Cho đến bây giờ, dù đã ngoài 30 tuổi và là mẹ của hai con, nhưng chị Nguyễn Thị Châu Anh vẫn rưng rưng tủi thân mỗi lần nhớ về những ngày còn đi học. Năm tháng xa xôi ấy, Châu Anh là một nữ sinh khuyết tật “sống thu mình như con ốc nhỏ”. Giờ ra chơi, cô bé nép mình sau khung cửa, nhìn ra sân trường thấy các bạn chạy nhảy, chỉ biết khóc “thèm được như các bạn”.
Châu Anh là con gái đầu trong gia đình có bố và mẹ đều làm công chức. Hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn nên ngày mới sinh ra, cả gia đình đều dành mọi tình yêu cho cô con gái xinh xắn này. Điều không may bắt đầu diễn ra khi Châu Anh đến tuổi tập đi men, bố mẹ nhanh chóng phát hiện thấy điều bất thường bởi cô bé trông lành lặn, khỏe mạnh là vậy nhưng “chân đi nhót nhót”, không giống như những đứa trẻ khác. Tưởng căn bệnh đơn giản, nhưng rồi qua rất nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh, khám chữa đông, tây y kết hợp, câu trả lời mà gia đình luôn nhận được đều là cái lắc đầu. Hồ sơ bệnh án ngày đó cũng không chỉ ra rõ Châu Anh bị bệnh gì. Mọi hoài nghi hướng về phỏng đoán “tiêm phải dây thần kinh khi còn nhỏ” nên sau này bị biến chứng.
Chỉ một sai sót trong y tế đó đã đưa cuộc đời cô bé Châu Anh vào hoàn cảnh bị khuyết tật mãi mãi. Đôi chân của em từ bình thường ngày một teo nhỏ, đi lại khó khăn. Những năm học phổ thông, trong dáng hình xiêu vẹo, lết từng bước chân nhọc nhằn, dẫu rất thèm muốn song Châu Anh không thể hòa đồng với các bạn cùng trang lứa. Thay vào đó, cô bé sống thu mình và luôn mang nỗi mặc cảm riêng. Niềm vui duy nhất ngày ấy của Châu Anh là những cuốn sách và khát vọng học thật giỏi để bạn bè khỏi chê cười, bố mẹ không buồn lòng vì mình. Tốt nghiệp THPT, ngoài một giải thưởng tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh, Châu Anh đã thi đậu vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học Huế.
12 năm trước, khi quyết định vào đại học, Châu Anh chỉ nghĩ đơn giản là để khẳng định mình. Bởi bấy giờ, ngay cả mẹ Châu Anh cũng có phần lo ngại về quyết định của con gái. Bằng tình thương và nỗi lo muôn vàn của người mẹ, mẹ Châu Anh thầm cân nhắc trước cho tương lai của con bằng cách giữ con bên mình, rằng chỉ cần học xong lớp 12 thì gia đình sẽ dựng cho Châu Anh một sạp nhỏ, bán hàng qua ngày. Bà Võ Thị Sáu – mẹ Châu Anh tâm sự: Ngày trước, phần nhiều thời gian Châu Anh ở cùng với bố mẹ tại bệnh viện. Ở viện lâu ngày nên thậm chí, một số người bán hàng xung quanh khu vực Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh còn sẵn sàng cho tôi mua nợ, vì đã quen mặt. Biết sức khỏe con yếu nên chúng tôi cũng không đặt áp lực cho con, không yêu cầu con phải vào được đại học, cao đẳng. Nhưng Châu Anh là một cô bé cá tính và đã nói với bố mẹ: “Con sẽ chứng minh mình tàn nhưng không phế”. Cá tính mạnh mẽ ấy đã đưa cuộc đời Châu Anh sang một ngã rẽ tươi sáng. Em chọn học ngành Công tác xã hội, nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn bè, để rồi xuất sắc nhận tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi và ra trường, được UBND huyện Quỳ Châu tuyển dụng theo diện thu hút và được công tác đúng với ngành nghề mà mình yêu thích.
Nghĩ về hành trình hơn 30 năm vượt lên nghịch cảnh của mình, Châu Anh nhớ mãi không quên về kỷ niệm khi chị gặp những người cùng cảnh ngộ tại Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật ở Huế. Đó là thời điểm chị đang học năm thứ 2 đại học, được đi thực tế cùng với thầy cô và các bạn cùng lớp. Ở đó, chị gặp một người em khuyết tật nặng, câm điếc và không tiếp xúc với bất cứ người nào. Nhưng khi gặp Châu Anh – một người cùng cảnh ngộ, cô bé đã sẵn sàng chia sẻ với chị, cho chị xem bức tranh em vẽ với hình ảnh đôi chim bồ câu đang cắp một nhánh hoa hồng. Ẩn sau bức tranh đó, chị thấy được khát vọng muốn được bay cao, bay xa, mong một hạnh phúc vẹn tròn…
Sau chuyến đi đó, bài thu hoạch của chị viết về những người khuyết tật kém may mắn nhận được sự đồng cảm của thầy cô, bạn bè. Riêng chị, cũng đã tự vượt qua chính mình khi lần đầu tiên tự tin đứng trên giảng đường và nói về câu chuyện của mình.
Cũng với tâm niệm trên, nên trong 10 năm qua, trên cương vị của mình, Nguyễn Thị Châu Anh luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, dù rằng công việc của chị đang phụ trách gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại vì đối tượng đặc thù (trẻ khuyết tật và những người yếu thế). Trong khi đó, địa bàn huyện miền núi Quỳ Châu rộng và điều kiện đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Châu Anh cũng cho biết, vì trình độ dân trí trong một bộ phận người dân vùng cao còn hạn chế, nên rất nhiều người thuộc đối tượng được bảo trợ không biết đến chế độ, chính sách. Thông qua mạng xã hội và các kênh thông tin riêng, mỗi khi biết đến một hoàn cảnh thương tâm, chị đều nỗ lực hoàn thành thủ tục với quan điểm “vừa có tình, vừa có lý”, tiếp thêm niềm tin cho các số phận kém may mắn.
Làm công việc này, hàng ngày chứng kiến rất nhiều mảnh đời bất hạnh, Châu Anh cũng lặng thầm thực hiện hành trình thiện nguyện của riêng mình như một lẽ dĩ nhiên. Nhẩm tính lại, trong những năm công tác, chị đã kêu gọi các mạnh thường quân và bạn bè hỗ trợ trên 200 triệu đồng cho những người kém may mắn trên địa bàn.
Có một điều rất đặc biệt, dù là người đi đầu trong công tác thiện nguyện ở huyện nhà nhưng Châu Anh không thành lập câu lạc bộ, không tham gia các tổ chức mà chị chỉ chia sẻ trên trang cá nhân của mình với thời gian vận động mỗi lần không quá dài, để dành ưu tiên những trường hợp khác. Qua nhiều năm làm công việc “không tên” này, Nguyễn Thị Châu Anh nói rằng, chị nhận được rất nhiều, đó là sự sẻ chia, được giúp đỡ những người kém may mắn và quan trọng hơn, chị ấm lòng khi nhận ra xung quanh có rất nhiều người hảo tâm, sẵn sàng đồng lòng, chung sức ủng hộ công việc thiện nguyện với chị, dẫu trong số đó có những người chưa một lần nêu tên…
Đến với những người kém may mắn, chị cũng mong muốn tiếp thêm cho họ niềm tin, nghị lực và giúp họ vượt qua nỗi mặc cảm để có thể “đứng vững” trên đôi chân khuyết tật. Ở tuổi ngoài 30, Châu Anh vừa được Tỉnh đoàn Nghệ An tặng Bằng khen Đảng viên trẻ xuất sắc năm 2023.