Giá điện, tiền lương tăng nhưng đơn giá thủy lợi phí không tăng
(Baonghean.vn) - Đây là phản ánh của ông Bạch Hưng Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam với Đoàn ĐBQH tỉnh.
Sáng 15/1, Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc giám sát tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vốn và tài sản nhà nước. Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền chủ trì cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam được chuyển đổi từ công ty Thủy lợi Nam Nghệ An. Đánh giá về hiệu quả hoạt động, Giám đốc Công ty, ông Bạch Hưng Tuyên cho rằng, mặc dù chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV nhưng hoạt động của công ty vẫn như đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao quản lý công trình thủy lợi nên dù có giá trị tài sản lớn, song vốn lưu động không có, dẫn đến khó khăn.
Vị giám đốc công ty đánh giá, nguồn tài chính của công ty thực hiện theo Nghị định 67/CP về hỗ trợ thủy lợi phí đã lạc hậu vì giá tiền lương, tiền điện đã thay đổi nhiều lần trong khi đơn giá thủy lợi phí không thay đổi.
Ông Bạch Hưng Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam phản ánh bất cập thực hiện cơ chế, chính sách của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lê |
Đơn cử, chi phí giá nước thô theo Nghị định 67/CP thực hiện từ năm 2012 là 9.000 đồng/m3 nhưng UBND tỉnh chỉ cho phép áp dụng giá 630 đồng/m3 (hỗ trợ cho người dân sử dụng nước sinh hoạt).
Vì vậy, công ty thu thiếu hụt khoảng chênh lệch này từ năm 2012-2017 là 11,3 tỷ đồng nên hoạt động phục vụ sản xuất hàng năm không đáp ứng được yêu cầu về vấn đề tài chính.
Công TNHH MTV Thủy lợi Nam là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trên lĩnh vực quản lý và khai thác công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu hàng năm cho trên 45.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, chống lũ trên địa bàn các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc và TP. Vinh, thị xã Cửa Lò...
Công ty quản lý khai thác 36 trạm bơm, 13 hồ chứa nước, tổng giá trị tài sản quản lý trị giá trên 1.000 tỷ đồng.
“Chi phí tăng liên tục trong khi giá thành không thay đổi, hoạt động của công ty càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp không có vốn lưu động, để hoạt động phải đi vay vốn để trang trải, khó khăn nhỏ "đẻ" khó khăn lớn” - ông Tuyên nói.
Bên cạnh đó, khó khăn của đơn vị là, mặc dù đã chuyển đổi mô hình nhưng cơ chế hoạt động không thay đổi, làm cho doanh nghiệp không phát huy được tính năng động, sáng tạo dẫn đến rất khó phát triển.
“Nguồn lực hỗ trợ thủy lợi phí cho nông dân nên tập trung một đầu mối để thống nhất quản lý, tránh bất cập, phân tán” - ông Tuyên đề nghị.
Nghệ An ra quân làm thủy lợi. Ảnh tư liệu |
Đồng thời, ông Bạch Hưng Tuyên kiến nghị Nhà nước cần thống nhất về công tác quy hoạch, tránh chồng lấn, đan xen.
Dẫn ví dụ, một vị trí đã quy hoạch công trình thủy lợi nhưng sau đó các công trình dự án kinh tế khác lại quy hoạch chồng lấn lên, ông Tuyên đề nghị tỉnh cần thống nhất, thực hiện bài bản, đồng bộ trong công tác quy hoạch, tránh lãng phí tài sản nhà nước và nhân dân.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Phan Ngọc Châu - Trưởng phòng Quản lý tài sản doanh nghiệp, Sở Tài chính cho biết: Mặc dù Luật Thủy lợi mới quy định bỏ thủy lợi phí chuyển qua giá thủy lợi nhưng hiện nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy lợi, nhà nước phải sớm ban hành giá thủy lợi phí để các đơn vị chủ động tính toán trong sản xuất, kinh doanh.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đánh giá Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam là đơn vị có bề dày truyền thống về thủy nông.
Qua quá trình chuyển đổi mô hình, đơn vị đã thực hiện đúng quy định; xây dựng quy chế nội bộ; công tác Đảng, đoàn thể được quan tâm, hoạt động tốt, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Thời gian qua, đơn vị đã bảo tồn, tăng trưởng vốn và tài sản được giao nhiệm vụ quản lý; đảm bảo hoạt động tưới tiêu và chống hạn, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khi có yêu cầu kịp thời.
Đối với các kiến nghị của đơn vị, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp kiến nghị UBND tỉnh và các bộ, ban, ngành liên quan và Chính phủ.