Đừng khoán trắng chương trình tăng cường cho các đơn vị liên kết

Mỹ Hà 25/08/2023 14:09

(Baonghean.vn) - Việc triển khai chương trình tăng cường được xem nhằm mục đích nâng cao năng lực, giúp học sinh phát triển toàn diện. Nhưng để triển khai hiệu quả thì cần phải có một sự đánh giá đầy đủ, khách quan.

Khó lựa chọn

Đã có con thứ 3 vào trường tiểu học nhưng chị Nguyễn Hằng (phường Trung Đô - thành phố Vinh) vẫn còn đắn đo khi đăng ký cho con vào lớp 1. Theo thông báo của nhà trường, năm nay trường tuyển sinh 8 lớp, trong đó có 3 lớp tiếng Anh tăng cường, 2 lớp Stem, còn lại là các lớp bình thường. So với những lớp truyền thống, các lớp Stem, dự kiến mỗi tháng học sinh sẽ đóng thêm 200.000 đồng/tháng (25.000 đồng/tiết).

Với lớp tiếng Anh tăng cường, số tiền sẽ nhiều hơn vì 1 tuần các cháu sẽ học 3 tiết, trong đó có 2 tiết giáo viên Việt Nam (20.000 đồng/tiết) và 1 tiết với giáo viên nước ngoài (40.000 đồng/tiết). Các chương trình tăng cường đều liên kết với các trung tâm để tổ chức dạy học.

Giờ học Stem của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao. Ảnh - PV.jpeg
Một giờ học Stem của học sinh trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Theo chị Nguyễn Hằng, số tiền để đóng học các môn tăng cường không nhiều, nhưng điều chị băn khoăn chính là chương trình dạy và cách bố trí các tiết học trong năm học: Tôi thực sự có nhiều phân vân khi lựa chọn lớp cho con. Bởi lẽ, khi cho con học thêm tiếng Anh ở ngoài, chúng tôi được lựa chọn trung tâm, lựa chọn chương trình học và được giáo viên thông báo hàng ngày. Trong khi đó, ở trường, tôi nghĩ điều này là khó vì lớp học quá đông và học sinh chỉ học tuần có mấy tiết thì hiệu quả không cao. Thực tế, tôi có đăng ký cho con vào lớp tăng cường chỉ với lý do, hy vọng cháu được vào lớp ưu tiên về giáo viên. Còn lại, tôi nghĩ vẫn phải đăng ký học thêm cho con ở ngoài.

Mùa tuyển sinh năm nay, hầu hết các trường ở thành phố Vinh đều tuyển sinh các lớp tăng cường và điều đó khiến nhiều phụ huynh gặp nhiều khó khăn khi đăng ký nhập học cho con. Qua thực tế làm công tác tuyển sinh năm nay, cô giáo Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Đô - Thành phố Vinh cho biết: Việc phụ huynh băn khoăn là điều dễ hiểu và nhà trường đã phải trực tiếp tư vấn cho nhiều phụ huynh khi đăng ký lớp cho con.

Năm nay, số hồ sơ xin đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường đông hơn lớp Stem và vượt chỉ tiêu của lớp. Điều đó cho thấy, phụ huynh khá quan tâm đến việc học tiếng Anh cho con ở trường. Tuy vậy, điều phụ huynh lo ngại là chất lượng học có hiệu quả hay không, nhất là khi các cháu mới vào lớp 1 và chúng tôi phải cam kết với phụ huynh về điều này.

bna_Phụ huynh đăng ký tuyển sinh cho con vào lớp 6 ở thành phố Vinh. Ảnh - MH.jpeg
Phụ huynh đăng ký tuyển sinh cho con vào lớp 6 ở thành phố Vinh. Ảnh: MH

Năm nay, Trường THCS Quang Trung - Thành phố Vinh cũng tuyển sinh một lớp tiếng Anh tăng cường và 1 lớp Stem. Qua hồ sơ đăng ký ban đầu, nhà trường buộc phải đưa ra các tiêu chí xét tuyển vì số hồ sơ đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường nhiều hơn chỉ tiêu đề ra, với gần 90 hồ sơ. Trong khi đó, lớp Stem lại không đủ theo như kế hoạch.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xu hướng phụ huynh vẫn muốn cho con học tăng cường tiếng Anh hơn các môn học khác, nhất là khi hiện nay nhiều trường tuyển sinh vào lớp 10 ưu tiên tuyển sinh học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ. Tuy nhiên, với các môn tăng cường còn lại thì phụ huynh vẫn còn băn khoăn vì lo ngại sẽ chiếm nhiều thời gian học tập của con ở trường. Trước mắt, chúng tôi cho phụ huynh đăng ký, nếu đủ lớp thì sẽ mở lớp, nếu không đủ lớp sẽ dừng chương trình tăng cường. Năm học trước, Trường THCS Quang Trung có một lớp tăng cường kỹ năng sống nhưng vì học sinh không đủ nên không thể triển khai.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh các trung tâm Ngoại ngữ đã liên kết với các cơ sở giáo dục mở được 3749 lớp tiếng Anh tăng cường với hơn 97.000 học sinh theo học. Số học sinh và số lớp tăng hơn 50% so với năm học 2020 - 2021.

Bên cạnh đó, có 11 đơn vị liên kết hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục với hàng chục nghìn học sinh đang theo học.

Nhiều bất cập

Từ vài lớp thí điểm, chương trình tăng cường hiện đang được mở tại nhiều trường học trên toàn tỉnh, trong đó tập trung chính vào các môn như tiếng Anh, Tin học, Kỹ năng sống, Stem và một số môn năng khiếu. Việc đưa chương trình tăng cường vào học được xem là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Như tại Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương), hiện nhà trường triển khai song song nhiều chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tin học, chương trình tăng cường phát triển các môn văn hóa, nghệ thuật và chương trình tăng cường các môn thể dục - thể thao.

Ngày hội Stem của các học sinh Trường THCS Lý Nhật Quang -( Đô Lương).jpg
Ngày hội Stem của học sinh Trường THCS Lý Nhật Quang. Ảnh: NTCC

Qua trao đổi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi triển khai môn tăng cường, chúng tôi tổ chức hội nghị giáo viên cốt cán của nhà trường để bàn bạc, thảo luận, xây dựng chuẩn đầu ra cho từng chương trình. Các nhóm môn là nòng cốt để thực hiện nội dung này dưới sự định hướng của ban giám hiệu.

Ví dụ, chuẩn đầu ra của chương trình tăng cường môn tiếng Anh là 100% học sinh đạt trình độ A2 trở lên, trong đó 20% đạt trình độ B1. Trong quá trình triển khai, nhà trường công bố công khai các chương trình để học sinh lựa chọn. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát và bổ cứu kịp thời những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía học sinh và gia đình để điều chỉnh chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có tính khả thi cao.

Với tiền đề là chất lượng đầu vào học sinh khá đồng đều nên việc triển khai chương trình tăng cường ở Trường THCS Lý Nhật Quang được xem là khá hiệu quả. Tuy vậy, không phải khi nào chương trình tăng cường cũng đạt kết quả tốt. Thực tế, trong những năm đầu tiên triển khai chương trình tăng cường ở các nhà trường, nhiều phụ huynh vẫn còn những băn khoăn trong quá trình thực hiện.

Một phụ huynh có con học tiểu học đang theo học 4 năm chương trình Toán - tiếng Anh tăng cường ở thành phố Vinh cho biết: Tôi nghĩ rằng, chương trình tiếng Anh tăng cường phải phù hợp với độ tuổi. Cá nhân tôi cho rằng, các cháu mới học tiểu học, nhận thức còn hạn chế thì việc học Toán bằng tiếng Anh như chương trình tăng cường đang triển khai hiện nay là chưa cần thiết và hiệu quả chưa cao.

Giờ học Tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường mầm non Hoa Sen 2. Ảnh - Đức Anh.jpg
Một giờ học tiếng Anh tăng cường cho học sinh mầm non. Ảnh: Đức Anh

Trong khi đó, với bậc học lớn hơn, nhiều phụ huynh có con đang học chương trình tiếng Anh chia sẻ chưa hài lòng với cách phối hợp giữa các trung tâm Anh ngữ và các nhà trường trong việc triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường, đặc biệt là trong việc cam kết đầu ra. Đó cũng là lý do vì sao, trong năm đầu tiên triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh ở 3 trường THCS trên địa bàn thành phố Vinh, phụ huynh ở Trường THCS Trung Đô đã xin dừng chương trình học trước thời hạn vì chưa thấy phù hợp.

Ngoài triển khai chương trình tăng cường ở các nhà trường thì chương trình tăng cường cũng đang được triển khai đồng loạt ở mô hình trường tiên tiến với hình thức tương tự và đây được xem là môn học bắt buộc (thay vì tự nguyện). Tuy nhiên, ở bậc THPT sau khi triển khai năm đầu tiên cũng đã bộc lộ những bất cập về chương trình, về thời gian tổ chức dạy học và việc bố trí các môn tăng cường.

Về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: Qua thực tế đánh giá lại 1 năm triển khai, chúng tôi thấy chương trình tăng cường đang còn những yếu tố chưa phù hợp như chưa tích hợp được với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường dạy quá nhiều môn tăng cường khiến học sinh rơi vào quá tải, không còn nhiều thời gian để học văn hóa.

Vì vậy, hiện Sở đang xây dựng văn bản để hướng dẫn các trường triển khai các môn tăng cường theo hướng để học sinh được lựa chọn môn học phù hợp, có sự kết nối với chương trình chính khóa ở nhà trường, không dạy một lúc nhiều môn mà có thể chia thời gian trong các năm học, tránh áp lực về thời gian và bớt áp lực về kinh phí cho các gia đình…

Thực tế cũng cho thấy, gọi là tăng cường nhưng hiện nay hầu hết các nhà trường đang “khoán” cho các trung tâm liên kết nên vấn đề chất lượng cần phải được quan tâm. Do đó, thời gian tới, Sở và các phòng giáo dục và đào tạo cần đánh giá một cách khách quan về việc triển khai ở các nhà trường, phân tích những thuận lợi, những khó khăn, bất cập để từ đó có giải pháp phù hợp cho thời gian tới và đưa các môn tăng cường về đúng với hiệu quả và mục đích đã đề ra.

Mới nhất
x
Đừng khoán trắng chương trình tăng cường cho các đơn vị liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO