Ethanol trong xăng E5 ảnh hưởng đến một số dòng xe cũ
Bộ Công thương phản hồi về loạt bài khuyến cáo các dòng xe đời cũ có thể bị ảnh hưởng khi dùng xăng ethanol.
Sau khi báo chí đăng loạt bài phản ánh những lo ngại nhiên liệu ethanol có thể ảnh hưởng đến một số dòng xe cũ, Bộ Công thương đã có phản hồi chính thức về thông tin này. Trong đó khuyến cáo khách hàng sử dụng các dòng xe đời cũ khi sử dụng nhiên liệu ethanol cần xem xét, cân nhắc thay thế các chi tiết ống dẫn làm từ cao su tự nhiên bằng vật liệu cao su nhân tạo có độ bền cao hơn.
Dù bán đại trà tại Việt Nam nhưng tỷ lệ người đi ô tô, xe máy sử dụng xăng E5 vẫn còn khiêm tốn. |
Một số xe cũ có thể không tương thích với ethanol
Phòng Thương mại ô tô Australia (FCAI) - Tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy Australia đã có những nghiên cứu rất cụ thể trong việc sử dụng loại nhiên liệu ethanol trên các dòng xe, đời xe khác nhau, đồng thời khuyến cáo không nên sử dụng đối với một số dòng ô tô, xe máy đời cũ, trong đó có nhiều loại xe tương đồng và đang lưu hành tại Việt Nam.
Theo đó báo cáo nghiên cứu của FCAI đã liệt kê một loạt các mẫu xe không phù hợp để chạy xăng E5 hoặc E10. Cụ thể, các loại ô tô - xe máy không phù hợp với xăng E5 như: Audi A3 1.8L đời 2000 về trước; Ford Laser sản xuất từ năm 1986 trở về trước và một vài mẫu xe sản xuất trong khoảng năm 2002 - 2004; Tất cả các xe GM Daewoo; Tất cả các xe Mazda ngoại trừ Mazda2 sản xuất tháng 2/2005, Mazda3, Mazda6, RX8, MX-5 sản xuất tháng 7/2005 và từ tháng 4/2006 trở đi; Tất cả xe Suzuki sản xuất trước năm 2008; Toyota Camry động cơ phản lực sản xuất trước tháng 7/1989 hay Toyota Hilux, Toyota Hiace sản xuất trước tháng 8/1997… Đối với mô tô - xe máy, nhiều mẫu xe cũ của Honda, Yamaha cũng nằm trong danh sách không tương thích với xăng E5; Nhiều mẫu xe máy của Kawasaki cũng có kết quả tương tự… Các loại phương tiện không tương thích với xăng E10: Các dòng xe Ford Focus đời 2002 - 2004, Transit đời 1996 - 2004, Modeo đời 2007; Lexus IS200 sản xuất tháng 5/2002; Peugeot 306 (động cơ XU); Nhiều mẫu xe Subaru đời từ 1990 - 2005… Một số mẫu mô tô - xe máy không tương thích với E10 gồm: xe Ducati, Honda, Yamaha… |
Ngày 22/12, Bộ Công thương cũng có phản hồi chính thức về các thông tin liên quan. Trả lời tính xác thực về những thông tin trong nghiên cứu của FCAI mà báo chí đã đưa, Bộ Công thương cho biết, nhiên liệu sinh học đã được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Đến nay, đã có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng nhiên liệu sinh học.
Để đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng trong thực tế, các nhà khoa học trên thế giới đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về tính chất hóa lý, tác động môi trường cũng như những nghiên cứu thử nghiệm trên các loại động cơ khác nhau và đánh giá những tác động của loại nhiên liệu này đến động cơ, các chi tiết động cơ...
Nghiên cứu đánh giá đăng tải trên bài báo của Australia không nằm ngoài các công trình đã công bố trước đó. Điểm nổi bật của công trình này là đã có những nghiên cứu cụ thể trên một số dòng xe đời cũ, cung cấp những thông tin có ích cho người sử dụng các loại nhiên liệu sinh học E5, E10.
Tuy nhiên, cần hiểu đúng thông tin mà bài báo đã cung cấp, khuyến cáo khách hàng khi sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) cho những dòng xe đời cũ, sản xuất từ những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước.
Bài báo đã cung cấp thông tin cho khách hàng sử dụng các dòng xe đời cũ khi sử dụng xăng E5, E10 mà không cần bất cứ một sự thay đổi nào về chi tiết động cơ, các dòng xe cũ khác muốn sử dụng cần phải cân nhắc hoặc thay thế một số bộ phận của các ống dẫn nhiên liệu trước khi sử dụng E5, E10. Bài báo cũng khẳng định, khi sử dụng các loại nhiên liệu sinh học với nồng độ ethanol nhỏ hơn 10% (E5, E10), hoàn toàn không có bất cứ sự ảnh hưởng ăn mòn nào tới động cơ.
“Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã có những khuyến cáo đối với khách hàng sử dụng các dòng xe đời cũ (sản xuất từ trước những năm 1993 của thế kỷ trước), khi sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) cần xem xét, cân nhắc thay thế các chi tiết ống dẫn làm bằng cao su tự nhiên như bơm tăng tốc bộ chế hòa khí, vòng gioăng làm kín bằng vật liệu bằng cao su nhân tạo có độ bền cao hơn. Để biết chi tiết, người dân có thể xem thêm trong cuốn “Cẩm nang xăng sinh học” được đăng trên website của Bộ Công thương, đại diện Bộ Công thương cho biết.
Đã có thử nghiệm trên một số dòng xe
Trả lời câu hỏi của PV, trước khi đưa vào sử dụng đại trà, xăng ethanol đã được thử nghiệm như thế nào tại Việt Nam? Kết quả thử nghiệm ra sao? Về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết: Ở Việt Nam, một số nghiên cứu về khả năng tác động của nhiên liệu sinh học (E5, E10) đến động cơ sử dụng đã được thực hiện tại một số trường đại học lớn. Một trong số các nghiên cứu bài bản, tổng quát được thực hiện tại Viện Nghiên cứu động lực học (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Trong đó, các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thử nghiệm, nghiên cứu tại hiện trường, các đối tượng nghiên cứu là một số loại ô tô, xe máy, đánh giá tính năng kỹ thuật của các phương tiện khi sử dụng nhiên liệu sinh học, tính tương thích của vật liệu ở các chi tiết động cơ đối với nhiên liệu sinh học, khí thải phát ra…
Các kết quả thử nghiệm đã chỉ ra rằng, sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO, HC… so với các loại xăng khoáng thông thường (do ethanol có chứa oxy nên nhiên liệu cháy kiệt hơn).
Báo Giao thông
TIN LIÊN QUAN |
---|