Gỡ khó cho nông dân Nghệ An trong chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo

Thanh Phúc 28/07/2023 12:12

(Baonghean.vn) - Diễn đàn đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, điều phối viên dự án, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi… chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; các tiếp cận chuyển đổi số và những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách để nông dân tiếp cận khoa học, công nghệ.

bna_toàn cảnh.JPG
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Sáng 28/7, tại thành phố Vinh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đổi mới sáng tạo”.

Tham dự diễn đàn có đại diện điều phối viên quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện Hội Nông dân các cấp, các sở, ngành liên quan và đại diện các hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Nghệ An.

bna_1.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng báo cáo kết quả phong trào sản xuất kinh giỏi tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Với chủ đề “Nâng cao nhận thức và năng lực về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và chương trình OCOP”, diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung như: Việc tổ chức phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu và giảm nghèo bền vững bằng cách nào để bắt nhịp với đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh hiện nay; Phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo để phù hợp với thực tiễn, trước những biến động thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng và biến đổi khí hậu.

bna_anh hải.JPG
Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Những chủ trương cơ chế, chính sách nào cần được bổ sung, sửa đổi…nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho nông dân khởi nghiệp, bền tâm với tự lực, tự cường để “nông dân giàu, nông nghiệp thịnh”.

Đến thời điểm hiện nay, tổng số người dân sống ở nông thôn chiếm 83% dân số toàn tỉnh; lao động đang làm việc tại khu vực nông, lâm, thủy sản là 986,5 nghìn người. Trình độ, học vấn, năng lực tổ chức sản xuất của nông dân được nâng lên: Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo tăng khá; tư duy sản xuất của người nông dân có nhiều đổi mới, thích ứng, năng động hơn trong điều kiện kinh tế thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 142.336 hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh 3.708 hộ.

bna_anh Nhâm.JPG
Ông Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An trao đổi về vấn đề tạo sinh kế bền vững cho nông dân từ rừng . Ảnh: Thanh Phúc

Thời gian tới, hội nông dân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chuyển mạnh tư duy, nhận thức cho người dân từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển nền nông nghiệp đa chức năng, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại; ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, nông nghiệp sạch, hình thành chuỗi giá trị; nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo phát triển bền vững.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn; Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ; Chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

bna_bác thương.JPG
Ông Hoàng Văn Thương, trưởng làng nghề nước mắm Hải Giang I (thị xã Cửa Lò) trao đổi về vấn đề quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Tại diễn đàn, đã có nhiều tham luận của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi về các vấn đề như: Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của anh Phan Thế Chiến (xã Nghĩa Mỹ, TX. Thái Hoà); mô hình sản xuất kinh doanh giống lúa thuần chất lượng cao, chế biến kinh doanh gạo an toàn chất lượng cao, khó khăn, thách thức và kiến nghị của ông Phan Văn Hoà (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành); mô hình chế biến giò bê của hộ Trần Đình Chung (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành; mô hình nuôi trồng thủy hải sản của ông Nguyễn Hồng Cương (phường Quỳnh Dị, TX. Hoàng Mai); mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn của hộ chị Bùi Thị Thảo (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu)…

bna_sấy bánh.jpg
Các sản phẩm OCOP tìm kiếm thị trường bền vững và hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Thanh Phúc

Theo đó, ngoài chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, về tiếp cận thị trường, về xây dựng sản phẩm OCOP thì các đại biểu cũng đề xuất các kiến nghị như: Hỗ trợ vốn vay cho các hộ kinh doanh với lãi suất tối ưu, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà; Tổ chức liên kết một chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu…

Mới nhất
x
Gỡ khó cho nông dân Nghệ An trong chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO