EU chia rẽ về việc gửi lực lượng hòa bình tới Ukraine
Các nước EU bất đồng quan điểm về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Theo RIA Novosti, tờ Times trích dẫn các nhà ngoại giao và quan chức châu Âu cho biết, Đức và một số nước châu Âu khác phản đối ý tưởng gửi cái gọi là phái bộ gìn giữ hòa bình tới Ukraine, sau khi xung đột được giải quyết.
"Anh và các nước châu Âu khác đang chia rẽ về sự khôn ngoan khi triển khai một phái bộ gìn giữ hòa bình lớn tới Ukraine. Anh, Pháp và các nước Scandinavi ủng hộ ý tưởng về một sáng kiến do châu Âu lãnh đạo nhằm gửi hàng chục nghìn quân, nếu một lệnh ngừng bắn đã được thỏa thuận. Tuy nhiên, Đức và các nước khác phản đối điều đó" - tờ Times cho hay.
Ngoài ra, các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch triển khai được đề xuất, nêu ra lo ngại rằng, nhiệm vụ này có thể lấy đi tài sản và nguồn lực của NATO mà họ được hưởng lợi.
Gần đây, phương Tây lo ngại rằng, việc gửi quân tới Ukraine như một phần của "nhiệm vụ" sẽ là điều không thể, nếu nước này không nhận được sự ủng hộ của Mỹ hoặc không được Nga ủng hộ trong các cuộc đàm phán giải quyết xung đột.
Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ thảo luận sáng kiến này với các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng Thư ký NATO tại một cuộc họp ở Brussels vào ngày 3/2 tới.
Trước đó, tờ Telegraph dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh đưa tin, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đang bí mật thảo luận về việc triển khai chung "lực lượng gìn giữ hòa bình" tới Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Nguồn tin lưu ý rằng, Thủ tướng Anh Starmer vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn tiếp tục thúc đẩy ý tưởng gửi quân tới Ukraine - điều trước đây đã được thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.
Theo Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR), phương Tây có kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm khoảng 100.000 quân tới để khôi phục khả năng chiến đấu của Ukraine. SVR tin rằng, đây sẽ là sự chiếm đóng thực tế đối với nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của các bên trong cuộc xung đột, và trong trường hợp của Ukraine, vẫn còn quá sớm để nói về điều này.