Giá thép xây dựng tiếp tục tăng, giá phân bón chạm đáy

Việt Phương (Theo Congthuong.vn/VnEconomy) 24/03/2023 11:07

(Baonghean.vn) - Thị trường hôm nay giá thép xây dựng tiếp tục tăng, giá phân bón giảm chạm đáy 2 năm trước, giá heo hơi nội địa ổn định.

* Giá thép xây dựng tiếp tục tăng

Giá thép xây dựng trong nước vừa được điều chỉnh tăng. Theo đó, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150.000-160.000 đồng/tấn, thép cuộn CB240 tăng từ 100.000-150.000 đồng/tấn.

Theo số liệu của Steel Online, so với lần điều chỉnh cuối tháng 2, giá thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc và miền Nam tăng 150.000 đồng/tấn, lần lượt lên mức giá 15,99 triệu đồng/tấn và 16,03 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Trung, thép Hòa Phát tăng 160.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300 lên 15,89 triệu đồng/tấn.

Giá thép tiếp tục tăng dù nhu cầu giảm mạnh. Ảnh: Việt Phương

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép cuộn CB240 đã có 6 đợt điều chỉnh tăng liên tiếp, giá thép vằn thanh D10 CB300 có 5 đợt điều chỉnh tăng, tuỳ thương hiệu.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng trong thời gian gần đây chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu giảm giá.

Giá nguyên, vật liệu tăng cao khiến các nhà máy thép trong nước phải tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Giá sắt thép thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung quặng sắt eo hẹp trong khi nhu cầu có xu hướng tăng cao hơn.

Trái ngược với giá thép trong nước, trên thị trường quốc tế, giá thép hôm nay giảm sâu. Giá thép thế giới giao kỳ hạn tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải vào sáng 22/3 giảm 39 Nhân dân tệ, xuống mức 4.119 Nhân dân tệ/tấn.

* Giá heo hơi nội địa ổn định

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, ngành chăn nuôi trong nước đang bước vào giai đoạn mới sau hơn 2 năm kể từ dịch Covid-19 xuất hiện, kéo theo giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Các mối lo ngại về nguồn cung nông sản thế giới dần được giải quyết, mở ra triển vọng dài hạn cho các doanh nghiệp với áp lực chi phí không còn là gánh nặng hàng đầu.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc bất ngờ đẩy mạnh nhập khẩu trở lại trong giai đoạn gần đây là một trong những yếu tố cần chú ý, vì đây cũng đã từng là nguyên nhân khiến giá nông sản tăng vọt như trong giai đoạn đầu năm 2021.

Trang trại chăn nuôi lợn ở xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Phú Hương

Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, với việc giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, giá thịt lợn hơi tiếp tục đi ngang trong khoảng giá 48.000 - 52.000 đồng/kg.

* Giá phân bón giảm chạm đáy 2 năm trước

Những ngày qua, giá phân bón trên thị trường tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, giá phân NPK Phú Mỹ được giao dịch ở mức 15.100-15.700 đồng (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10%.

Phân Kali Cà Mau cũng giảm 2.600 đồng/kg xuống còn 14.900-15.100 đồng/kg (giảm khoảng 15% so với đầu năm), DAP Đình Vũ giảm còn 16.700-17.500 đồng/kg (giảm 63%).

Hiện giá nhiều loại phân bón, đặc biệt là phân đạm (Urê) đã giảm thêm từ 10.000-30.000 đồng/bao (50 kg). Giá đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang được bán tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 500.000-550.000 đồng/bao, trong khi trước đây có giá 530.000-580.000 đồng/bao.

Với mức giá hiện tại, Urê đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Thời điểm những tháng đầu năm Urê hiện là loại phân bón mà các doanh nghiệp ở nước ta đã tự chủ sản xuất trong nước và có dư để xuất khẩu. Còn giá các loại DAP, NPK và Kali có giảm nhưng vẫn còn đang ở mức cao, với giá nhiều loại DAP từ 850.000-1.400.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 từ 900.000-1.100.000 đồng/bao, Kali giá 730.000-800.000 đồng/bao...

Giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm do nguồn cung dồi dào và giá phân bón trên thế giới giảm mạnh./.

Mới nhất

x
Giá thép xây dựng tiếp tục tăng, giá phân bón chạm đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO