Giá cà phê hôm nay 12/7: Giảm mạnh rơi tự do khỏi mốc 90.000 đồng
Giá cà phê hôm nay 12/7 trong nước nằm ở mức 89.500 - 90.300 đồng/kg, Giá cà phê trong nước giảm mạnh từ 2.300 đến 2.800 đồng/kg so với hôm qua. Dù giá sụt giảm mạnh, nhiều nông dân vẫn hy vọng giá có thể phục hồi lên mức 150.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước hôm nay
Giá cà phê trong nước hôm nay 12/7 tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh hàng loạt, dao động trong khoảng 89.500 - 90.300 đồng/kg.
Theo đó, thương lái tại tỉnh Đắk Nông đang thu mua cà phê ở mức 90.300 đồng/kg. Giảm mạnh 2.300 đồng/kg so với hôm qua.
Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk có mức giá 90.300 đồng/kg, giảm 2.300 đồng/kg so với hôm qua.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai giảm 2.300 đồng/kg so với hôm qua và được giao dịch ở mốc 90.200 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê giảm 2.800 đồng/kg so với hôm qua và ở mức giá 89.500 đồng/kg.

Giá cà phê thế giới hôm nay
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9/2025 đóng cửa phiên giao dịch sáng nay 12/7 ở mức 3.290 USD/tấn, tiếp tục giảm 0,9% (30 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 11/2025 giảm 1,22% (40 USD/tấn), xuống còn 3.234 USD/tấn.
Ngược lại, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9/2025 tăng 0,45% (1,3 US cent/pound), lên mức 289,1 US cent/pound; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 12/2025 tăng 0,18% (0,5 US cent/pound), đạt 282,6 US cent/pound.
Từ tháng 5 đến nay, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới đã giảm mạnh hơn 2.000 USD/tấn, tương đương gần 40%. Mức giảm sâu và nhanh này khiến nhiều người ví von giá cà phê đang “rơi như thang máy”, trong khi đà tăng trước đó lại “leo chậm như thang bộ”.
Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu (Đắk Lắk), cho biết giao dịch cà phê kể từ cuối tháng 6 trở nên trầm lắng do giá biến động quá lớn. Dù giá sụt giảm mạnh, nhiều nông dân vẫn chưa chịu bán, với hy vọng giá có thể phục hồi lên mức 150.000 đồng/kg.
Theo ông Trọng, những người trữ cà phê để chờ giá tăng giống như các nhà đầu tư tự đặt cược vào sản phẩm của mình. Khi đã đầu tư, phải chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, nông dân sản xuất đơn thuần chỉ cần bán được có lời là sẵn sàng chốt hàng mà không đắn đo nhiều.
Cà phê là mặt hàng chủ yếu xuất khẩu, nên giá cả phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới và các quyết định đầu cơ tài chính. Thị trường vì vậy luôn tiềm ẩn yếu tố khó lường: có năm mất mùa nhưng giá vẫn giảm, có năm được mùa nhưng giá lại tăng.
Theo Bloomberg, Mỹ đã nhập khẩu gần 2 tỷ USD cà phê từ Brazil trong năm 2024. Số lượng này chiếm khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Mỹ. Ông Marcos Matos, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), nhận định đây là tổn thất cho doanh nghiệp Brazil và sẽ kéo theo chi phí cao hơn, lạm phát lớn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.
Brazil hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất cà phê Arabica, loại hạt ưa chuộng của Starbucks và các thương hiệu cà phê đặc sản. Giá Arabica đã tăng mạnh trong năm qua do thời tiết bất lợi tại Brazil làm gián đoạn nguồn cung.
Trái lại, giá cà phê Robusta đang tiếp tục giảm do nguồn cung dư thừa, gây áp lực lên giá. Theo Ngân hàng Rabobank, một loạt yếu tố khiến giá giảm thêm như đồng USD mạnh lên, đồng Real Brazil suy yếu, thời tiết thuận lợi tại Brazil giúp đẩy nhanh thu hoạch, cùng với tâm lý thị trường đang nghiêng về xu hướng giá giảm.
Tại Việt Nam, giá cà phê trong nước tuần này tiếp tục giảm nhẹ. Các thương nhân lý giải nguyên nhân do giao dịch trầm lắng sau mùa vụ, trong khi nguồn cung toàn cầu đang phục hồi nhờ sản lượng tăng từ Indonesia và Brazil.