Từ cậu bé ốm nhách đến võ sư miền sơn cước

Hoài Phương 24/03/2022 11:19

(Baonghean.vn) - Đằng sau sự từ tốn, khiêm nhường của Trần Văn Huệ là câu chuyện về lòng kiên trì theo đuổi đam mê với võ thuật. Từ một cậu bé ốm nhách, Huệ trở thành một võ sư được nhiều người khâm phục, nể trọng.

HUỆ “DÁCH”

“Võ đã thay đổi cuộc đời tôi và tôi tin rằng võ sẽ thay đổi cuộc đời của rất nhiều người” - đó là thổ lộ của Trần Văn Huệ (sinh năm 1988) khi nói về đam mê võ thuật của mình.

Võ sư Trần Văn Huệ (trái). Ảnh: NVCC
Hồi còn học tiểu học, cậu bé Trần Văn Huệ thường được gọi với cái tên “Huệ dách” bởi vóc dáng nhỏ bé của mình. Huệ thường bị bạn bè bắt nạt, tính tình nhút nhát, tự ti. Đối lập với tính cách, Huệ có sở thích xem phim hành động, võ thuật và rất nhiều lần xin bố mẹ cho đi học võ. Nhà chẳng khá giả gì nhưng vì mong muốn đứa con còi cọc, ốm yếu sẽ khỏe mạnh hơn nên bố mẹ Huệ đồng ý đăng ký cho con theo học lớp karate. Huệ học võ từ lúc đó. Hết cấp 1 đến cấp 2, hết cấp 2 sang cấp 3… mà còi cọc vẫn cứ còi cọc, Huệ “dách” vẫn cứ “dách”.

Tốt nghiệp THPT, dù rất muốn theo học khoa võ thuật của Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh nhưng vì chiều lòng bố mẹ, Huệ đăng ký chuyên ngành cơ khí Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. Suốt quãng thời gian sinh viên, Huệ vẫn kiên trì nuôi dưỡng niềm đam mê với võ thuật. Để có tiền học võ, Huệ xin bồi bàn, làm nhân viên bảo vệ vào buổi sáng, đi học ở trường vào buổi chiều, tối về theo học 2 lớp võ từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 8 giờ đến 10 giờ. Huệ nhớ lại: “Thời gian đó, vì làm nhiều, tập nhiều nên Huệ ăn rất khỏe, sức ăn bằng 4-5 người bình thường. Thu nhập từ công việc không cao nhưng có thể đỡ đần cho bố mẹ, tự trang trải tài chính để phục vụ cho đam mê”.

Ảnh:
Huệ cùng các môn sinh thực hiện một màn trình diễn gây quỹ từ thiện. Ảnh: NVCC

Học võ đồng nghĩa với sự kiên trì và khổ luyện. Không biết bao nhiêu lần, Huệ trở về phòng trọ với những vết thương, vết bầm tím sau mỗi buổi tập. Vết thương cũ chưa lành thì vết thương mới đã đè lên. Huệ nhớ như in bài tập Thiết Tuyến quyền hồi năm cuối đại học. Đó là một trong những bài tập khó, đòi hỏi một sự nỗ lực về tinh thần, hoàn thiện về kỹ năng và sẵn sàng về thể lực. Khi tập, mỗi bên tay của người tập sẽ đeo 10kg vòng kim loại, nếu không tập đúng cách hoặc đáp ứng đủ yêu cầu thì bài tập sẽ phản tác dụng, gây tổn hại đến sức khỏe.

Sự chuyên cần, chăm chỉ của Huệ cuối cùng cũng có kết quả. Chàng sinh viên ốm nhách ngày càng hoàn thiện cả về sức vóc lẫn kỹ thuật, thường xuyên được tin tưởng mời làm trợ giảng cho các võ sư nổi tiếng.

Võ đường Tĩnh Tâm tại Quỳ Hợp của võ sư Trần Văn Huệ. Ảnh: P.V

Võ thuật không những đem đến cho Huệ sức khỏe, nó còn mang đến cho Huệ những huynh đệ tốt và những trải nghiệm sâu sắc. Huệ chia sẻ: “Từng học rất nhiều môn phái nhưng đam mê lớn nhất của mình là võ cổ truyền. Tính chất của võ cổ truyền là dùng nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh. Học võ còn là học cách kiểm soát bản thân và sự nhẫn nại. Khi đã vượt qua những đau đớn về thể xác thì sẽ trở nên mạnh mẽ, bình tĩnh hơn về tinh thần” - Huệ nói.

“VÕ ĐẠO” MIỀN SƠN CƯỚC

Huệ trở về quê hương Quỳ Hợp, Nghệ An lập nghiệp với trăn trở: “Làm sao để xây dựng cộng đồng võ thuật quê hương lớn mạnh hơn”. Thời điểm ấy, các lớp võ ở đây còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung và thường không duy trì được lâu dài. Huệ bắt tay vào xin giấy chứng nhận của UNESCO, Liên đoàn Võ thuật quốc gia, Liên đoàn Võ thuật tỉnh, xin phép văn hóa xã được tuyển sinh… Để khuyến khích người dân tập võ, Huệ xây dựng chính sách thu học phí theo “hộ gia đình”, chỉ cần một thành viên trong gia đình đóng học phí thì cả gia đình đều được đến võ đường học miễn phí. Chính sách này đã thu hút được rất nhiều học viên là phụ huynh, anh em cùng theo học. Thậm chí có những phụ huynh sau một thời gian đi học với con đã trở thành huấn luyện viên của võ đường.

Võ đường Tĩnh Tâm giành được nhiều thành tích cao trong các giải đấu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NVCC

Vượt qua những định kiến, cạnh tranh ban đầu, võ đường “Tĩnh Tâm” của Huệ ngày càng đông và trở thành niềm tự hào của người dân Quỳ Hợp, thầy trò Huệ tham gia biểu diễn võ thuật ở rất nhiều sự kiện lớn nhỏ trong tỉnh. Huệ trải lòng: “Xen kẽ trong các bài học võ thuật, tôi luôn chia sẻ cho các em những câu chuyện về những vị anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương, Lý Thường Kiệt, nghĩa quân Lam Sơn, anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ… Học võ cổ truyền sẽ học cả lịch sử oai hùng của dân tộc, học về lòng biết ơn cha ông đã ngã xuống vì hòa bình và một nền võ thuật khổng lồ. Từ đó có ý thức rèn luyện bản thân, sống có trách nhiệm, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tiếp nối tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân…”.

Để truyền thụ võ đạo thì võ sư phải là người “đắc đạo” để làm gương cho các học trò của mình. Huệ đã làm được điều này. Sự nghiêm túc của anh trong rèn luyện, sự hào sảng, tử tế trong đối nhân, xử thế, sự quyết tâm, kiên trì trước khó khăn, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội… của Huệ đã thuyết phục mọi người. Chính vì thế mà ở Tĩnh Tâm, những câu chuyện như đạp xe hàng chục km mỗi ngày để học võ, xem võ đường như nhà của mình, các học viên nhất nhất nghe theo lời thầy… là chuyện không hề hiếm.

Cái tên “Tĩnh Tâm” của võ đường cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa mà Huệ muốn gửi gắm: Sức mạnh thật sự của võ thuật nằm ở tâm trí, khi tâm tĩnh là tim chứa võ. Tâm tĩnh sẽ cảm nhận được được từng hơi thở, từng sự sống, biết phân biệt phải trái, đúng sai, không hơn thua, sân si…

Huệ đã lan tỏa tình yêu với võ thuật cổ truyền đến với nhiều người. Ảnh: NVCC

Sau gần 10 năm xây dựng, võ đường của Huệ phát triển câu lạc bộ cả trong và ngoài tỉnh với hàng ngàn học viên. Nhiều năm liên tiếp, võ đường đã đạt giải Nhất toàn đoàn Giải võ cổ truyền Nghệ An mở rộng, đóng góp nhiều vận động viên cho Trung tâm Thể thao tỉnh nhà. Huệ trở thành một võ sư có tên tuổi, được bầu làm Phó trưởng ban chuyên môn Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Nghệ An. Mới đây, dòng họ Trần Việt Nam đã thành lập Võ phái Trần Gia và Huệ được tin tưởng giao trách nhiệm lưu giữ, xây dựng và phát triển.

Chia sẻ niềm hạnh phúc khi gắn bó với võ cổ truyền, Huệ khiêm tốn: “Tôi chỉ đang cố gắng giữ gìn truyền thống ông cha. Ngắm nhìn những môn sinh xếp thành hàng dài đều tăm tắp, say sưa tập luyện trên vùng đất Bãi Tập, Châu Lý xưa kia (nay là xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), cảm thấy như hào khí của “trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” đang được tái hiện, khiến tôi hạnh phúc với những gì mình đang làm”.

Mới nhất

x
Từ cậu bé ốm nhách đến võ sư miền sơn cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO