Gia đình là chốn để yêu thương

Thanh Nga 27/06/2019 09:15

(Baonghean.vn) - Hướng tới ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về những trăn trở để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Hướng tới ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về những trăn trở để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

P.V: Thưa bà trong thời đại mới, gia đình hạnh phúc không chỉ là mong muốn của riêng những người trong gia đình đó mà nó còn là mong muốn của cả xã hội. Có câu: “Gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh”. Gia đình có hạnh phúc thì con người mới có tinh thần để xây dựng và phát triển xã hội. Vậy bà nghĩ sao về điều này?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Đúng vậy, từ xa xưa chúng ta đã biết gia đình là tế bào của xã hội; là nôi hình thành nhân cách cho con trẻ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác Hồ khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Hạt nhân tốt có nghĩa là từng con người trong gia đình đó khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần và luôn có ước vọng khát khao cống hiến xây dựng cho xã hội phồn vinh. Bởi khi ta được sống trong một xã hội tốt đẹp tự khắc mình cũng được hưởng những điều tốt đẹp. Và ngược lại, nếu trong xã hội có nhiều những gia đình không hạnh phúc thì cộng đồng đó cũng thiếu đi tính cố kết, cũng yếu kém theo. Bởi thế Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng vai trò hạt nhân của gia đình. Trong suốt nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác gia đình, nhằm nâng cao chất lượng sống trong mỗi cộng đồng khu dân cư.

Hàng trăm mô hình gia đình hạnh phúc, Gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan, hay Gia đình văn hóa đã được triển khai sâu rộng, thực chất và có tính lan tỏa cao. Từ việc ban hành các văn bản về công tác gia đình chúng ta đã có những đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình về gia đình hạnh phúc.
P.V: Vậy thưa bà, nếu nói một mô hình gia đình hạnh phúc, chúng ta hiểu nó là một gia đình khỏe mạnh, sẻ chia, yêu thương. Nghe qua thì tưởng chừng như trong tầm tay của mỗi cá nhân, nhưng trên thực tế nhiều người vẫn không hiểu vì sao không thể có được sự sẻ chia, ấm áp trong gia đình mình. Vậy theo bà, để có một gia đình hạnh phúc bản thân mỗi thành viên trong gia đình cần có sự chung tay như thế nào?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Theo tôi hiểu, đối với đồng bào Công giáo hôn nhân là một điều hết sức thiêng liêng, là điều giao ước được chúa ban, là một bí tích trong đời sống tinh thần của con chiên. Mỗi khi hai người nam và nữ đã được cha thay mặt chúa làm lễ thành hôn thì được xem đó là một giao ước vĩnh cửu.
Phật giáo lại xem hôn nhân là một bổn phận xã hội, tuân theo quy luật nhân quả. Khi người nam và người nữ tìm được nửa yêu thương của mình, đồng ý kết hôn với nhau về chung một mái nhà chỉ là mới cùng nhau đi một nửa chặng đường mà thôi. Nửa còn lại hai người phải xây dựng. Và đối với Phật giáo để thực hiện tốt bổn phận xã hội và mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh thì cả hai người phải “gieo nhân lành”.
Có một câu nói mà tôi thấy rất đúng: “Sự hòa hợp không phải từ trên trời rơi xuống mà do sự điều tiết giữa hai người”. Mỗi một cá thể đều có một bản ngã riêng, thế nên khi cùng nhau chung sống thì cần điều tiết bản thân để đi đến sự hòa hợp. Mà để điều tiết được thì cần có nhận thức đúng tùy theo hoàn cảnh sống. Theo thống kê của các tài liệu về hôn nhân gia đình thì giữa vợ chồng có thể có mâu thuẫn xảy ra xoay quanh 4 vấn đề lớn, đó là: tài chính, con cái, tình dục và công việc. Nếu mỗi chúng ta giải quyết tốt các mâu thuẫn xuất phát từ các vấn đề này thì sẽ có được sự hòa hợp nhất định.

Mới nhất

x
Gia đình là chốn để yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO