Gấp rút giải quyết tồn đọng của các dự án thủy điện tại Nghệ An
Một trong những vấn đề nổi cộm trước khi chấm dứt vai trò lịch sử của cấp huyện vào tháng 7 tới đây, đó là tập trung xử lý dứt điểm tồn đọng tại các dự án thủy điện. Sở Công Thương hiện đang phối hợp với các ngành, địa phương, các chủ đầu tư rà soát, đôn đốc gấp rút xử lý các vướng mắc lâu nay.
Vướng mắc kéo dài
Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 20/3/2025 của UBND tỉnh về việc thành lập Tổ công tác đôn đốc xử lý tồn đọng về bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương làm Trưởng đoàn, cùng đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh đã có chuyến đi kiểm tra, làm việc với lãnh đạo các huyện Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương để giải quyết vướng mắc tại các dự án Thủy điện: Hủa Na, Bản Vẽ và Khe Bố.
Tại huyện Tương Dương, Tổ công tác đã kiểm tra thực địa, làm việc với huyện, xã và chủ đầu tư về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tái định cư của Dự án Thủy điện Bản Vẽ - công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn Nghệ An, cũng như khu vực Bắc Trung Bộ. Nhà máy có công suất 320MW, đập chính đặt tại Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Tháng 4 và tháng 5/2010, lần lượt 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ lần lượt hòa lưới điện quốc gia cho sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 1.012 triệu kWh. Tuy nhiên, từ đó đến nay liên quan đến dự án này có nhiều vấn đề tồn đọng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8 năm 2018) của người dân vùng Dự án Thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án.

Người dân khu vực bị ảnh hưởng đề nghị được hỗ trợ phát sinh ngoài quy định của dự án và hỗ trợ khắc phục lũ lụt năm 2018; xử lý đất trên cốt ngập của Dự án Thủy điện Bản Vẽ; bàn giao mặt bằng công trường sau khi các nhà thầu đã rút đi; lập hồ sơ bồi thường chênh lệch về đất giữa nơi đi, nơi đến đối với phần dưới cốt ngập tại các bản cũ khu vực lòng hồ; và công tác bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ thuộc diện tái định cư tập trung tại Thanh Chương; lập hồ sơ bồi thường về đất tại bản Con Phen (xã Hữu Khuông); Cấp giấy chứng nhận QSD đất tại khu tái định cư bản Cà Moong (xã Lượng Minh)...

Hiện nay, các đơn vị đã thống nhất chủ trương để tiến hành xây dựng hạ tầng của khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo của xã Lượng Minh và khu tái định cư tại Bản Vẽ. Ông Lê Văn Lương - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: Các tồn tại, vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện đã kéo dài nhiều năm qua, với nhiều nhóm vấn đề vướng mắc khác nhau. Việc kéo dài những tồn tại đang ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, do đó, huyện sẽ đôn đốc triển khai kịp thời, trách nhiệm.
“Chúng ta xác định những việc không vướng nữa thì làm ngay, việc nào rút gọn được thì rút gọn, có thể đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý. Những việc không thể hoàn thành theo đúng tiến độ trước khi bỏ cấp huyện thì hồ sơ phải chặt chẽ để sau đó bàn giao cho chính quyền mới”, Bí thư Huyện ủy Tương Dương chia sẻ.

Ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay, chủ đầu tư Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã bố trí 51 tỷ đồng để hỗ trợ tái định cư bổ sung, trong đó, mức chi trên địa bàn huyện Tương Dương là 30,6 tỷ đồng; huyện Thanh Chương là 20 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục. Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ sẽ tiếp tục làm việc với 2 huyện để thống nhất một số nội dung và đôn đốc triển khai các hạng mục.
Đối với Dự án Thủy điện Khe Bố, sau khi tích nước lòng hồ Thủy điện Khe Bố, ngoài các hộ dân có đất bị ảnh hưởng toàn bộ phải di dời đến các khu tái định cư tập trung thì còn có 398 thửa đất của 398 hộ bị ảnh hưởng ngập một phần diện tích bởi lòng hồ, nên cần được chỉnh lý hồ sơ đất đai.
Tuy nhiên, việc chỉnh lý hồ sơ đất đai đang gặp nhiều khó khăn; có 44 hộ bị ảnh hưởng bởi đường viền lòng hồ, nên buộc phải điều chỉnh ranh giới chiếm dụng lòng hồ, dẫn đến phát sinh phần diện tích tăng và phần diện tích giảm, cần phải có giải pháp xử lý... Ngoài ra, hiện công tác bồi thường, di dân tái định cư của Dự án Thủy điện Khe Bố đã cơ bản hoàn thành, nhưng công tác quyết toán chi phí hợp phần bồi thường, di dân tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa được thực hiện.

Đối với Dự án Thủy điện Hủa Na, công trình được thực hiện từ năm 2008, song song với việc thực hiện xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na là công tác tái định cư cho người dân các xã Thông Thụ, Đồng Văn và Tiền Phong thuộc huyện Quế Phong có nơi ở mới đảm bảo ổn định cuộc sống phát triển sản xuất.
Hiện đang còn một số vướng mắc liên quan đến xử lý chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến, trong đó hiện nay còn 251 hộ chưa phê duyệt phương án đối trừ, trong đó đất ở là 41 hộ và đất nông nghiệp 210 hộ. Việc giao đất, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất nông nghiệp một số khu vực còn khó khăn, vướng mắc, như: Các vấn đề liên quan đến công tác giao đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác; còn 46/89 hộ dân chưa nhận ruộng dự án; còn 77 hộ/879 hộ tái định cư chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp)...
Gấp rút giải quyết trước khi kết thúc sứ mệnh lịch sử của cấp huyện
Có thể khẳng định việc xử lý tồn tại ở các dự án thủy điện hết sức chậm, đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết gọn. Những tồn đọng đã được tổ công tác mổ xẻ từng việc, khó khăn ở đâu, lý do vì sao để từ đó có hướng giải quyết.

Đối với công tác bàn giao mặt bằng công trường Dự án Thủy điện Bản Vẽ, đoàn công tác yêu cầu UBND huyện Tương Dương hoàn thành phương án xử lý đối với phần diện tích 3,63 ha (96 thửa/95 hộ) đang vướng mắc gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn và cho ý kiến trong tháng 04/2025; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phương án xử lý trong tháng 05/2025. Công ty Thủy điện Bản Vẽ phối hợp với UBND huyện Tương Dương hoàn thành phương án xử lý đối với phần diện tích bàn giao mặt bằng công trường đang vướng mắc. Bố trí kinh phí, thu dọn hoàn trả mặt bằng cho địa phương quản lý sau khi phương án xử lý được phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung hướng dẫn UBND huyện Tương Dương phương án xử lý đối với phần diện tích đang vướng mắc.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Khu TĐC bản Cà Moong, xã Lượng Minh, UBND huyện Tương Dương hoàn thành phương án xử lý để giao đất cho 17 hộ dân dựng nhà trên đất lâm nghiệp theo đúng quy định đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân, hoàn thành trong tháng 05/2025; Hướng dẫn, hỗ trợ đối với 13 hộ vướng mắc trong việc xác nhận quyền thừa kế để thực hiện kê khai, lập hồ sơ cấp giấy đảm bảo đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận QSD đất; hoàn thành trong tháng 05/2025. Công ty Thủy điện Bản Vẽ phối hợp với UBND huyện Tương Dương trong việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ dân và bố trí kinh phí chi trả cho người dân khi có phương án bồi thường được phê duyệt.
Về bồi thường chênh lệch về đất tại các khu TĐC, UBND huyện Tương Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn đối với việc xác định thời điểm áp giá đất để tính chênh lệch, hoàn thành trong tháng 04/2025. Ban hành giá đất cụ thể để áp giá và lập hồ sơ bồi thường chênh lệch nơi đi, nơi đến cho các hộ dân trong tháng 05/2025. Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn UBND huyện Tương Dương xác định thời điểm áp giá đất để tính chênh lệch…

Đối với công tác bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ thuộc diện tái định cư tập trung tại huyện Thanh Chương, Tổ công tác đã giao Công ty Thủy điện Bản Vẽ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Tương Dương, Thanh Chương thực hiện lập phương án bồi thường chênh lệch nơi đi, nơi đến cho các hộ dân và giao các huyện cung cấp số liệu cho Ban QLDA Thủy điện 2 đối với các hộ dân đã đủ điều kiện để thực hiện bồi thường chênh lệch.
Trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, tổ công tác cũng đưa ra phương án giải quyết các vướng mắc và tiến độ thực hiện đối với các tồn tại của các dự án Thủy điện Hủa Na, Khe Bố.
Nhằm đôn đốc tiến độ với các địa phương, chủ đầu tư của các dự án thuỷ điện, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương đề nghị chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan cần phải chốt mốc thời gian giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, không chờ văn bản chỉ đạo của tỉnh. Tập trung thực hiện xong trước khi cấp huyện chấm dứt hoạt động vào ngày 1/7/2025.

Cần nhanh chóng hoàn thiện những tồn đọng, hoàn thành trước khi kết thúc sứ mệnh lịch sử của cấp huyện. Các địa phương liên quan tập trung xử lý ngay khi nguồn vốn đã được bố trí; tránh gặp khó khăn về thẩm quyền, hồ sơ, tổ chức thực hiện khi không còn chính quyền cấp huyện, mà chuyển giao về các xã mới. Đồng thời, cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương
Các tồn tại, vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện đã kéo dài nhiều năm qua, ảnh hưởng đến người dân – những người đã hy sinh để các dự án thủy điện hoàn thành. Do đó, việc khẩn trương giải quyết những tồn đọng không chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt hành chính khi có thay đổi cấp huyện, mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm với cuộc sống của người dân vùng tái định cư…