'Giám sát phải ở những nơi dân đang cầu cứu, bức xúc'

18/10/2016 08:12

Theo nhiều chuyên gia, giám sát phải ở những chỗ có nhiều vấn đề nổi cộm, những nơi người dân đang cầu cứu. Giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm.

Từ trước khi có Hiến pháp 2013, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật và dựa trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhưng thực tế chỉ là những quy định khung, có tính nguyên tắc về vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam mà không có quy định cụ thể về cơ chế, nhất là về phương pháp, các thức triển khai thực hiện.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam đã dành riêng 2 chương quy định về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên để các quy định này triển khai trên thực tế cần phải tiếp tục cụ thể hóa một các đầy đủ một số điều của luật, làm rõ cách thức thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội là rất cần thiết.

Mặt trận phải có các đoàn giám sát độc lập

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng việc ra được Nghị quyết liên tịch giữa Mặt trận với Thường vụ Quốc hội với Chính phủ về giám sát phản biện là một việc cần thiết, đây thể hiện trách nhiệm giữa Thường vụ Quốc hội với Chính phủ và Mặt trận trong thực thi Luật MTTQ Việt Nam, thực hiện giám sát và phản biện. MTTQ là một trong 3 chủ thể cùng phối hợp để tạo sức mạnh chung. Chúng ta tạo hành lang pháp lý, luật cụ thể không chỉ để Mặt trận thực hiện tốt vai trò của mình trong giám sát và phản biện xã hội mà còn đòi hỏi đặt ra trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước trong việc thực hiện quyền giám sát của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.

Trong thời gian vừa qua, MTTQ Việt Nam cũng đã có nhiều Nghị quyết liên tịch về giám sát, phản biện với các Bộ, Ban ngành. Nghị quyết liên tịch qua mỗi lần ký kết là tạo ra sức mạnh, vị thế của Mặt trận trong thực hiện vai trò của mình. Mỗi lần như vậy cũng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước cùng với Mặt trận thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình đối với nhân dân.

“Cần phải có các Nghị quyết liên tịch với các Bộ, nếu không mỗi lần muốn giám sát trong lĩnh vực nào lại phải thực hiện Nghị quyết liên tịch với Bộ đó, giống như Mặt trận phải đi xin xem Bộ đó có cho không thì mới được giám sát. Như vậy, sẽ hạ thấp vai trò của MTTQ. Đồng thời, MTTQ cũng bị động và MTTQ không làm tròn được vai trò trách nhiệm là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân và là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”- ông Huỳnh Đảm nói.

Theo ông Huỳnh Đảm, khi nào dân bức xúc hoặc có việc gì cần thì Mặt trận sẽ tổ chức giám sát, phản biện chứ không phải chờ phải có Nghị quyết liên tịch với Bộ này, Bộ kia. Nghị quyết Liên tịch là cần nhưng không phải bất cứ việc gì cũng phải chờ có liên tịch thì Mặt trận mới được thực thi quyền của mình.

Theo ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam, về nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận phải làm độc lập, các Bộ ngành chỉ tham gia phối hợp chứ không phải là chủ thể. “Mặt trận mời các bộ ngành tham gia và có ý kiến, còn kết luận cuối cũng chủ thể là Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội”.

Ông Huỳnh Đảm cũng cho rằng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ mang tính nhân dân, khác với giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước. Phản biện của Mặt trận không phải thuần túy như của các nhà khoa. Mặt trận phải nêu được những vấn đề dân bức xúc, phải tập hợp cho được ý nguyện của nhân dân. Đây cũng là cơ sở dẫn dắt trong vấn đề giám sát, phản biện của Mặt trận. Còn trong những trường hợp cần thiết mới thành lập, không dẫn đến việc vừa tốn công, tốn sức.

“Có thành lập đoàn thì cũng phải độc lập, không nên thành lập Đoàn có các cơ quan chức năng. Nếu không thành lập được đoàn giám sát độc lập là thể hiện sự yếu kém trước nhân dân, không dám chịu trách nhiệm, không khu biệt được hiệu quả và hậu quả giám sát, vì có vấn đề gì phát sinh lại đổi thừa cho liên ngành”- ông Đảm nói.

Giám sát phải ở những nơi dân đang cầu cứu

Về đối tượng giám sát, theo ông Vũ Trọng Kim, Mặt trận phải chọn điểm để giám sát cho có hiệu quả. Việc đầu tiên là thực hiện điều 9 của Hiến pháp là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”. Quyền của người dân bị xâm phạm thì Mặt trận phải đứng ra bảo vệ “Chúng ta phải làm các vụ nổi cộm, đến những chỗ người dân đang cầu cứu. Chỉ giám sát những nơi có vấn đề mà nhân dân có kiến nghị, “còn nơi trời yên biển lặng thì giám sát làm gì. Giám sát phải có trọng tâm trọng điểm”- ông Kim nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Đảm cũng cho rằng, cần cân nhắc phạm vi giám sát, phản biện. “Về địa phương, tôi cũng tham gia sinh hoạt với anh em dưới đó nhưng thấy họ lúng túng lắm. Giám sát, phản biện của chúng ta là làm sao thúc đẩy mọi mặt của đất nước phát triển mà trước tiên là bảo vệ được quyền lợi ích chính đáng của nhân dân đồng thời phải lo được các vấn đề chung của đất nước, vì vì Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.

Ông Đảm nhấn mạnh cần phải quan tâm đến nội dung giám sát, phản biện, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chỗ nào Mặt trận cũng có mặt, nhưng nó mang tính chung chung không có tác dụng trong việc thúc đẩy xã hội, trong việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của nhân dân. Nhưng ngược lại, nếu Mặt trận làm không rõ chức năng nhiệm vụ, giám sát trùng dẫm lên giám sát của Quốc hội và HĐND hoặc giám sát trùng lên chức năng của chính quyền.

“Tôi ví dụ nhưng giám sát về an toàn thực phẩm. Cùng là bức xúc của dân, Mặt trận phải đi giám sát nhưng giám sát thế nào để có tác dụng, phải hết sức cân nhắc. Việc giám sát thực phẩm bẩn, thuốc trừ sâu giả… còn có các cơ quan thanh tra chuyên ngành. Vì thế, giám sát của Mặt trận là giám sát việc các cơ quan Nhà nước và đội ngũ công chức Nhà nước trong việc thực thi quyền lực, chứ không phải giám sát chuyên môn kỹ thuật. Nói như vậy cũng không nên tuyệt đối hóa mọi viêc, có những việc cần giám sát mang tính kỹ thuật mang tính chuyên sâu thì cần phải có sự phân công, phân cấp giữa Mặt trận với các thành viên của mình”- ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

GS Trần Ngọc Đường
GS Trần Ngọc Đường

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Ủy ban tư vấn pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, giám sát của Mặt trận phải có tính đặc thù, là tiếng nói trực tiếp của nhân dân. Vì vậy, từ quy trình cho đến đối tượng giám sát, các kết luận giám sát phải hoàn toàn khác giám sát của Nhà nước, trong đó có giám sát của Quốc hội và HĐND.

Điều 3 dự thảo Nghị quyết liên tịch về giám sát, phản biện quy định: Đối tượng giám sát là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và HĐND các cấp; Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức đơn vị trực thuộc, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp; Đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp; Đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, cán bộ, công chức, viên chức.

GS Trần Ngọc Đường cho rằng, quy định đối tượng như vậy là quá rộng. Mặt trận sao phải giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội… mà theo tôi phải giám sát các vụ việc nổi cộm, xâm hại đến lợi ích của công dân trên địa bàn, nhưng lợi ích hợp pháp mà dư luận xã hội lên án, hoặc báo chí lên án phải giám sát kịp thời, phải phát huy nhạy cảm chính trị và xuất phát từ lòng dân mà giám sát.

“Giám sát đây là là giám sát vụ việc, chứ không phải giám sát văn bản hành chính. Không thể nào ngồi đọc văn bản mà phát hiện sai sót mà chỉ có thông qua thực hiện pháp luật mới phát hiện ra được rằng văn bản đó phạm quy. Theo tôi phải xác định lại đối tượng, phạm vi giám sát mà phải xuất phát từ vụ việc của cuộc sống”- GS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Theo GS Trần Ngọc Đường, trong công tác phản biện, Mặt trận không chỉ phản biện các dự thảo văn bản của cơ quan Nhà nước mà phải phản biện các dự án, công trình đang tiến hành mà người dân có ý kiến hoặc xâm hại đến lợi ích của công dân. “Không phải cứ có văn bản gửi đến mới phản biện, mà phải phản biện vụ việc. Các hình thức phản biện cũng không rõ và giá trị pháp lý, hậu quả pháp lý của các hình thức phản biện như thế nào”.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

'Giám sát phải ở những nơi dân đang cầu cứu, bức xúc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO