Giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp Quốc lộ 7: Tiếp tục lỡ hẹn

Tiến Đông 05/04/2024 16:47

(Baonghean.vn) - Mặc dù UBND tỉnh đã giao cho các địa phương có Dự án đi qua phải khẩn trương hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công trong tháng 3 thế nhưng đến đầu tháng 4, nhiều đoạn trên Quốc lộ 7 vẫn vướng mặt bằng chưa thể giải quyết. 

NHIỀU ĐIỂM NGHẼN

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó đoạn cải tạo, nâng cấp từ Diễn Châu đến Đô Lương có tổng chiều dài 36km.

Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, với tổng giá trị 778,724 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng). Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, sẽ hứa hẹn kết nối các địa phương trên trục Quốc lộ 7 với đường cao tốc Bắc-Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực khai thác trên hành lang vận tải từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, tới các tỉnh ven biển miền Trung, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

BNA_12.jpg
Quốc lộ 7 đoạn qua huyện Diễn Châu có nhiều điểm vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tiến Đông

Tại Diễn Châu, ngay điểm đầu của dự án, một trong những hạng mục quan trọng của dự án này là cầu vượt đường sắt đoạn đi qua xã Diễn Phúc. Theo thiết kế, cầu vượt này có 2 làn, 8 nhịp, tuy nhiên, đến nay do đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên đơn vị thi công mới chỉ lắp được một số dầm ở mố cầu phía Đông, còn mố cầu phía Tây của đường sắt vẫn chưa thực hiện được.

BNA_Diễn Cát.jpg
Việc chưa thể giải phóng mặt bằng khiến cho nền đường Quốc lộ 7 cũ trở thành điểm mất ATGT. Ảnh: Tiến Đông

Ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Dù vậy vẫn còn một số điểm vướng mắc chưa thể bàn giao được. Riêng những trường hợp vướng mắc tại khu vực chân cầu vượt đường sắt hiện nay huyện cũng đang tích cực thực hiện công tác vận động, đối thoại với các hộ dân để sớm bàn giao mặt bằng.

BNA_14.jpg
Mố cầu phía Tây cầu vượt đường sắt Bắc Nam tại xã Diễn Phúc (Diễn Châu) vẫn chưa thể thi công được do còn vướng mặt bằng. Ảnh: Tiến Đông

Dù vậy, theo ông Hiên, khó khăn lớn nhất đối với các khu vực chưa giải phóng mặt bằng được là do việc xác định nguồn gốc đất, trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều lần giao đất. Nhất là trước đây các địa phương giao đất trái thẩm quyền nhưng không xác định toạ độ, hình thửa rõ ràng. Một số hộ dân đòi hỏi giá trị hỗ trợ, bồi thường vượt mức quy định, khung chính sách của Nhà nước.

Tại Yên Thành, tính cả 2 bên trái và phải tuyến thì dự án có tổng chiều dài là 27,774km, đi qua địa bàn 5 xã: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành và Mỹ Thành. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn còn gần 2km đang bị vướng mặt bằng, chưa bàn giao được.

BNA_Một đoạn qua xã Viên Thành (Yên Thành) đến nay vẫn chưa thể GPMB. Ảnh Tiến Đông.jpg
Một đoạn qua xã Viên Thành (Yên Thành) đang trở thành điểm nghẽn "bóp nghẹt" các phương tiện khi đi qua đây. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, tại các địa phương có dự án đi qua, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện ngoài việc trả lời bằng văn bản những thắc mắc, kiến nghị thì cũng đã tổ chức đối thoại với các hộ dân. Vậy nhưng nhiều hộ vẫn chưa đồng ý ký vào văn bản bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công và tháo dỡ vật liệu, kiến trúc trên tuyến. Nhiều hộ dân yêu cầu được đền bù trên phần đất lấn chiếm, cũng như đền bù tài sản hình thành sau ngày 1/7/2004. Nhiều hộ gia đình, cá nhân còn đề nghị được đền bù phần đất nằm trong lưu không bảo vệ đường bộ (phần đất không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính); cũng như đòi bồi thường phần đất đã đào đắp trước đây… Những vấn đề này nằm ngoài khung quy định của Nhà nước, và dù đã được giải thích, vận động nhiều lần nhưng người dân vẫn không chấp hành.

BNA_6.jpg
Các phương tiện chật vật khi qua điểm tiếp giáp giữa đoạn đã thi công và đoạn chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tiến Đông

Mới đây nhất, ngày 2/4/2024 Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Yên Thành tiếp tục đối thoại với các hộ dân xã Công Thành (lần 2). Mặc dù đây là một trong những trung tâm phát triển kinh tế, xã hội của huyện Yên Thành, và đang được định hướng xây dựng thành thị trấn Vân Tụ. Vậy nhưng, do việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc nên hạ tầng giao thông khu vực này còn rất nhếch nhác. Được biết, thời gian tới UBND huyện Yên Thành sẽ tiếp tục vận động, đối thoại với các hộ dân chưa đồng tình.

BNA_Công thành.jpg
Ngã tư Công Thành nằm trên Quốc lộ 7, một trong những trung tâm được UBND huyện Yên Thành định hướng xây dựng thành thị trấn Vân Tụ, nhưng đến nay vẫn còn rất nhếc nhác. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt tại huyện Đô Lương, đến nay vẫn còn 2 địa điểm vướng nhất là tại hộ gia đình ông Nguyễn Tất Thường (xóm Vạn Yên, xã Hoà Sơn), và cụm 9 hộ dân cùng cây xăng dầu tại xóm Lưu Diên, xã Lưu Sơn (ngay chân cầu Đô Lương). Đến thời điểm này, UBND huyện Đô Lương đã phải tiến hành cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với hộ gia đình ông Nguyễn Tất Thường, còn 9 hộ dân tại xã Lưu Sơn thì đang lên kế hoạch và trình phương án bảo vệ thi công, chờ cơ quan chức năng phê duyệt thì sẽ tiến hành cưỡng chế, bảo vệ thi công. Dù trước đó, chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng các hộ dân không chấp hành.

BNA_Khu vực qua xóm Lưu Diên xã Lưu Sơn (Đô Lương) đến nay vẫn còn đang rất nhếch nhác vì chưa GPMB được.Ảnh Tiến Đông.jpg
Khu vực đi qua xã Lưu Sơn (Đô Lương) đến nay vẫn còn "thắt cổ chai" chưa giải phóng mặt bằng được. Ảnh: Tiến Đông

TIẾP TỤC LỖI HẸN

Có thể thấy rằng, với việc chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng không chỉ khiến cho tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Điều này còn khiến cho người dân trong khu vực chưa giải phóng mặt bằng cũng phải chịu cảnh khổ sở do bụi và ngập nước; các phương tiện tham gia giao thông cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông trên tuyến đường này.

Đặc biệt, những chỉ đạo, cam kết thời hạn bàn giao mặt bằng từ phía chính quyền địa phương với đơn vị quản lý dự án cũng không thực hiện được. Cụ thể, vào ngày 28/2/2024, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc về rà soát công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và các công tác khác liên quan đến dự án này. Tại buổi làm việc này, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, đồng chí Lê Hồng Vinh đã chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua cần phải tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng của dự án.

BNA_vb.jpg
Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 28/2 vừa qua. Ảnh Tiến Đông

Trong đó, yêu cầu, đối với UBND huyện Diễn Châu, cần phải rà soát các thủ tục còn lại để khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần tuyến chính trước ngày 30/3/2024. Đối với các vị trí còn vướng mắc, cần phải rà soát các thủ tục pháp lý để tổ chức bảo vệ thi công. Tại khu vực chân cầu vượt đường sắt Bắc Nam đoạn qua xã Diễn Phúc thì yêu cầu rà soát các hồ sơ liên quan và xác minh thực tế để xử lý theo hướng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng cho người dân.

BNA_5.jpg
Khu vực đi qua xã Mỹ Thành đến nay vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tiến Đông

Đối với huyện Yên Thành, cần phải rà soát các thủ tục pháp lý để xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ thi công đối với đoạn qua khu vực xã Mỹ Thành, cũng như chỉ đạo quyết liệt trong công tác vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng, nhất là đối với các hộ đã đồng ý nhận tiền. Tất cả nhiệm vụ hoàn thành trong tháng 3/2024.

Riêng ở Đô Lương thì giao tổ chức rà soát thủ tục lần cuối, công khai phương án và tổ chức bảo vệ thi công để bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2024 đối với 9 hộ dân tại xã Lưu Sơn. Ngoài ra tổ chức cưỡng chế kiểm đếm, xây dựng phương án bảo vệ thi công đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Tất Thường tại xã Hoà Sơn trong tháng 3/2024.

BNA_4.jpg
Do chưa hoàn tất GPMB nên ngoài việc gây ô nhiễm môi trường còn khiến cho các phương tiện đi qua QL7 tại xã Lưu Sơn (Đô Lương) gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tiến Đông

Dù vậy, mốc thời gian trong tháng 3 như chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chưa thể thực hiện được. Điều này vô tình lại khiến cho tiến độ dự án bị chậm trễ. Bởi theo như đại diện Ban quản lý dự án 4, công trình này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, nhưng đến nay đã hết quý I/2024 vẫn chưa xong.

Rõ ràng với tầm quan trọng của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, đã đến lúc chính quyền các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Bởi nếu tiếp tục lỡ hẹn, sẽ ảnh hưởng lớn đến tính nghiêm minh của pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương, cũng như quyền lợi của các hộ dân đã tự nguyện đi đầu trong việc bàn giao mặt bằng.

Mới nhất

x
Giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp Quốc lộ 7: Tiếp tục lỡ hẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO