Giao lưu truyền thông hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới
(Baonghean.vn) - Ngày Tránh thai thế giới nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai.
Tối 25/9, tại huyện Quỳ Hợp, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức chương trình giao lưu truyền thông nhân kỷ niệm Ngày Tránh thai thế giới.
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ và huyện Quỳ Hợp cùng tham dự chương trình. Ảnh: Mỹ Hà |
Theo số liệu thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai được báo cáo chính thức, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên; tỷ lệ biến chứng do nạo phá thai lên đến 68 ngàn người trên tổng số 20 triệu ca nạo phá thai. Đây thực sự là những con số đáng báo động.
Tại Nghệ An, hiện tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai, nạo phá thai, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục ở lứa tuổi vị thành niên/thanh niên có xu hướng gia tăng. Thậm chí có nhiều trường hợp bị tai biến, tử vong thương tâm từ việc nạo phá thai không an toàn.
Đồng chí Nguyễn Trung Thành - Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ phát biểu tại chương trình. Ảnh: Mỹ Hà |
Từ thực tế này, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trung Thành - Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho rằng: Để giải quyết có hiệu quả những tồn tại, thách thức nêu trên rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Đặc biệt, ngành Dân số - Y tế phải chủ động, xung kích, đi đầu trong tham mưu, chỉ đạo và lựa chọn tổ chức các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ KHHGĐ phù hợp với thực tiễn để góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Đội văn nghệ Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp tham gia tiết mục văn nghệ trong đêm giao lưu. Ảnh: Mỹ Hà |
Ngày tránh thai thế giới năm 2020 được triển khai với chủ đề “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”. Tại lễ kỷ niệm, ngành Dân số cũng đã tổ chức đêm truyền thông với sự tham gia của đông đảo cán bộ, viên chức đang làm công tác dân số tại 21 huyện, thành thị trong toàn tỉnh.
Phòng tránh thai an toàn mang lại rất nhiều lợi ích giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như: về thời gian, khoảng cách và số lượng con sinh ra; tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều, từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.
Tiểu phẩm "Chuyện nhà ông Muốn" với thông điệp về hiệu quả của việc phòng tránh thai trong gia đình. Ảnh: Mỹ Hà |
Thông qua các tiết mục văn nghệ, diễn kịch, trình diễn thời trang...đã góp phần quan trọng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác Dân số - KHHGĐ. Đặc biệt, là việc thực hiện các biện pháp tránh thai nhằm thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số.
Chương trình truyền thông là dịp để đội ngũ cán bộ viên chức, cộng tác viên Dân số - Y tế ở các đơn vị có dịp giao lưu học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời là hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và người dân trong toàn tỉnh.
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ trao tặng phương tiện tránh thai cho các xã, thị trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà. |
Cách đây 13 năm, vào ngày 26/9/2007, với sự liên minh của các tổ chức phi chính phủ, Hiệp hội khoa học và Y khoa quốc tế đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới.
Kể từ đó đến nay, Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Khuyến khích mọi người dân chủ động hành vi mang thai vì lợi ích của chính mình và cộng đồng.