Gan hư hại do giải độc không đúng cách
Các phương pháp mát gan, giải độc gan truyền miệng như detox, dùng lá cây hay bài thuốc chưa được kiểm chứng khoa học, có thể khiến gan hư hại nhanh hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thành Lý - Phó chủ tịch Hội Gan Mật TP. Hồ Chí Minh cho biết, mát gan là cụm từ dân gian chỉ tác dụng của các loại thực phẩm, cây lá hay bài thuốc làm giảm triệu chứng nóng gan như mụn nhọt, mề đay, ngứa ngáy, khó tiêu, khó ngủ... Tuy nhiên, các triệu chứng chỉ là một phần cơ sở dùng để chẩn đoán bệnh. Việc dùng phương pháp truyền miệng này có thể làm thuyên giảm một vài triệu chứng chứ không giải quyết triệt để căn nguyên. Thậm chí còn làm cho bệnh nặng vì bỏ lỡ thời gian điều trị tích cực.
Nhiều người cũng nhầm tưởng detox thải độc cơ thể áp dụng được cả cho gan. Theo Tiến sĩ Lý, quá trình giải độc chỉ loại bỏ phần nào các độc tố qua thận, ruột, phổi, bạch huyết và da. Dùng các loại nước mát hay trà thanh lọc nếu có tác dụng cũng chỉ giúp mọi người có cảm giác mát dịu tạm thời, chứ không tác động đúng vào gan - cơ quan thực hiện quá trình giải độc chính của toàn cơ thể.
Các phương pháp mát gan, giải độc gan truyền miệng như detox, dùng lá cây hay bài thuốc chưa được kiểm chứng khoa học, có thể khiến gan sớm hư hỏng. |
Điều này dễ nhận thấy qua 1.500 câu hỏi gửi về chương trình “Tư vấn chống độc, giải độc, bảo vệ gan” đang diễn ra trên VnExpress. Nhiều độc giả thắc mắc tại sao đã uống nhiều loại nước mát, thảo dược (trà xanh, atiso, khổ qua, chanh, nghệ, mật ong...), tích cực detox và dùng sản phẩm được cho là mát gan, giải độc gan mà không hiệu quả. Trái lại, bệnh ngày càng nặng hơn.
Anh Thuận (38 tuổi, Khánh Hòa) viêm gan cách đây 2 năm, uống thuốc giải độc gan do người quen giới thiệu nhưng không thấy thuyên giảm, cơ thể càng gầy sút do chán ăn. Bà Kim Xuân (59 tuổi, Hà Nội) băn khoăn ngày nào cũng uống nước lá giải độc nhưng xét nghiệm men gan vẫn tăng gấp đôi. Trường hợp chị Nguyễn Phương (Bình Dương) thì lo lắng: "Tôi nghe nói dùng các cách detox như uống vài lít nước đường pha chanh mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ độc tố. Thế nhưng việc dùng nhiều ngày khiến tôi rất mệt mỏi trong người".
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch - Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam khuyến cáo, mọi người không nên giải độc gan tùy tiện. Các phương pháp truyền miệng có thể gây hại cho cơ quan này. Dùng lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm, xơ, thậm chí ung thư gan.
"Các loại nước lá, bài thuốc sau khi uống đều đi tới gan để chuyển hóa và đào thải ra ngoài. Quá trình này có thể đưa các chất có hại gây bệnh cho gan. Nguy hiểm hơn, việc uống các loại cây cỏ như thế có thể làm che lấp các triệu chứng của bệnh, khiến người bệnh chủ quan tưởng mình đã khỏi mà không điều trị tích cực, bỏ lỡ giai đoạn điều trị hiệu quả", Giáo sư Trạch cho biết.
Nhiều người tự ý dùng bài thuốc gia truyền hay sản phẩm "mát gan, hạ men gan" trong khi chưa được kiểm chứng khoa học. Báo cáo của Mỹ và Thụy Điển cho thấy, 17% trường hợp suy gan cấp do tùy tiện dùng thuốc nói chung. Hơn 900 sản phẩm thuốc, độc chất được ghi nhận gây tổn thương cơ quan này. Tiên lượng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân suy gan cấp do phản ứng thuốc là 60-80%. Trong đó, không ít thuốc mát gan, giải độc chưa được kiểm chứng an toàn.
Việc tùy tiện dùng bài thuốc, cây lá làm tăng nguy cơ các tạp chất hay độc tố có thể có trong chúng sẽ khiến gan "hứng đòn" nhiều hơn. Điều này càng làm suy giảm khả năng giải độc của gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư.
Giáo sư Trạch cho biết, nhiễm độc gan là tình trạng phản ứng viêm của gan đối với các chất độc vào cơ thể. Các biểu hiện thường gặp là nổi mụn nhọt, mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, vàng da... Chọn lựa thực phẩm sạch, kiêng bia rượu, bỏ thuốc lá, nghỉ ngơi hợp lý, chăm tập luyện thể thao… là những phương pháp cần thực hiện thường xuyên.
Theo Giađinh.net
TIN LIÊN QUAN |
---|