Email lừa đảo ngày càng tinh vi – Làm sao để không bị lừa?
Email lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dễ dàng sập bẫy mà không hay biết. Chỉ một cú nhấp chuột cũng có thể khiến bạn mất dữ liệu, tiền bạc hoặc quyền kiểm soát tài khoản.
Dù bạn là ai, làm nghề gì, ở đâu trên thế giới, thì khả năng nhận được email rác, tin nhắn lừa đảo gần như là điều hiển nhiên. Thực tế, bạn có thể có hàng trăm tin như thế đang nằm lặng lẽ trong thư mục Spam khi đọc những dòng này.

Các nhà cung cấp email và phần mềm diệt virus tốt nhất hiện nay có thể giúp bạn lọc bỏ phần lớn các email đáng ngờ. Tuy nhiên, không có hệ thống nào là hoàn hảo. Vì vậy, bạn cần tự trang bị kỹ năng nhận diện các email lừa đảo để tránh bị sập bẫy. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn làm điều đó.
Luôn xác minh danh tính người gửi
Nếu bỗng dưng nhận được một email từ người quen mà bạn không hề mong đợi, hãy coi đó là một email đáng ngờ. Bình thường, email từ bạn bè hay người thân thường liên quan đến một cuộc trò chuyện đang diễn ra, hoặc ít nhất là có ngữ cảnh. Vì vậy, nếu một email đến bất thình lình, nhất là khi có đính kèm liên kết, hãy dừng lại và đặt dấu hỏi lớn: “Liệu đây có thực sự là từ họ?”
Một trong những chiêu trò phổ biến của tin tặc là chiếm quyền kiểm soát tài khoản email rồi gửi thư rác đến tất cả các liên hệ của nạn nhân. Những email này thường chứa các liên kết trông có vẻ vô hại, nhưng thực chất lại là bẫy để cài mã độc hoặc đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Tin vui là bạn hoàn toàn có thể tránh được tình huống này chỉ bằng cách xác minh. Gọi nhanh một cuộc điện thoại, hoặc nhắn tin hỏi người đó: “Bạn vừa gửi email cho mình à?”, nếu họ đáp lại bằng sự ngơ ngác, bạn đã có câu trả lời.
Ngoài ra, đừng chỉ nhìn vào tên hiển thị trong email. Hãy kiểm tra kỹ địa chỉ gửi thực sự đằng sau cái tên đó. Tin tặc rất thích giả mạo các thương hiệu quen thuộc để đánh lừa bạn.
Luôn kiểm tra các liên kết trong email
Cách an toàn nhất khi xử lý email lạ là đừng bao giờ nhấp vào bất kỳ liên kết nào, ngay cả khi bạn nghĩ mình biết người gửi. Như đã nói, cảm giác “quen thuộc” đôi khi chỉ là lớp ngụy trang tinh vi.
Nhấn vào một liên kết sai lầm trong email là cách mà rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của các chiến dịch lừa đảo tinh vi.

Tuy nhiên, nếu bạn chắc chắn rằng email là hợp lệ và không có dấu hiệu lừa đảo, thì vẫn có cách để kiểm tra liên kết trước khi nhấp vào. Cách làm rất đơn giản là di chuột lên liên kết trong email. Một ô nhỏ sẽ hiện ra, thường ở góc dưới bên trái của trình duyệt hoặc ứng dụng email, hiển thị địa chỉ thật mà liên kết đó sẽ dẫn đến.
Với các liên kết đáng ngờ, dấu hiệu nhận biết thường rất rõ ràng, đó là địa chỉ trang web URL trông kỳ lạ, dài ngoằng, lộn xộn, hoặc chứa tên miền không giống với trang web bạn nghĩ tới. Đó thường là một chỉ báo rõ ràng của trang web độc hại.
Tóm lại, hãy nhớ rằng trong thế giới mạng, một cái nhấp chuột bất cẩn cũng có thể là cánh cửa mở ra cho rủi ro. Nên tốt nhất là hãy xem kỹ trước khi nhấp vào.
Lỗi chính tả - dấu hiệu kinh điển của email lừa đảo
Một trong những cách dễ nhất để nhận biết một email đáng ngờ là qua lỗi chính tả, dấu câu rối rắm hoặc cách dùng từ “không giống ai”. Rất nhiều chiến dịch lừa đảo được thực hiện từ những nơi mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính, và điều đó thường thể hiện rõ qua những câu văn ngô nghê, sai ngữ pháp hoặc sử dụng từ sai hoàn toàn ngữ cảnh.
Tất nhiên, ai cũng có thể đánh máy sai, ngay cả những email từ đồng nghiệp hay bạn bè cũng không tránh khỏi vài lỗi nhỏ. Nhưng nếu bạn đang đọc một email mà câu cú như thể được viết trong cơn say, hoặc khiến bạn phải đọc đi đọc lại để hiểu ý, thì gần như chắc chắn bạn đang nhìn vào một email lừa đảo.
Một mẹo nhỏ là nếu bạn bật cười hoặc thấy “có gì đó sai sai” khi đọc, hãy tin vào cảm giác đó. Đánh dấu spam và tiếp tục công việc của mình. Trong thế giới số, đôi khi trực giác lại là lá chắn đáng tin cậy nhất.
Hãy cảnh giác với email từ các công ty lớn
Trừ khi bạn đang sử dụng dịch vụ trả phí, rất hiếm khi bạn nhận được email cá nhân từ Facebook, Apple hay Google.
Những gã khổng lồ công nghệ này không gửi email cho bạn chỉ để “tám chuyện” hay cảnh báo mơ hồ rằng “tài khoản bạn có vấn đề.”
Nếu họ thực sự cần liên hệ, thì đó thường là thông báo về một khoản thanh toán, một thay đổi bảo mật, hoặc đăng nhập bất thường.
Và dù là ai đi nữa, bạn nên bật xác thực hai yếu tố (2FA) cho tất cả tài khoản trực tuyến của mình. Đó là một trong những lớp bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại những kẻ xâm nhập.
Phần lớn các công ty lớn sẽ không bao giờ yêu cầu bạn cung cấp mật khẩu qua email, và thường thì họ cũng không nhúng các liên kết có thể nhấp. Những email thật thường chỉ mang tính thông báo.
Nếu bạn muốn kiểm tra, hãy tự mở trình duyệt và đăng nhập trực tiếp vào tài khoản của mình trên trang chính thức, đừng bao giờ đi qua đường tắt trong email.
Tin nhắn văn bản còn nguy hiểm cả email
Phải thừa nhận là đôi khi những tin nhắn như “Gói hàng Amazon của bạn đang bị chậm trễ, bấm vào đây để kiểm tra” khiến nhiều người thấy tò mò thực sự. Đặc biệt khi bạn có đơn hàng đang chờ giao, nên thông báo kiểu đó dễ dàng đánh trúng tâm lý. Nhưng đa phần, đó chỉ là những cái bẫy được thiết kế tinh vi để lừa bạn nhấp vào liên kết độc hại.
So với email, tin nhắn văn bản thậm chí còn nguy hiểm hơn. Lý do là vì bạn gần như không thể nhìn thấy liên kết thực sự sẽ dẫn đến đâu, trừ khi bạn biết cách xem trước nội dung.
Các điện thoại thông minh ngày nay có tính năng hiển thị bản xem trước dưới dạng hình ảnh, nhưng các chiêu trò lừa đảo hiện đại đã vượt qua cả tính năng đó. Kết quả bạn nhận được một tin nhắn trông có vẻ vô hại, nhưng thực chất là một cái bẫy không có lời cảnh báo.

Nếu bạn nhận được một tin nhắn nói về đơn hàng, tài khoản ngân hàng, hay bất kỳ dịch vụ nào bạn từng dùng, hãy bỏ qua nội dung trong tin nhắn đó. Thay vào đó, hãy mở trình duyệt và truy cập trực tiếp vào trang web chính thức (ví dụ: Amazon.com). Nếu có gì đó thật sự đang chậm trễ, bạn sẽ thấy ngay trong lịch sử đơn hàng của mình.
Những trường hợp tinh vi hơn có thể khiến bạn phân vân như tin nhắn sử dụng đúng tên bạn, hoặc nội dung nghe có vẻ “liên quan đến đời sống thật” của bạn thì cũng nên cảnh giác.
Không nhấp vào liên kết nếu bạn không chắc chắn về nguồn. Nếu tin nhắn đến từ một người bạn quen, hãy xác minh qua một kênh khác như gọi điện hoặc nhắn tin riêng để hỏi họ có thật sự gửi không.
Và cuối cùng, bỏ qua cũng là một lựa chọn thông minh. Không ai mất mát gì khi bỏ qua một tin nhắn đáng ngờ. Nhưng nhấp vào nhầm liên kết? Cái giá có thể là cả danh tính số của bạn.
Tóm lại, các phần mềm diệt virus tốt nhất cho Windows ngày nay có thể làm rất tốt việc lọc ra các email lừa đảo và cảnh báo bạn trước nguy cơ. Nhưng dù công nghệ có thông minh đến đâu, phần lớn các vụ lừa đảo và tấn công bằng mã độc chỉ thành công khi chính bạn nhấp vào liên kết được cài sẵn trong đó.
Hiện nay vẫn tồn tại những cuộc tấn công kiểu “không cần nhấp chuột” (zero-click malware), nơi mà nạn nhân chẳng cần làm gì cũng có thể bị xâm nhập. Tuy nhiên, những cuộc tấn công này cực kỳ phức tạp, đắt đỏ, và thường chỉ nhắm đến mục tiêu “cao cấp” như quan chức chính phủ, nhà báo điều tra hoặc các nhân vật có giá trị đặc biệt.
Với phần lớn chúng ta, người dùng phổ thông thì mối nguy vẫn đến từ những cú nhấp chuột tò mò vào các liên kết mờ ám trong email hoặc tin nhắn.
Vì vậy, nguyên tắc sống còn là nếu bạn không chắc chắn, đừng nhấp chuột. Dù liên kết có trông “hấp dẫn” đến đâu, dù nội dung có đánh đúng vào tâm lý bạn đến mức nào, thì sự an toàn của bạn luôn đáng giá hơn một chút tò mò. Đừng để một cú nhấp chuột vô tình trở thành vé vào cửa cho tin tặc.