Đừng im lặng, hãy lên tiếng!
(Baonghean.vn) - “Đừng im lặng, hãy lên tiếng” là thông điệp của buổi Truyền thông “Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em”do Hội Liên hiệp phụ nữ - Trung tâm Dân số KHHGĐ - Phòng Giáo dục thị xã Cửa Lò tổ chức vào chiều 18/4 tại Trường THCS Nghi Hương.
Sự trong trắng của học sinh bị xâm phạm
Chương trình truyền thông bắt đầu bằng những tiết mục văn nghệ và các trò chơi tập thể. Tuy nhiên, sự sôi động chỉ bắt đầu khi buổi nói chuyện xung quanh chủ đề xâm hại tình dục trẻ em do cán bộ đến từ Trung tâm dân số thực hiện.
Mở đầu buổi truyền thông, học sinh được nghe kể về 3 vụ việc xâm hại tình dục đau lòng vừa mới được phát hiện trong thời gian trở lại đây. Đó là sự việc bé gái bị bố và ông nội xâm hại tình dục ở Long An, câu chuyện về một ông cụ 77 tuổi “tóc bạc, đeo kính, hay đánh cờ” ở một khu chung cư thuộc thành phố Vũng Tàu nhưng lại chính là người thường xuyên có hành động sàm sỡ các bé gái trong vùng. Cuối cùng là chuyện về một cậu bé 15 tuổi vẫn hàng ngày chạy thể dục buổi sáng nhưng vô tình trở thành đối tượng bị một bác gái “dụ dỗ, xâm hại” và hậu quả là “bác gái” này đã có thai.
Đây là lần đầu tiên một chương trình truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức tại trường học tại Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà |
Từ ba câu chuyện này, một lần nữa báo động về tình trạng xâm hại tình dục diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian trở lại đây. Một con số khác đưa ra cũng khiến nhiều người tham dự buổi trò chuyện lo lắng bởi từ năm 2011 - 2015, Việt Nam phát hiện 5.300 vụ xâm hại tình dục.
Qua đó cho thấy, cứ 8 giờ trôi qua, sẽ có một em bé bị xâm hại. Tuy nhiên, trong số này, chỉ mới 322 vụ bị đưa lên các cơ quan thông tin báo chí, trong đó tỷ lệ trẻ bị xâm hại dưới 10 tuổi chiếm 21% và trẻ nhỏ nhất là mới 2 tuổi. Ngoài ra, có tới 32% nạn nhân bị bạo lực kép vừa bị xâm hại, vừa bị hành hung, giết chết và 13,5% bị xâm hại tập thể.
Những trò chơi sôi động tạo cho các em sự hứng thú và xóa bỏ những e ngại khi tham gia chương trình. Ảnh: Mỹ Hà |
Cơ thể của chúng ta là của chúng ta
Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề khá phổ biến, không kể trai hay gái, thủ phạm có thể là người lạ hoặc có thể là người quen ruột thịt của mình. Tuy nhiên, vì sao việc “khởi tố các vụ án xâm hại tình dục là hết sức khó khăn”.
Nguyên nhân chính là vì “dường như mỗi người đều xem đó là chuyện riêng tư, nhạy cảm, nhiều khi không có bằng chứng để lại”…Vậy, làm sao để tránh phòng hại tình dục trẻ em, câu trả lời không khó bởi lẽ “cơ thể của chúng ta là của chúng ta, bất khả xâm phạm. Chính mình mới có thể bảo vệ mình”.
Chương trình là một diễn đàn để học sinh bày tỏ các quan điểm của mình xung quanh vấn đề xâm hại tình dục. Ảnh: Mỹ Hà |
Đây cũng là thông điệp mà chương trình này mang đến cho học sinh. Trên toàn tỉnh, đến thời điểm này, Trường THCS Nghi Hương - Thị xã Cửa Lò cũng là đơn vị trường học đầu tiên tổ chức buổi tuyên truyền về Truyền thông kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Trong khoảng thời gian gần hai tiếng, học sinh ngoài được tham gia các trò chơi, kiểm tra kiến thức, hiểu biết về vấn đề SKSS, các em còn được cung cấp những kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục trẻ em và kỹ năng phòng tránh.
Qua chương trình này, cũng cho thấy: vấn đề xâm hại tình dục là một vấn đề “nóng” của xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của trẻ em nhưng sự hiểu biết của học sinh về vấn đề này còn có nhiều hạn chế.
Về phía các nhà trường, thời gian qua cũng đã lồng ghép vấn đề vào trong các tiết học kỹ năng, tiết học giáo dục công dân, sinh học nhưng lượng kiến thức cung cấp vẫn còn rất ít.
Chia sẻ về điều này, cô giáo Trần Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Hương cho rằng: Dù rất quan tâm đến vấn đề xâm hại tình dục, giáo dục giới tính tuy nhiên ở các trường học do hạn chế về thời gian và áp lực về khối lượng kiến thức văn hoá nên học sinh chưa được học nhiều về các kỹ năng phòng tránh.
Chương trình truyền thông sẽ trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để nhận diện các hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng phòng tránh. Ảnh: Mỹ Hà |
Từ những hạn chế trên, việc tổ chức các chương trình truyền thông kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua đó, nhằm mục đích cung cấp cho học sinh những kiến thức về xâm hại tình dục trẻ em, giúp các em thấy được những thực trạng và ảnh hưởng của việc xâm hại. Quan trọng hơn, chương trình sẽ trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để nhận diện được các hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng phòng tránh.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, chương trình truyền thông "Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em" sẽ được triển khai ở tất cả các trường học ở Cửa Lò và sắp tới sẽ được nhân rộng và triển khai ở nhiều trường học khác trong tỉnh./.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|