Câu chuyện giữa tôi với ông Vi Thái Bình được mở đầu từ những mẩu chuyện nhỏ về bản Cầu Tám, một bản vừa được công nhận bản nông thôn mới năm 2022. “Bác nói cháu nghe, bản Cầu Tám nay đã được công nhận là bản nông thôn mới rồi đấy, bà con vui và tự hào lắm!”- ông Vi Thái Bình phấn khởi nói.
Bản Cầu Tám có 130 hộ, với 570 nhân khẩu của các dân tộc Thái, Mông, Kinh, Khơ mú cùng sinh sống. Cũng như nhiều bản làng trên địa bàn huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, bản Cầu Tám khi bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn: Khó về nguồn lực, nguyên, vật liệu; khó về địa hình miền núi và cả khó về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhờ phát huy được nội lực, có được sự đồng lòng ủng hộ của người dân, những khó khăn dần được tháo gỡ, cán bộ và nhân dân tích cực chung tay xây dựng quê hương, đến nay, bản Cầu Tám đã đạt 15/15 tiêu chí nông thôn mới.
Để bản đạt được 15 tiêu chí đó, có thể nói là một nỗ lực lớn, không ngừng nghỉ. Là một già làng, ông Vi Thái Bình luôn tự hào về bà con dân bản Cầu Tám, dù khó khăn trăm bề, nhưng bà con đã luôn đoàn kết, phấn đấu từng bước xây dựng bản trở thành bản văn hóa, rồi tiến lên đạt bản nông thôn mới. Thành quả đó, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ban Quản lý bản và công sức của bà con, là sự đóng góp quan trọng của già làng Vi Thái Bình bằng sự gần gũi, đưa tiếng nói quan trọng của mình để khơi dậy mọi phong trào.
Cầu Tám là bản không có ruộng nước, diện tích đất sản xuất rất ít. Để chủ động đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho rau màu và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, già làng Vi Thái Bình cùng Ban Quản lý bản đã vận động bà con thường xuyên tu sửa, vệ sinh hệ thống công trình nước sạch, đưa nước về đến từng hộ. Ông cũng tích cực vận động người dân giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, phát triển các phong trào văn hóa, giữ gìn nếp sống văn minh, thực hiện đúng Hương ước của bản.
Theo già làng Vi Thái Bình, muốn vận động, tuyên truyền được bà con, thì phải có cách làm phù hợp, bản thân phải gương mẫu đi đầu. Ông chia sẻ: “Trước đây, khi xây dựng bản Cầu Tám thành bản văn hóa, trước hết, tôi giải thích cho bà con hiểu văn hóa là gì, thế nào là bản văn hóa, gia đình văn hóa, các tiêu chí xây dựng bản văn hóa?… Bên cạnh đó, tôi nói về những điều tích cực để vận động bà con xây dựng bản văn hóa, bản nông thôn mới. Khi bà con hiểu rõ ý nghĩa những nội dung đó thì mới có sự đồng lòng chung tay thực hiện”.
Cầu Tám là địa bàn có đồng bào nhiều dân tộc cùng sinh sống, ông Bình đã có những cách làm riêng trong tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong bản; trong đó, ông đặc biệt coi trọng những nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Với việc thông thạo tiếng nói của đồng bào, đến nhà người Mông, ông sẽ nói chuyện với họ bằng tiếng Mông, đến gia đình người Thái, người Khơ mú cũng vậy, nhờ đó, những thông điệp ông muốn truyền tải đều được bà con hiểu rõ và tin tưởng làm theo.
Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về biên soạn, xuất bản tài liệu tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đồng bào các dân tộc thiểu số là đề án đầu tiên được thông qua trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, để góp phần đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt nhiều kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi có tính đột phá trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần vào công cuộc xóa nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa bàn miền núi tỉnh nhà.
Là một già làng có uy tín, ông Vi Thái Bình được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời tham gia đóng góp ý kiến vào các tài liệu của Đề án 01-ĐA/TU. Với vai trò, trách nhiệm và sự hiểu biết của mình về đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực vào Đề án.
Đánh giá về vai trò của các già làng, trưởng bản trong quá trình xây dựng và lan tỏa tài liệu, ông Võ Văn Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Do yếu tố về bản sắc văn hóa của các dân tộc, vai trò, sức ảnh hưởng của các vị già làng, trưởng bản có vai trò hết sức quan trọng, bởi họ không chỉ là người có kiến thức, có kinh nghiệm sống, có vốn văn hóa giàu bản sắc, mà còn là người gương mẫu, có uy tín rất cao trong cộng đồng. Nghệ An là địa phương đầu tiên xuất bản tài liệu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự tin tưởng của cấp trên, với những kiến thức dày dặn và kinh nghiệm bao năm trên cương vị lãnh đạo cấp huyện, ông Vi Thái Bình nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải, lan tỏa thông điệp về các chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với bà con các dân tộc, thông qua các cuộc tuyên truyền, các câu chuyện kể về Bác, nhằm giúp đồng bào thấm nhuần sâu sắc hơn về tư tưởng của Bác Hồ… Tin rằng, đội ngũ các già làng, trong đó có già làng Vi Thái Bình sẽ là những nhân tố tích cực, là cầu nối quan trọng, góp phần lan tỏa Đề án 01-ĐA/TU vào cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An một cách thiết thực, gần gũi và hiệu quả.