Dùng trứng giả giúp bồ câu 'vỡ kế hoạch' đẻ 30 lứa mỗi năm

19/05/2017 07:08

Tự mày mò, anh Nguyễn Văn Hoàn ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trở thành 'chuyên gia' nuôi bồ câu. Với cách nuôi thông thường, bồ câu chỉ đẻ từ 7 – 8 lứa/năm, nhưng anh Hoàn có thể thuần hóa giúp bồ câu giống pháp đẻ 30 lứa/năm.

Năm 2013, từ bỏ nghề buôn lợn, anh Nguyễn Văn Hoàn, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chuyển sang nuôi chim bồ câu giống Pháp.

Cơ duyên đến với con chim bồ câu là khi anh Hoàn mang lợn lên cửa khẩu bán, thấy phía Trung Quốc phải nhập khá nhiều ngô, gạo của Việt Nam để làm thức ăn cho chim mà thương lái Trung Quốc lại giao chim cho người chạy chợ bên mình giá rẻ hơn nhiều so với vật nuôi cùng loại trong nước, trong khi chi phí vận chuyển không nhỏ. Tò mò, anh Hoàn tìm hiểu và cũng bắt đầu “tập tành” nuôi chim bồ câu.

Sau hơn thời gian học nghề ở xứ người, anh về nhà mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng nuôi 350 đôi chim bồ câu giống Pháp theo kỹ thuật mới. Thế nhưng “vạn sự khởi đầu gian” khi lứa chim đầu tiên anh nuôi đều bị chết hết do bị sốc môi trường sống.

Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Văn Hoàn ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Văn Hoàn ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Không dừng trước thất bại, anh Hoàn tiếp tục sang Trung Quốc một chuyến nữa, nhưng lần này để mua chim giống. Đồng thời, anh phát hiện ra họ làm được như thế vì họ có kỹ thuật nuôi năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống của mình. Bằng cách, anh sử dụng trứng giả để ấp trứng cho chim.

Thời gian sau, khi những quả trứng đầu tiên ấp nở thành công, những chú chim non lần lượt ra đời, anh vui mừng khôn xiết và tin rằng mình sẽ thành công. Anh chọn một số cặp bố mẹ khéo nuôi con, cho ăn tăng bữa, bổ sung dinh dưỡng để nuôi chim non mới nở, ghép 4 con non với một cặp bố mẹ. Nhờ tách con sớm, những cặp còn lại tiếp tục sinh sản rất nhanh sau đó.

Anh Hoàn so sánh: “Thông thường, một cặp chim bố mẹ chỉ nuôi được 2 con non và sau 40 - 45 ngày mới tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Trong thời gian đó, chúng tiêu tốn lượng thức ăn rất lớn nên chi phí tốn kém, nếu tính toán sẽ thấy hiệu quả kinh tế thấp. Thế nhưng tách chim non khỏi mẹ thì chỉ sau 10-13 ngày chim đẻ một lứa, bằng 1/4 thời gian so với cách nuôi truyền thống. Qua đó giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất vật nuôi”.

Anh Hoàn sử dụng trứng giả để ấp trứng cho chim, đạt năng suất cao gấp 3-4 lần so với cách làm thông thường
Anh Hoàn sử dụng trứng giả để ấp trứng cho chim, đạt năng suất cao gấp 3 - 4 lần so với cách làm thông thường.

Bí quyết để anh Hoàn tăng năng suất đẻ của chim bồ câu là nhờ những quả trứng giả. Trứng giả được đưa vào ổ, trứng thật được đưa vào máy ấp trứng. “Trứng giả đưa vào ổ để đánh lừa con chim. Để con chim ấp hơn chục ngày có sữa diều nuôi được con. Khi ghép con lại lấy trứng giả ra ghép cho tổ khác. Cứ 9 – 10 ngày, chim mẹ có thể cho lứa trứng tiếp theo. Trong khi đó trứng ấp máy được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ nên tỷ lệ nở đến 90%” - anh Hoàn chia sẻ kinh nghiệm.

Để chim có thể đẻ 27– 30 lứa/năm, chim bồ câu được ăn theo chế độ đặc biệt. Chúng chỉ ăn thức ăn viên mà không ăn loại nghiền nhỏ. Cám, ngô rơi vãi được tận dụng nuôi gà đẻ trứng. Chim nuôi con cho ăn 4 lần/ngày, chim đẻ thường 2 lần/ngày.

“Giống chim này lớn, dễ tiêu thụ. Sau 20 - 22 ngày, chim thịt xuất chuồng nặng khoảng 0,6 kg/con. Bình quân mỗi tháng, tôi xuất hơn 1 nghìn chim thương phẩm với giá 70 nghìn đồng/con, 300-400 cặp chim giống với giá 200 nghìn đồng/đôi cung cấp cho các nhà hàng, trang trại nuôi chim ở khắp các tỉnh miền Bắc” – anh Hoàn cho hay.

Theo Liên Lê/baodanviet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Dùng trứng giả giúp bồ câu 'vỡ kế hoạch' đẻ 30 lứa mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO