Nông dân Nghệ An tìm cách thích ứng với giá phân bón ‘leo thang’

Thanh Phúc 20/11/2021 12:33

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm 2021 đến nay, phân bón tăng giá chóng mặt, có những loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân Nghệ An đã có những cách thích ứng phù hợp…

Theo lần điều chỉnh giá mới nhất vào đầu tháng 11, hiện giá phân bón tăng từ 8%-70% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, phân lạnh (urê) trước đây có giá 350.000 đồng/bao 50kg, nhưng nay đã tăng lên 840.000 đồng/bao, phân DAP cũng tăng từ 600.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/bao, phân kali cũng tăng lên hơn 750.000 đồng/bao…

Một phần do bất lợi của thời tiết, phần nữa giá cả vật tư phân bón tăng cao, đẩy chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đội lên nhiều lần nên vụ đông năm nay nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Đến nửa tháng 11/2021, toàn tỉnh mới chỉ khép kín được 73% diện tích so với kế hoạch đề ra.

Làm 1ha bí xanh ở trên vùng đất bãi, chị Nguyễn Thị Hường (xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn) phải đầu tư gần 3 triệu đồng tiền đạm, lân và kali cho 5 đợt bón gồm: bón lót, bón nhử và 3 lần bón thúc. Chị Hường cho biết: “Năm nay, chi phí đầu vào để sản xuất bí đều tăng, từ làm đất, nhân công đến giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, giá phân bón tăng quá cao, nhẩm tính phải gấp đôi năm ngoái. Trong khi, đầu ra bí quả chưa biết sẽ thế nào?”.

Các địa phương tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho nông dân. Ảnh: Thanh Phúc
Các địa phương tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho nông dân. Ảnh: Thanh Phúc

Trước tình hình giá cả phân bón tăng cao, tại nhiều địa phương, nông dân có cách làm hay để thích ứng với giá phân bón tăng cao. Cụ thể như nông dân Tân Kỳ đã sản xuất đại trà phân bón hữu cơ vi sinh từ phân chuồng, cây xanh, rỉ mật với chế phẩm sinh học. Trung bình mỗi năm, nông dân Tân Kỳ sản xuất ra khoảng 3.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; khoảng 80% hộ dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Hàng năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.

Nông dân Tân Phú (Tân Kỳ) sử dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả thay thế đạm, lân, ka li. Ảnh: Thanh Phúc
Nông dân Tân Phú (Tân Kỳ) sử dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả thay thế đạm, lân, ka li. Ảnh: Thanh Phúc

Để làm ra 1 tấn phân hữu cơ vi sinh cần 7 tạ rác (vỏ trấu, vỏ lạc, thân cây lạc, ngô, rơm rạ, vỏ sò, vỏ hến, phân chuồng...) phơi khô, chặt nhỏ; 6 loại phụ gia gồm: 2kg Compost maker + 2 kg đạm Ure + 5kg lân + 3kg kali +5kg vôi bột + 4kg mật mía hòa với nước sạch, trộn đều với 7 tạ rác. Sau đó vun thành luống, tủ bạt; 10 ngày đảo đều một lần. Sau 25 -30 ngày thu được thành phẩm là 1 tấn phân hữu cơ vi sinh. Toàn bộ chi phí hết khoảng 185.000 đồng.

Ông Trần Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Với giá thành nguyên liệu rẻ, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; giúp tái tạo đất, giữ ẩm tốt, rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay”.

Ở Anh Sơn, mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh cũng đã triển khai, nhân rộng ra được 10 xã, thị trên địa bàn. Nông dân các xã như: Tào Sơn, Khai Sơn, Cẩm Sơn... đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã cây ngô, mía, các loại phân gia súc, gia cầm... để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất.

Dù mang lại lợi ích
Dù mang lại lợi ích "kép" song việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được nhân ra diện rộng. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều năm nay, một số hộ dân ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc) đã biết cách chế biến phân bón hữu cơ để bón cho hoa màu nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hộ ông Đặng Thọ An (xóm 4, xã Nghi Trường) làm 2 sào dưa hấu, để thay thế phân bón vô cơ, ông thường mua các loại cá nhỏ ở cảng cá Cửa Lò về ngâm, ủ rồi tưới cho dưa. Đồng thời, chế thuốc trừ sâu bằng hỗn hợp tỏi, ớt, gừng, rượu để phun cho cây.

Ông Đặng Thọ An cho biết: “Với cách làm này, vừa giảm chi phí mua vật tư, vừa sản xuất theo hướng sạch, an toàn nên giá rất được thị trường ưa chuộng. Vì thế, dưa hấu, dưa lưới, cà chua của gia đình làm ra đến đâu bán hết đến đó, giá lại nhỉnh hơn thị trường”.

Hiện, trước thực trạng giá phân bón leo thang, một mặt Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, Cục QLTT kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng đầu cơ găm giá; sản xuất và buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Mặt khác, vận động nông dân bám đồng sản xuất, ứng dụng các mô hình sản xuất cải tiến, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt nhằm giảm chi phí đầu vào”.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An tìm cách thích ứng với giá phân bón ‘leo thang’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO