Đường sa ngã của thầy giáo giỏi

Trần Vũ - Đặng Nguyễn 24/04/2023 18:18

(Baonghean.vn) - Từng có công việc ổn định, là giáo viên được nhiều người kính trọng nhưng vì tham tiền mà Nguyễn Văn Chung đã sa chân vào con đường lừa đảo. Chung dùng các thủ đoạn như lừa chạy việc, chạy trường, chạy biên chế để lừa nhiều người, chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo của thầy giáo

Nguyễn Văn Chung (SN 1982), trú xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, là giáo viên tiểu học lâu năm, quá trình công tác được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, từ khi nắm được nhu cầu xin vào biên chế ngành Giáo dục và thuyên chuyển công tác từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi, Chung đã chủ động tiếp cận nhiều người để lừa đảo.

Theo đó, cơ quan chức năng làm rõ, trong thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2021, Nguyễn Văn Chung đã lừa 14 bị hại, chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí chạy biên chế dao động từ 250-300 triệu đồng, chi phí chạy thuyên chuyển công tác 135-240 triệu đồng. Khi nhận tiền từ các bị hại, Chung thường viết “Giấy nhận tiền” hoặc “Giấy vay tiền”, đồng thời, cam kết thời gian sẽ nhận được quyết định tuyển dụng hoặc quyết định thuyên chuyển công tác để nạn nhân yên tâm.

Bị cáo Nguyễn Văn Chung lĩnh án 18 năm tù. Ảnh: Trần Vũ

Trong số các bị hại có chị Moong Thị H. (SN 1995), trú xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Chị H. biết đến Nguyễn Văn Chung thông qua người đồng nghiệp. Khi cô giáo đồng nghiệp này vừa trúng tuyển viên chức giáo viên mầm non ở huyện Kỳ Sơn thì Chung chủ động liên hệ, tự giới thiệu về bản thân, đồng thời nói dối mình là người đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cô giáo này trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức vừa rồi. Từ đây, Chung nói với chị này nếu có bạn bè, người thân cần “chạy” biên chế thì mình sẽ giúp.

Biết bạn mình là chị H. có nguyện vọng muốn xin vào biên chế giáo viên nên cô giáo này đã giới thiệu cho Chung. Đầu năm 2020, Chung liên hệ với chị H. và nói dối hiện nay, huyện Kỳ Sơn còn 3 suất biên chế bổ sung, nếu muốn thì Chung có thể xin cho H. vào dạy bậc mầm non với chi phí là 130 triệu đồng.

Tin tưởng, chị H. đã nhiều lần chuyển tiền cho Chung. Đến cuối tháng 1/2021, Chung nói dối chị H. đã được vào biên chế giáo viên mầm non nhưng ở một xã khác, không phải đơn vị mà chị này mong muốn. Mục đích của Chung là tạo lý do để chiếm đoạt thêm tiền. Khi chị H. không đồng ý, yêu cầu xin cho mình dạy ở trường gần nhà thì Chung yêu cầu đưa thêm 20 triệu đồng. Chị H. đành đồng ý chuyển tiền rồi tiếp tục chờ đợi. Sau đó, Chung lại liên hệ yêu cầu chị H. đưa thêm 9 triệu đồng nữa để làm quà biếu lãnh đạo. Sau khi chiếm đoạt 159 triệu đồng của chị H. thì Chung cắt đứt liên lạc.

Đáng nói, trong thời gian thực hiện hành vi lừa đảo chị H. thì Chung còn lừa thêm người em họ của chị H. Người này vừa tốt nghiệp đại học, có ý định xin dạy học tại một trường cấp 3 ở huyện Kỳ Sơn. Chung đảm bảo xin được việc và ra giá 200 triệu đồng. Tin tưởng nên chị này đã nhiều lần chuyển cho Chung số tiền trên và chờ đợi mãi cũng không nhận được quyết định nhận công tác.

Tương tự, chị Vi Thị Th., trú xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) cũng bị Chung lừa đảo bằng hình thức chạy việc. Chị là người bị Chung lừa số tiền nhiều nhất với 500 triệu đồng. Tháng 6/2019, Chung liên lạc với chị Th. đặt vấn đề nếu có người thân cần xin vào biên chế dạy học ở các trường tại Nghệ An thì Chung sẽ “chạy” giúp. Nghe vậy, chị Th. đặt vấn đề xin cho 2 cháu vào dạy tại một trường cấp 3 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Chung ra giá 500 triệu đồng và hứa sẽ “chạy” được việc.

Tuy nhiên, khi đối chiếu kết quả trúng tuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thì chị không thấy tên 2 cháu của mình. Trước những câu hỏi chất vấn của chị Th. thì Chung nói sẽ có danh sách bổ sung. Nghi ngờ, chị Th. đã kiểm tra thì phát hiện mình bị lừa nên yêu cầu Chung trả lại tiền. Sau khi trả lại cho chị Th. 50 triệu đồng thì Chung bỏ trốn. Đến ngày 30/12/2021, Nguyễn Văn Chung bị bắt theo Quyết định truy nã.

Lời thú tội muộn màng

Ngày 18/4, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Chung về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngoài các bị hại, có khá đông người dân, đồng nghiệp của Chung đến tham dự.

Các bị hại tham dự tòa. Ảnh: Trần Vũ

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Chung thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, đồng thời, gửi lời xin lỗi các nạn nhân. Bị cáo khẳng định trước đó, thông qua các mối quan hệ quen biết đã “giúp” được nhiều người chạy biên chế, chạy thuyên chuyển thành công, tuy nhiên, không cung cấp được chứng cứ.

Về số tiền lừa đảo, chiếm đoạt các bị hại, bị cáo Chung khai nhận đã trả nợ và tiêu xài cá nhân hết. Khi bị tòa xét hỏi về những khoản nợ thì Chung im lặng. Bị cáo còn cho rằng, do trước đó bản thân bị người khác lừa tiền nên đã lừa đảo nhiều bị hại. Bị cáo trình bày đã ly hôn vợ và hiện không có khả năng trả nợ cho các bị hại và hẹn “sau này khi ra tù sẽ kiếm tiền trả lại”. Bị cáo tỏ thái độ hối hận, ăn năn hối lỗi vì các hành vi sai phạm của mình. Tại phiên tòa, Chung quay sang xin lỗi các bị hại.

Đến tham dự phiên tòa, các bị hại trình bày vì tin tưởng Chung nên đã vay mượn tiền nhờ bị cáo này chạy việc, chuyển trường và xin vào biên chế. Nhiều bị hại hiện đang phải trả nợ khoản tiền lớn vì trước đó đã vay mượn ngân hàng để đưa cho Chung. “Tôi yêu cầu bị cáo phải trả lại tiền cho chúng tôi”, một bị hại phát biểu tại tòa.

HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xem thường kỷ cương pháp luật của Nhà nước. Trong vụ án này bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, cũng cần xem xét những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, quá trình công tác được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, bố đẻ là thương binh.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chung 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo phải hoàn trả lại tiền cho các bị hại.

Ngoài hành vi lừa đảo này, quá trình điều tra Nguyễn Văn Chung khai nhận tiền của 12 cá nhân khác để đưa họ đi lao động thời vụ 6 tháng tại Na Uy. Số tiền này sau đó Chung giao lại cho một người đàn ông (chưa xác định được lai lịch cụ thể) để làm thủ tục đưa các lao động kể trên xuất cảnh. Vụ việc này đang được công an tiếp tục điều tra làm rõ và sẽ xử lý sau.

Có thể thấy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo đã phải trả giá. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, không vì quá nóng lòng sốt ruột trong việc chuyển trường, vào biên biên chế… mà tin theo những người không có chức năng để rồi tiền mất, việc cũng chẳng vào đâu.

Mới nhất
x
Đường sa ngã của thầy giáo giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO