Giáo dân tiêu biểu của giáo xứ Đồng Tâm làm kinh tế giỏi

11/06/2017 07:09

(Baonghean.vn) - Anh Phạm Văn Luyện ở giáo xứ Đồng Tâm, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn là hộ sản xuất giỏi trong làm ăn kinh tế đồng thời là gương sáng trong đoàn kết lương giáo, tích cực tham gia các phòng trào thi đua yêu nước.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” ở Nghĩa Đàn đã xuất nhiều điển hình người tốt, việc tốt, trong đó có anh Phạm Văn Luyện ở xóm 10B, giáo xứ Đồng Tâm, xã Nghĩa An.

Người công giáo tiêu biểu ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Minh Thái
Anh Phạm Văn Luyện ở giáo xứ Đồng Tâm được tham gia Đại hội Đại biểu người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc huyện Nghĩa Đàn lần thứ VII nhiệm kỳ 2017- 2022. Ảnh: Minh Thái

Trong phát triển kinh tế, anh Luyện chịu khó đầu tư chăn nuôi bò sữa. Vay vốn ngân hàng hơn 200 triệu đồng, anh đầu tư nuôi 10 con bò sữa. Hiện trong chuồng có 5 con đang cho sữa, trung bình mỗi ngày cho hơn 80 lít sữa; với giá 12.000 đồng/lít, trừ các chi phí cũng thu lãi gần 1 triệu đồng.

“Những ngày đầu nuôi bò sữa thấy cũng khó khăn do mình chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật, sau đó học hỏi dần rồi quen. Quan trọng là đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bò, thường xuyên vệ sinh và tiêm phòng bệnh đầy đủ... Để nuôi bò sữa hiệu quả, chuồng nuôi phải thoáng mát, sạch sẽ, có nơi xử lý chất thải để giảm ô nhiễm môi trường; mua bò giống ở các trang trại có uy tín, đặc biệt giống bò phải thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương và luôn có đủ nguồn thức ăn cho bò" - anh Luyện chia sẻ.

Nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và chất lượng sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, anh còn cho bò ăn thêm thức ăn tổng hợp như cây ngô cả bắp, cám gạo cùng phụ phẩm khác. Trung bình mỗi ngày một con bò sữa ăn hết 10kg thức ăn tổng hợp và 20kg cỏ tươi.

Người công giáo tiêu biểu ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Minh Thái
Hiện 5 con bò sữa của gia đình anh Võ Văn Luyện trung bình mỗi ngày cho hơn 80 lít sữa; với giá 12.000 đồng/lít, trừ các chi phí thu lãi gần 1 triệu đồng. Ảnh: Minh Thái

Ngoài việc giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, anh còn là người có nhiều đóng góp lớn trong việc đưa mọi phong trào của giáo xứ Đồng Tâm đi lên. Anh thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, cụm dân cư sống và làm theo hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt các hương ước quy ước của làng và các quy định của địa phương, sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước, luôn rèn luyện tính tiên phong trong lao động sản xuất, xây dựng mối đoàn kết lương - giáo, kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng Nông thôn mới.

Anh vận động bà con nhân dân trong xóm tích cực tham gia đóng góp ủng hộ các nguồn quỹ, các hoạt động từ thiện ủng hộ người nghèo, các gia đình chính sách, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các nguồn quyên góp do các cấp hội phát động.

Trong các buổi sinh hoạt xóm và các đoàn thể, anh thường xuyên có những đóng góp trên tinh thần xây dựng, tạo uy tín cao trong lòng bà con. Bản thân anh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do mặt trận Tổ quốc các cấp và địa phương phát động như cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Sống tốt đời, đẹp đạo" trong đồng bào công giáo do Ủy ban Đoàn kết công giáo phát động. Anh được bà con giáo dân tín nhiệm, yêu mến.

Nói về giáo dân Phạm Văn Luyện, chị Võ Thị Huyến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nghĩa An cho biết: “Trong phát triển kinh tế, gia đình anh là một trong những hộ vươn lên từ hai bàn tay trắng để làm giàu. Nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, anh cùng với ban cán sự 2 xóm 10A và 10B vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền để để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, xóm 10B đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, dự kiến đến đầu năm 2019 xóm sẽ về đích nông thôn mới”.

Vừa qua, anh đã vinh dự được chọn là 1 trong 11 đại biểu, đại diện cho hơn 350 bà con giáo dân của giáo xứ Đồng Tâm tham gia Đại hội Đại biểu người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc huyện Nghĩa Đàn lần thứ VII nhiệm kỳ 2017- 2022. /.

Minh Thái

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Giáo dân tiêu biểu của giáo xứ Đồng Tâm làm kinh tế giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO