Đường Hồ Sỹ Dương: "Phố cháo lươn"
(Baonghean) - Hôm nay có cuộc hẹn đi ăn sáng với cô bạn người Hà Nội vào chơi, lúc cô nàng gọi điện hỏi địa chỉ quán ăn, mình hồn nhiên trả lời:
- Bạn nói taxi đưa đến cháo lươn truyền hình nhé!
- Cháo lươn truyền hình à, tên nghe lạ thế? Nhưng mà tên đường là gì hả bạn?
- Tên đường là…là gì nhỉ? Mình bỗng ngập ngừng, nghĩ đi nghĩ lại mà không nhớ ra con đường mà mình từng lui tới không biết bao nhiêu lần có tên là gì. Cực chẳng đã, đành phải bảo cô bạn cứ đọc địa chỉ cho taxi là “cháo lươn truyền hình”, kèm theo lời hứa đảm bảo tài xế tự khắc biết địa điểm cần đến.
Một quãng “phố cháo lươn” trên đường Hồ Sỹ Dương |
Quả nhiên, đúng 7h30 phút, khi mình lò dò đến hàng cháo lươn quen thuộc thì đã thấy cô bạn đứng ngay trước con đường nhỏ bên hông bưu điện tỉnh, nơi từ lâu đã trở thành “thiên đường” cháo của thành phố. Lúc này mình mới ngước nhìn lên bảng tên đường và ồ lên: “Thì ra đường này là đường Hồ Sỹ Dương”. Cô bạn mình thì tủm tỉm cười và trêu mình mãi là “Ngày nào cũng thấy khoe đang đi ăn cháo lươn mà sao tên đường cũng không nhớ?”. Mình chỉ biết gãi đầu cười trừ, chẳng biết thanh minh như thế nào cho sự đãng trí hay là vô tâm của mình.
Một hàng cháo lươn. |
Thật ra, người Vinh đến đây ăn cháo lươn có lẽ chẳng mấy ai để ý đến tên đường, mà đều gọi bằng cái tên quen thuộc là “cháo lươn truyền hình” hoặc “cháo lươn bưu điện”. Sở dĩ gọi là “cháo lươn bưu điện” cũng bởi con đường này nằm ở ngay cạnh bưu điện tỉnh. Còn tại sao lại gọi là “cháo lươn truyền hình”? Mình từng đem điều này thắc mắc với bà chủ quán cháo mà mình hay lui tới và nhận được câu trả lời:
- Tui cũng không biết nữa. Có lẽ tại ngày xưa khi thành phố còn thưa thớt, chưa đông dân cư và các công trình cao tầng như bây giờ, tháp truyền hình là một trong những công trình nổi bật của thành phố nên họ gắn khu vực ni với cái tên “truyền hình”. Mà các anh, chị làm việc trong đài truyền hình cũng hay ra đây ăn sáng hoặc ăn khuya lắm. Có lẽ cái tên “cháo lươn truyền hình” cũng từ thói quen đó của họ mà ra?
Một lý do nữa khiến khiến "phố cháo lươn" được gọi là "cháo truyền hình", ấy là trước đây Đài Truyền hình Vinh (Đài khu vực) đóng ngay trên con phố này. Khu vực này cũng là nơi thường trú của phần lớn cán bộ, phóng viên, công nhân viên Đài PT-TH Nghệ An.
Những câu chuyện của các bà, các chị bán cháo trong con ngõ này bao giờ cũng mộc mạc, đơn giản như vậy. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi bận ghé quán, ngồi nhẩn nha ăn từng thìa cháo nóng nghi ngút, nghe kể chuyện và nhấm nháp một đôi ngụm nước chè chát, thấy buổi sáng đời thường bỗng dưng hoá thi vị lạ lùng. Nhưng ấy không phải là kiểu thi vị bay bổng, xa vời đến một miền trời màu hồng nào đó, mà là sự nhìn và cảm nhận cuộc sống xung quanh nhẹ nhàng, ấm áp và bao dung hơn. Đó là câu chuyện về một cậu bé sáng nào cũng đi xe đạp, lủng lẳng chiếc cặp lồng đến quán mua cháo về cho ông ăn sáng. Đều đặn như vậy từ mấy năm nay, nhưng rồi một ngày nọ quán sáng bỗng vắng đi tiếng cười nói ríu rít, láu lỉnh quen thuộc. Bẵng đi một tuần, cậu bé “cặp lồng” mới xuất hiện trở lại, mặt buồn thiu kể cho cả quán nghe chuyện ông nội đi vào Nam chơi với nhà chú út, phải hơn tháng nữa mới về. Cũng có khi câu chuyện của ngày chỉ là đoạn đối thoại giữa bà mẹ và cô con gái đang đi học tiểu học:
- Bim ăn đi để còn đi học. Bim có cần mẹ đút cho ăn không?
- Không không, mẹ để Bim tự ăn. Bim đi học lớp Hai, Bim lớn rồi. Chỉ có các em nhỏ học lớp Một mới để cho mẹ đút ăn thôi.
Nói rồi, cô bé phồng má thổi cháo phù phù và tự xúc ăn, vẻ kiên quyết. Bà chủ quán rất biết ý, tấm tắc khen ngợi: “Cháu học lớp Hai lớn thế này rồi cơ mà, tự xúc ăn giỏi quá!”. Được sự khích lệ của mẹ và mọi người trong quán, cô bé cười tít mắt, chỉ một lát sau bát cháo đã hết veo.
Đấy, chỉ những câu chuyện thường nhật trong cuộc sống thế thôi, chứ chẳng phải cổ tích gì xa xôi, nhưng đem đến cho người ta một dư vị rất ngọt, rất thật. Không biết có phải vì như vậy mà vị cháo lươn ở đây rất được lòng thực quán trong thành phố, mặc dù các quán cháo lươn ở Vinh thi nhau mọc lên cùng với thương hiệu “cháo lươn xứ Nghệ” ngày càng được biết đến rộng rãi, đến cả với các thực khách ngoài tỉnh. Cô bạn người Bắc của mình hôm nay là lần đầu tiên nếm thử món đặc sản xứ Nghệ, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Khuôn mặt ửng hồng lên vì hơi nóng từ cháo, cũng là vị cay ấm nồng sực lên từ lươn, cô nàng phân bua:
- Thực ra cháo lươn thì mình có ăn rồi, nhưng mà lươn ngoài Bắc là lươn khô, ăn dai dai sật sật chứ không mềm, chắc thịt như thế này. Mà đây cũng là lần đầu tiên mình nhìn thấy hình thù thực của con lươn đấy bạn ạ. Nhìn thì hơi ghê, nhưng ăn vào mới thấy vị ngon không chê vào đâu được. Trời vào thu lạnh hiu hiu, có chút mưa phùn, ăn thế này mới đúng điệu!
Bà chủ quán tính tình xởi lởi, thấy người khách vãng lai khen món ăn ngon cũng vui miệng góp chuyện: “Cô này người Bắc mà ăn được cay như thế này là ít có lắm đấy. Lần sau ghé ăn, thích ăn ít cay, nhiều cay, lươn nhiều, lươn ít cứ nói một câu, khách muốn thế nào chúng tôi đều chiều lòng được”. Nói rồi, bà tâm sự rằng quán cháo này tuy nhỏ nhưng là “nồi cơm” chính của cả gia đình mấy thế hệ. Ngày trước ở trong ngõ này chỉ có một quán cháo duy nhất mà thôi, nhưng rồi không biết vì cơ duyên của con ngõ này hay vì cái tính xởi lởi, mến khách của chủ quán và vì vị lươn rất ngon, rất thật mà khách đến tấp nập. Gia đình chủ quán nhờ đó mà khấm khá lên, rồi truyền đời cho con cần mẫn ngày ngày bên nồi cháo nóng sực, cũng là giữ lửa sung túc, đủ đầy cho cả một gia đình. Dần dà, các hàng quán khác mọc lên, san sát đứng cạnh nhau trong con ngõ nhỏ này. Nhưng đến đây không thấy có không khí cạnh tranh gay gắt giữa các quán, ai làm việc người nấy, yên bình, gần gũi như những người hàng xóm nương tựa vào nhau. Ngay cả khách đến ăn ở các hàng cháo dường như cũng “lây” cái không khí ôn hoà, nhẹ nhàng, mà dù quán bán đến tận đêm khuya, về sáng, cũng chưa từng xảy ra vụ gây gổ, ấu đả nào ở đây.
Nếu như trước đây, các hàng cháo bán sáng sớm và đêm khuya như thế này thường để phục vụ cho giới lao động, những người mà thời gian dành cho việc ăn uống, ngủ nghỉ gần như là một cái gì xa xỉ, thậm chí là lãng phí, thì nay, khách đến ăn ở quán ngày càng đa dạng. Có những công nhân, viên chức nhà nước mà sự chỉn chu hiện rõ ngay trên nét mặt nhu hoà, trên chiếc cổ áo sơ mi trắng tinh tươm và được là lượt cẩn thận. Có cả những cô cậu học sinh í ới kéo nhau vào ăn chút cháo nóng lót dạ sau những ca học căng thẳng. Có cả các cụ già dắt theo đứa cháu nhỏ, vào quán bao giờ cũng gọi bát cháo không hành ít cay, rồi ngồi nhìn cháu ăn ngon lành, khuôn mặt già nua sáng bừng lên niềm hạnh phúc không tên.
Để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của thực khách, các quán hàng ở đây không chỉ bán mỗi cháo lươn, cháo gà mà còn thêm vào các món ăn hấp dẫn khác như súp lươn, súp cá, xáo gà, gà bóp, bánh mướt, chả cuốn,…Con đường Hồ Sỹ Dương trở thành “thiên đường” ẩm thực đêm và sáng từ lúc nào không hay, nhưng cái tên “cháo lươn bưu điện” hay “cháo lươn truyền hình” thì đã quen thuộc với người dân Thành phố Vinh từ lâu lắm rồi. Dù đến đây đôi khi không phải để ăn cháo lươn, nhưng đã quen miệng, người ta đều rủ nhau đi “cháo lươn truyền hình”, và nói như vậy là hiểu ý nhau chứ không cần chỉ dẫn, chú thích thêm điều gì. Như một địa chỉ đầy tin cậy, bởi thói quen, bởi sự ấm áp không chỉ trong các giác quan khi thưởng thức một món ăn ngon mà ấm áp cả trong tâm hồn mỗi buổi sáng sớm hay lúc về khuya, nhìn lại và ngẫm lại về cuộc sống và con người.
Bài, ảnh: Hải Triều
TIN LIÊN QUAN |
---|