Sau khi thành lập, TX. Hoàng Mai đã nhận được sự quan tâm của Trung ương, đặc biệt là của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ngày 18/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về xây dựng phát triển TX. Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đây là cơ sở xác lập quan trọng để TX. Hoàng Mai bứt phá, phát triển và thay đổi nhanh diện mạo đô thị như ngày hôm nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định tập trung chỉ đạo 5 mũi trọng điểm phát triển kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho 3 vùng trọng điểm để tạo thành các cực tăng trưởng, trong đó: Phát triển vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó, phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An: Phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Đông Nam và Khu kinh tế Nghi Sơn. Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thị xã Hoàng Mai. Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND, ngày 14/7/2022 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2022 – 2025.
Được sự quan tâm của cấp trên cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế – xã hội thị xã ngày càng phát triển, quốc phòng – an ninh ổn định, đời sống Nhân dân ngày được nâng cao. Sau 10 năm thành lập, TX. Hoàng Mai từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và tỉnh khi thành lập thị xã.
Thị xã Hoàng Mai đi vào hoạt động, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, 5 đơn vị hành chính cấp xã có 2 xã nghèo, 01 xã miền núi, năm 2013, bình quân chỉ đạt 6 tiêu chí/xã. Hạ tầng kinh tế – xã hội thấp kém; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hạn chế; cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các sở, ban, ngành, của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã, sau 07 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động xây dựng 1.635,765 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 516,267 tỷ đồng, chiếm 31,56%. Đến cuối năm 2020, 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Hiện nay, thị xã đang tiếp tục chỉ đạo các xã nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo tiêu chí của phường; phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng thêm 2 xã thành phường.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã tăng nhanh, bình quân đạt trên 14%/năm, năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã 14,51%, từng bước khẳng định là 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh) năm 2022 đạt 21.699 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2014, là địa phương có mức tăng quy mô giá trị sản xuất cao nhất, đồng thời tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 3 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của cả tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, thị xã có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 19 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân như: Tôn Hoa Sen, May Vinatex, May thêu Dong-A, Bánh kẹo Hải Châu II, Tổ hợp dịch vụ và khách sạn Mường Thanh, chợ Hoàng Mai,… Đặc biệt, đỉnh điểm là năm 2022 thị xã đã thu hút được các dự án đầu tư FDI lớn, đã khởi công dự án: Nhà máy Sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng với mức đầu tư giai đoạn 1 là 200 triệu USD; Dự án sản xuất gia công giày dép xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Lợi – Đài Loan, tổng đầu tư 65 triệu USD và một số dự án vệ tinh ở Khu công nghiệp Hoàng Mai I,…
Giá trị tăng thêm bình quân đầu người tăng nhanh, từ 31,75 triệu (năm 2014) tăng lên 74,9 triệu đồng/người/năm (năm 2022), tăng 43,15 triệu đồng = 2,36 lần. So với bình quân chung của tỉnh là 51,43 triệu = 1,46 lần. Tỷ lệ hộ nghèo từ mức 7,44% (năm 2014) giảm xuống còn 0,92% (năm 2021), đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,09% theo tiêu chí mới (giảm 0,8%, vượt KH đề ra).
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thường xuyên quan tâm, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Qua 10 năm đã vận động ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo” và “Tết vì người nghèo” trên 31,6 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019 đến nay, thị xã tổ chức cuộc vận động lớn, huy động nguồn kinh phí 11,185 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới 453 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn.
Giáo dục – Đào tạo chuyển biến rõ nét, chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, trong những năm gần đây: Năm học 2018 – 2019, chất lượng học sinh giỏi tỉnh lớp 9 giữ vị trí thứ 03/21 huyện, thành, thị; Năm học 2019 – 2020, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của thị xã đạt 99,8% (Trường THPT Hoàng Mai đạt 100%, có 27 lượt học sinh đạt từ 27 điểm trở lên); năm học 2021 – 2022, học sinh giỏi tỉnh của Trường THPT Hoàng Mai giữ vị trí thứ nhất tỉnh. Quy mô giáo dục được mở rộng, thành lập 1 trường THPT công lập, các trường mầm non tư thục, trung tâm ngoại ngữ.
Thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Lễ hội Đền Cờn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; tổ chức thành công Hội thảo khoa học Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa đền Cờn và phát triển du lịch Hoàng Mai. Thể thao thành tích cao giành nhiều kết quả, năm 2019, thị xã có 2 lần giành giải Nhất toàn đoàn, Đội thiếu niên – nhi đồng thị xã Vô địch tại giải bóng đá các lớp năng khiếu Sông Lam Nghệ An.
Thị xã ra đời trong điều kiện xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng đô thị còn yếu và thiếu, chưa hình thành các công trình trong khu trung tâm hành chính, các tuyến giao thông kết nối Đông Tây, kết nối Đông Hồi và miền Tây Nghệ An; hệ thống cấp thoát nước, điện, điện chiếu sáng,… chưa được đầu tư. Sau 10 năm thành lập, đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, kịp thời hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng thiết yếu, đã làm thay đổi diện mạo, bộ mặt đô thị được khang trang và kết nối với các vùng lân cận. Đến nay, đã hoàn thành 51/63 tiêu chuẩn đô thị loại III theo Nghị quyết 26/NQ-CP, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị loại III.
Luôn quan tâm, chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức. Đến nay, trình độ cán bộ, công chức thị xã: chuyên môn Đại học trở lên 99%, chính trị: trung cấp trở lên 95%; Cấp xã: chuyên môn Đại học 91,5%, chính trị: trung cấp 90,1%;
Với sự năng động, kịp thời của chính quyền đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Ngày 20/8/2021, BCH Đảng bộ thị xã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ThU, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo gắn với chuyển đổi số. Hiện nay, đang nỗ lực thực hiện đáp ứng mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nằm trong tốp 3 địa phương cấp huyện đứng đầu về chỉ số CCHC của tỉnh. Là đơn vị tốp đầu triển khai hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền thông qua ứng dụng “Hoàng Mai tôi yêu” giúp cho chính quyền nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng. Thành lập được 4 chi bộ ngoài quốc doanh trực thuộc Thị ủy. Chỉ đạo thành lập Chi bộ Hội Nghề cá ở Quỳnh Lập với 15 đảng viên là các ngư dân thường xuyên đánh bắt thủy sản xa bờ. Ban hành Đề án trợ cấp cho đảng viên được tặng Huy hiệu 50 tuổi Đảng trở lên không được hưởng các chế độ thường xuyên của Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Thành lập Ban chỉ đạo 71 về việc giải quyết các vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài trong Nhân dân.
HĐND tập trung giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND thị xã và cơ sở đã có chuyển biến tốt, quyết liệt, tập trung, cụ thể, hiệu quả hơn. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, đặc biệt là xây dựng các Tổ tự quản văn minh – an toàn ở các khu dân cư “6 không, 3 có”; xây dựng các tuyến đường cờ, hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Từ một địa bàn được đánh giá là phức tạp về an ninh trật tự, với nhiều loại tội phạm nguy hiểm, nhưng trong những năm qua, Công an thị xã đã luôn nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phá nhiều vụ án lớn, 9 năm là đơn vị Quyết thắng, chứng tỏ được sự lớn mạnh của Công an thị xã.
Quốc phòng luôn được đảm bảo, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thị xã Hoàng Mai năm 2017, được tỉnh đánh giá cao, xếp loại giỏi.