Được sinh con thứ hai, vợ chồng Trung Quốc đổ xô thụ tinh ống nghiệm
Sau khi Trung Quốc tuyên bố bỏ chính sách một con, các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản trở nên quá tải do nhiều cặp vợ chồng đến thụ tinh để sinh con thứ hai.
Theo Foxnews, đầu năm 2016, Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con. Mọi cặp vợ chồng đã kết hôn đều có quyền sinh con thứ hai. Thay đổi chính sách này khiến nhu cầu điều trị khả năng sinh sản ở phụ nữ lớn tuổi tăng cao hơn, gây áp lực nặng nề cho các phòng khám, đặc biệt những nơi có phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Chính sách một con do chính phủ Trung Quốc áp dụng từ cuối thập niên 1970 chỉ cho phép phần lớn cặp vợ chồng sinh một con. Các quan chức khẳng định chính sách này đã giúp ngăn chặn dân số Trung Quốc tăng thêm 400 triệu người và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên chính sách một con đã dẫn tới nhiều vụ cưỡng ép phá thai, đồng thời khiến chênh lệch giới tính trở nên cực kỳ nghiêm trọng do nạn trọng nam khinh nữ. Ước tính đến năm 2020 số nam giới vào tuổi kết hôn ở Trung Quốc cao hơn nữ giới tới 30 triệu người.
Ngoài ra, dân số 1,37 tỷ người Trung Quốc đang ngày một già hóa, nguồn lực lao động trở nên thiếu hụt. Những vấn đề này khiến chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách một con vào năm 2013 nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến phải hủy bỏ hẳn.
Trung Quốc chấm dứt chính sách một con. Ảnh: Chinanews. |
Sau khi chính sách cho phép sinh con thứ hai có hiệu lực, Trung Quốc đối mặt với tình trạng khủng hoảng tại các phòng khám bệnh viện sản. Nhiều cặp vợ chồng đổ xô đi chữa chạy vô sinh, thụ tinh trong ống nghiệm với mong muốn có thêm đứa con. "Ngày càng có nhiều phụ nữ đang đến bệnh viện bày tỏ mong muốn có đứa con thứ hai", tiến sĩ Liu Jiaen điều hành một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh cho biết.
Liu ước tính rằng số phụ nữ đến bệnh viện làm thụ tinh trong ống nghiệm đã tăng 20% kể từ khi chính sách mới ban bố. Trước đây độ tuổi trung bình bệnh nhân của bệnh viện khoảng 35 thì nay hầu hết lớn hơn 40 và nhiều trường hợp 50 tuổi. "Cơ hội thụ thai tự nhiên của phụ nữ lớn tuổi rất thấp, vì vậy họ nhờ đến phương pháp thụ tinh nhân tạo. Họ thực sự muốn có thêm một đứa con càng sớm càng tốt", ông Liu nói.
Chen Yun 39 tuổi đang "ăn chực nằm chờ" trong bệnh viện để chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm. Cô và chồng đã có một con trai 7 tuổi và gia đình rất mong muốn có đứa con thứ hai. "Chúng tôi đang đến cuối tuổi sinh sản, thật khó khăn để có thai tự nhiên bởi vì tinh trùng của chồng có vấn đề, vì vậy chúng tôi muốn mang thai thông qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm", Chen nói.
Chen hy vọng sinh một em trai hay em gái cho con trai. "Chúng tôi đều có anh chị em khi còn trẻ. Tôi cũng mong muốn con trai mình có trải nghiệm làm anh để nó hạnh phúc và có trách nhiệm hơn", Chen nói.
Trong hai thập kỷ qua, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, nơi có khoảng 10% cặp vợ chồng cần đến phương pháp này để thụ thai. Trong năm 2014, khoảng 700.000 phụ nữ đã điều trị bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Hiện các trung tâm sinh sản tại những cơ sở y tế nổi tiếng ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng như nhiều nơi khác đang chịu áp lực quá tải bởi khách hàng quá đông.
Ngoài ra, khi nhu cầu sinh đẻ tăng cao, các ngân hàng tinh trùng của Trung Quốc cũng chịu áp lực rất lớn. "Nhu cầu xin tinh trùng của nhiều phụ nữ, thường ở độ tuổi khoảng 35 trở lên, đã tăng đột biến", Zhang Xinzong, Giám đốc Ngân hàng tinh trùng Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc cho biết.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|