Giấc mơ 'trai hóa ngọc' trên hồ bản Muỗng

Nhật Lân 19/08/2019 16:25

(Baonghean) - Tháng 4/2019, khi ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN “nửa kín, nửa hở” đưa hình ảnh những hạt cườm lấp lánh xà cừ lên Facebook cá nhân, và viết dòng cảm xúc “Thêm một nghề mới”. Tôi liên tưởng xứ Nghệ mình đã có điểm nuôi trai lấy ngọc...

Nuôi trai trên núi

Có một số bạn nghề (có lẽ cùng linh cảm) đã công khai hỏi trên facebook, nhưng ông Trần Quốc Thành nhất mực một câu “bí mật”. Thế nên dù rất tò mò, nhưng tôi tự đi tìm câu trả lời: ở nơi nào tại Nghệ An đang nuôi trai lấy ngọc?

Loài trai có thể tạo ngọc gồm cả hai loại nước mặn và nước ngọt. Ban đầu, nghĩ việc nuôi trai lấy ngọc chỉ có thể là trai nước mặn, ở mạn Quỳnh Lưu, hoặc cùng lắm là TX. Hoàng Mai. Vì người dân những địa phương này, thường giỏi giang năng động, luôn tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, để làm giàu như đã từng làm được với con tôm, con ngao, con hàu… Nhưng dò hỏi, những người “dày” thông tin nhất đều nhất mực rằng không có. Lại dọ dẫm ở những huyện đồng bằng Nam Đàn, Yên Thành…, là những địa phương có hồ, đập lớn nổi tiếng như hồ Tràng Đen, đập Vệ Vừng... Nhưng, nhiều người am hiểu ở khu vực này cũng chắc chắn là không.

Điểm nuôi trai lấy ngọc ở hồ bản Muỗng, xã Châu Thái (Quỳ Hợp). Ảnh: Nhật Lân
Điểm nuôi trai lấy ngọc ở hồ bản Muỗng, xã Châu Thái (Quỳ Hợp). Ảnh: Nhật Lân

Đã nhụt chí, và “quên” trong một thời gian khá dài, tình cờ trong một lần công tác ở xứ mỏ Quỳ Hợp, gặp và trò chuyện với anh Nguyễn Giang Hoài - Giám đốc Công ty Khoáng sản Phủ Quỳ. Rồi được anh Hoài kể cho nghe việc thực hiện đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài những cam, bưởi, quýt, nhân sâm… thì anh còn nuôi trai ngọc. Trong tôi lóe lên tia hy vọng: Là đây chăng? Nhưng lại thất vọng vì anh trả lời, đó là dự án đã cách đây vài năm, nhưng không đạt hiệu quả. Khi đó, anh thả trai tại hồ của trang trại. Nhưng do nguồn nước không tốt, trai bị chết nhiều, kém phát triển nên đã chuyển cho người khác…

Dẫu vậy, xác định đây là manh mối, nên qua điện thoại tôi đã hỏi Trưởng phòng NN&PTNT Quỳ Hợp, anh Quán Vi Giang. Thật may, Giang biết chuyện. Anh cho biết có một giảng viên trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), đang thử nghiệm nuôi trai lấy ngọc ở hồ bản Muỗng, thuộc xã Châu Thái. “Khi nào lên Quỳ Hợp để tìm hiểu nội dung này thì anh thông tin trước. Em sẽ liên lạc với thầy Vinh (tên của giảng viên) sắp xếp đưa anh đến hồ bản Muỗng tìm hiểu…” - Trưởng phòng NN&PTNT Quỳ Hợp Quán Vi Giang trao đổi.

Xem trai nhả ngọc

Đầu tháng 8/2019, tôi được Trưởng phòng Quán Vi Giang đưa đến xã Châu Thái để lên hồ bản Muỗng để xem nuôi trai lấy ngọc. Trước khi đi anh nói: “Đi xem thôi chứ không gặp được chủ nhân đâu. Vì anh ấy là giảng viên, bận bịu với công tác giảng dạy của nhà trường nên chưa sắp xếp thời gian về được…”.

Trai được treo trong những chiếc giỏ lưới, treo trên giàn phao. Ảnh: Nhật Lân

Hồ bản Muỗng là hồ thủy lợi lớn bậc nhất của huyện Quỳ Hợp, dung tích chứa nước lên đến 3,5 triệu m3. Tại đây, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật Lữ Văn Hùng cùng vài thanh niên bản Muỗng dùng thuyền đưa ra điểm treo thả trai. Tại một khoảnh hồ rộng khoảng 600 - 700m2, trên bề mặt hồ có một hệ thống liên tiếp gồm dây và phao là những quả bóng tròn nhiều màu, trông khá lạ mắt, hấp dẫn. Những tuyến dây có gắn phao ấy, cứ khoảng 1m thì treo một túi lưới đựng trai (mỗi túi khoảng 10 con). Con trai có kích thước rất đều, to như những bàn tay người lớn, trọng lượng khoảng 0,2 - 0,3 kg/con. Lữ Văn Hùng cho biết, tại khoảnh hồ này đã treo được trên dưới 10.000 con trai như vậy, với thời gian đã khoảng 7 tháng. Hỏi Hùng với chừng ấy thời gian liệu trai đã cho ngọc chưa? Anh cán bộ kỹ thuật tốt nghiệp Trường Đại học thủy sản Nha Trang, quê ở Yên Hợp (Quỳ Hợp) hiển lành cười: Em sẽ lấy một vài con đưa vào để các anh xem trực tiếp…

Tại chiếc lều ghép gỗ nằm mấp mé hồ, Lữ Văn Hùng đưa ra bộ đồ nghề gồm nhiều những chiếc panh, dao, dụng cụ gắp trai được chế bằng inox nhỏ nhắn, tinh xảo và nói: Bây giờ em sẽ mở trai để các anh thấy con trai cho ngọc như thế nào. Và Hùng dùng dao nạy miệng trai, mở tung hai cánh vỏ trai. Khi Hùng dùng panh lật miếng thịt mềm ướt, dùng dao khía vào lớp màng bám bên lớp vỏ, chúng tôi cùng đồng thanh ổ lên. Dưới lớp màng là một hạt ngọc tròn trịa, có đường kính khoảng 4mm lồ lộ hiện ra, phản quan ánh sáng trắng của ngọn đèn let những tia lấp lánh xà cừ tuyệt đẹp. Rồi cứ thế, mỗi con trai, có hai hạt ngọc được bàn tay khéo léo của Hùng đưa ra bằng chiếc dụng cụ gắp.

Lữ Văn Hùng thực hiện việc tách trai, lấy ngọc. Ảnh: Nhật Lân
Anh Lữ Văn Hùng thực hiện việc tách trai, lấy ngọc. Ảnh: Nhật Lân

“Công việc nuôi trai không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ".

Lữ Văn Hùng

Lữ Văn Hùng kể, tuổi đời của mỗi con trai cho ngọc khoảng 2 năm, kể từ ngày cấy nhân. Nhân là những hạt cườm nhỏ màu trắng, có đường kính khoảng 2 - 3mm, nhập khẩu từ Nhật Bản, được sản xuất từ chính vỏ trai. Để cấy nhân này vào trai, là việc làm hết sức tỉ mỷ, đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi cấy, thì xếp trai vào sọt dưỡng khoảng 10 ngày. Sau thời gian dưỡng, thì loại bỏ những con trai bị chết, hoặc bị rụng nhân (khoảng 2 - 3%). Số trai đã đảm bảo tính ổn định sẽ được xếp vào túi lưới, treo tại giàn phao. Hùng cũng nói rằng, việc nuôi trai không chỉ đến công đoạn treo trai là hoàn thành, mà hàng tháng theo định kỳ, anh cũng các bạn của mình phải vệ sinh cho từng giỏ, thậm chí, cọ rửa bề mặt cho từng con trai nếu phát hiện chúng bị rêu, bùn, hoặc phù du bám bẩn. “Công việc không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ. Khó nhất cho bọn em là phải bảo quản chất lượng nước của hồ. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây bệnh cho trai. Khi đó, kể như mọi thứ hỏng hết. Đây cũng là lý do lựa chọn vị trí này để đặt giàn phao treo trai…” - Hùng tâm sự.

Khát vọng ngọc trai núi

Chúng tôi đã hỏi Lữ Văn Hùng về ý tưởng nuôi trai ở hồ bản Muỗng. Hùng cho hay, để biết về những điều này thì cần liên lạc với chủ nhân, là giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, anh Đậu Quang Vinh. Hùng nói: “Em chỉ biết, để thực hiện được như hiện nay, cũng tại đây thầy Vinh đã có nuôi trai với thời gian khoảng 3 năm. Và Công ty Hồng Ngọc ở Ninh Bình có đánh giá cao ngọc trai nuôi ở hỗ Muỗng là ít tỳ vết, viên tròn, bóng và lớp ngọc phủ bề ngoài nhân có độ dày cao… Cần thêm thông tin, các anh nên liên lạc với thầy Vinh”.

Những hạt ngọc lấp lánh được tách ra từ trai. Ảnh: Nhật Lân
Những hạt ngọc lấp lánh được tách ra từ trai. Ảnh: Nhật Lân

Qua điện thoại, giảng viên Đậu Quang Vinh (SN 1980) cho hay anh sinh ra, lớn lên ở thị trấn Quỳ Hợp; là Tiến sỹ sinh học chuyên ngành động vật, hiện giảng dạy tại Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Hồng Đức. Tuy nhiên, không liên quan gì đến ngành thủy sản. Việc nuôi trai lấy ngọc đến với anh từ năm 2016. Đó là việc có một doanh nghiệp ở Thanh Hóa đề nghị anh nghiên cứu, cùng phối hợp phát triển ngọc trai mặn ở Thanh Hóa. Dành một thời gian cho nội dung này, rồi nhận thấy không khả quan nên anh đã từ chối.

Nhưng cũng từ đây, anh Vinh quan tâm đến việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Tìm hiểu, anh được tiếp xúc, làm việc với Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl ở Ninh Bình (là doanh nghiệp đã thành công trong việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc), trình bày về ý tưởng chuyển giao quy trình công nghệ nhân rộng ra các vùng khác nhau tại Việt Nam.

Đây là cơ sở để cũng trong năm 2016, anh trao đổi với Công ty khoáng sản Phủ Quỳ bỏ vốn đầu tư nuôi thử 1000 con trai tại hồ Muỗng và khu trang trại của Công ty Phủ Quỳ. Để từ đó đánh giá sự phát triển của trai trong điều kiện khí hậu thủy văn ở Quỳ Hợp. Thời gian đầu, trai phát triển rất tốt, nhưng sau đó số lượng trai chết rất nhiều (nhiều hơn dự kiến trên 50%) và chất lượng ngọc không được tốt lắm. Loài trai này rất dễ nuôi trồng, trong nhiều điều kiện khác nhau, nhiều loại thủy vực khác nhau…, thế nên anh hết sức đau đầu. Sau đó xác định, với mô hình, kỹ thuật ở Ninh Bình không thể áp dụng được cho nhiều địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ trong điều các điều kiện khác nhau để có thể phát triển.

Hạt ngọc trai 7 tháng tuổi ở hồ bản Muỗng. Ảnh: Nhật Lân
Hạt ngọc trai 7 tháng tuổi ở hồ bản Muỗng. Ảnh: Nhật Lân

Anh Vinh đã đề xuất với công ty Phù Quỳ chuyển sang Công ty cổ phần CN&DV Nông lâm thủy sản Tuấn Linh, rồi cùng với ba chuyên gia về nuôi trồng thủy sản khác (của Trung tâm giống thủy sản Nghệ An, của công ty Tuấn Linh và Trường Đại học Vinh) tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình. Và bởi hồ Muỗng có diện tích lớn, xung quanh có 157ha rừng tự nhiên, không có dân cư sinh sống, không có nguồn phát thải, nguồn khoáng lớn nên anh tiếp tục chọn để thực hiện dự án nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, đồng thời đề xuất Sở KH&CN có sự hỗ trợ. Sở KH&CN trước đây từng nghiên cứu về đề tài ngọc trai nên đã có sự hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân Giám đốc Sở KH&CN, ông Trần Quốc Thành đưa một vài hình ảnh, thông tin lên facebook…

Giáng viên Đậu Quang Vinh cũng nói rằng “qua điện thoại, sẽ không thể nói hết mọi điều…”. Nhưng anh thông tin trên thế giới, sản xuất ngọc trai ngọt rất phát triển. Như ở Trung Quốc, người ta sản xuất với sản lượng ước đạt 1.000 tấn ngọc/năm, xuất khẩu đi khắp thế giới, trong đó Việt Nam nhập rất nhiều các sản phẩm này.

Anh Vinh cũng cho biết đang tiếp tục cùng các cộng sự của mình ngày đêm trăn trở “để không chỉ dự án được thành công mà còn là để tạo ra sản phẩm chất lượng, vì sự phát triển của công ty, góp phần tạo sinh kế cho người lao động…”.

Nghe người giảng viên 39 tuổi này tâm sự, thật mừng. Bởi trong giai đoạn cả nước và tỉnh nhà đang thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, thì đây đúng là một dự án đầy tính khoa học, sáng tạo. Bởi dù chưa thể nói về sự thành công, nhưng ở vùng đất mà nhiều năm nay người ta chỉ nói về việc khai thác tài nguyên, đã có thêm những người trẻ mang trong mình khát vọng phát huy giá trị tài nguyên. Khát vọng này, mới thực sự đẹp, lấp lánh ánh xà cừ…

Hồ bản Muỗng, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân
Mới nhất
x
Giấc mơ 'trai hóa ngọc' trên hồ bản Muỗng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO