn trước khi đầu tư quá nhiều cho thị trường quốc tế khó tính và chưa hứa hẹn trước được điều gì.

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đừng để đường bay quốc tế 'chết yểu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO