Đường Quang Trung có phù hợp để thành phố Vinh chọn làm phố đi bộ?
(Baonghean.vn) - Theo ý kiến của ông Phạm Xuân Cần - một người gắn bó với Vinh, tâm huyết với lịch sử Vinh và là tác giả nhiều cuốn sách viết về Vinh thì đường Quang Trung khá phù hợp với việc xây dựng phố đi bộ.
Ông Phạm Xuân Cần có nhiều công trình nghiên cứu về Vinh, đã xuất bản các đầu sách về Vinh như: “Vinh xưa”, “Văn hóa đô thị với thực tiễn thành phố Vinh” và hàng loạt các bài nghiên cứu về tên đường, văn hóa, địa danh… thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo tôi, phố đi bộ có 3 chức năng chính: Là không gian phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn cho người dân đô thị; không gian phục vụ hoạt động kinh tế (mua sắm, ăn uống) và là nơi bộc lộ bản sắc văn hóa của đô thị, là môi trường để người dân tham gia sáng tạo các hoạt động văn hóa.
Để thực hiện 3 chức năng này thì phố đi bộ phải đạt các tiêu chí: Tuyến phố đó phải đủ rộng, đủ thông thoáng cả lòng đường và vỉa hè, không cản trở giao thông; Trên tuyến phố đó hoặc đã có sẵn hoặc thuận lợi cho các hoạt động thương mại; Tuyến phố đó đã có “tiền lệ”, tiền đề cho việc đi bộ.
Từ đó, thành phố nên cân nhắc trong việc lựa chọn tuyến phố phù hợp để tổ chức phố đi bộ. Hiện tại, trên địa bàn thành phố, có rất nhiều tuyến đường thuận lợi cho việc đi bộ nhưng lại xa trung tâm thành phố, hạn chế trong phát triển các hoạt động thương mại: Tuyến đường mới cầu kênh Bắc - Quán Bàu; tuyến đường Lê Mao hoặc đường Trường Thi, Phan Đăng Lưu, Phan Sỹ Thục (ven hồ Goong). Có những tuyến đường phù hợp với hoạt động thương mại nhưng lại vướng về vấn đề giao thông, không phù hợp để triển khai phố đi bộ như: Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo…
Đường Quang Trung phù hợp với việc mở phố đi bộ. Ảnh: Lâm Tùng và tư liệu. |
Theo tôi, đường Quang Trung khá phù hợp cho việc xây dựng phố đi bộ: Có vỉa hè rộng, đủ để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; 2 đầu đường đều có những sự lựa chọn khác cho các phương tiện tham gia giao thông; khi tổ chức quy hoạch thành phố đi bộ vào thời điểm cụ thể thì có thể biến đường Quang Trung thành đường một chiều. Đặc biệt trên tuyến đường này có các điểm tham quan hấp dẫn: Chùa Diệc, Di tích Cổng thành, rạp chiếu phim, siêu thị… và các công trình phụ trợ như: Khách sạn, nhà nghỉ, chợ đêm phục vụ khách du lịch. Còn đường Hồ Tùng Mậu hay Hồng Bàng, Nguyễn Văn Cừ cũng khá phù hợp song chưa thật hoàn hảo vì vỉa hè hơi hẹp, hạn chế về không gian tổ chức các hoạt động của phố đi bộ.
Một số tuyến phố có không gian rộng song lại hạn chế về hoạt động thương mại, xa trung tâm thành phố. Ảnh: Thanh Phúc |
Mặt khác, khi xây dựng phố đi bộ, cũng cần lưu ý vấn đề tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, vì từ trước tới nay, du khách khi đến với thành phố Vinh thiếu điểm vui chơi, giải trí. Do đó, cần tạo được bản sắc riêng của phố đi bộ Vinh, không lẫn với bất kỳ phố đi bộ nào ở các thành phố khác trong nước.
Trên tuyến phố đó có thể tổ chức các hoạt động diễn xướng dân ca, ví, giặm, hát đối đáp… để ai cũng có thể tham gia, trở thành chủ thể sáng tạo; vỉa hè được trang trí bằng những sản phẩm làng nghề độc đáo, riêng có của Nghệ An; có gian hàng bày bán các đặc sản xứ Nghệ; khu ẩm thực có đồ ăn, thức uống đặc trưng: kẹo lạc, bánh đa, chè chát; hến xúc bánh đa, bánh đúc, nộm củ chuối;…
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những vấn đề phức tạp nảy sinh khi tổ chức phố đi bộ như: an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh của những hộ dân trên tuyến phố… để có phương án hợp lý, tối ưu nhất.