Giáo sư, hoa hậu cùng trò chuyện về việc đọc sách và làm việc thiện
Hôm 19.12, GS Ngô Bảo Châu và Hoa hậu Đặng Thu Thảo đã cùng trò chuyện với bạn yêu sách về cậu bé bị ung thư trong cuốn sách dịch của giáo sư vừa ra mắt.
Lý giải về việc tại sao mình có mặt tại sự kiện ra mắt cuốn sách dịch Oscar và bà áo hồng, đồng thời bán sách đóng góp cho quỹ Trò nghèo vùng cao, Hoa hậu Đặng Thu Thảo bộc bạch về hai sự tình cờ.
Sự tình cờ đầu tiên, trước đây khi đọc cuốn sách viết về 12 ngày cuối đời của cậu bé Oscar qua bản tiếng Anh. Thảo đã chép lại những câu nói hay của cuốn sách để thỉnh thoảng ngẫm nghĩ. Nội dung cuốn sách đã giúp Thảo thay đổi cách nhìn nhận các giá trị trong cuộc sống. “Hồi đó Thảo đã ước giá như cuốn sách được dịch ra tiếng Việt để nhiều bạn trẻ Việt Nam được tiếp cận với câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn này thì giờ đây, GS Ngô Bảo Châu và bạn Khiếu Anh đã dịch nó”, Hoa hậu Đặng Thu Thảo tâm sự.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo chia sẻ lý do "tình cờ" nào dẫn cô đến buổi giới thiệu sách do GS Ngô Bảo Châu dịch - Ảnh: Quý Hiên |
“Tôi nhớ mãi câu nói của bà áo hồng: Có những nỗi đau người ta phải chấp nhận, đó là nỗi đau thể xác. Nhưng có nỗi đau người ta có quyền lựa chọn, có đau hay không, đó là về tinh thần. Vì thế mà cuốn sách vô cùng ý nghĩa với Thảo”. (Hoa hậu Đặng Thu Thảo) |
Sự tình cờ thứ hai, Thảo cũng là người thích làm việc thiện và đã có nhiều đóng góp cho quỹ Trò nghèo vùng cao, do GS Ngô Bảo Châu là Chủ tịch danh dự. Mới đây nhất, quỹ Live to Love mà Thảo là người sáng lập đã ủng hộ quỹ Trò nghèo vùng cao 6 tỉ đồng để xây dựng trường học ở Lũng Luông, Thái Nguyên. Được giới thiệu đến bạn yêu sách cuốn sách mà một phần tiền thu được từ việc bán cuốn sách đó sẽ được dùng để giúp trò nghèo, là ước nguyện của Hoa hậu Đặng Thu Thảo.
Trong những chia sẻ sau đó, Hoa hậu Đặng Thu Thảo bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng cảm mến với nhân vật chính của cuốn sách, cậu bé Oscar, một bệnh nhân ung thư đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. “Cuộc đời của cậu bé Oscar khiến Thảo liên tưởng tới câu mà một danh nhân nào đó từng nói: Chúng ta rồi sẽ chết, nhưng không phải ai cũng thực sự sống. Trong cuốn sách này, Oscar dù chỉ được sống mười mấy ngày, nhưng cậu ấy đã thực sự sống. Từng ngày trôi qua với cậu ấy trong sự tưởng tượng rất tuyệt vời, rất phù hợp với đời sống thực tế của chúng ta theo từng độ tuổi. Chẳng hạn, ở tuổi 30, Oscar cho rằng mình là một người đàn ông có vợ, nhưng chưa muốn sinh con vì vợ chưa sẵn sàng… Vì cuốn sách có nhiều chi tiết hài hước mà Thảo đã vừa cười vừa khóc trong khi đọc. Thảo tin rằng nhiều bạn trẻ khi đọc sách xong sẽ cảm nhận giống Thảo, sẽ thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, về mối quan hệ với những người xung quanh, đặc biệt là mối quan hệ gia đình, với những người mình yêu thương, mình xem là quan trọng”, Thu Thảo chia sẻ.
GS Ngô Bảo Châu bày tỏ sự tâm đắc của mình về những thủ pháp đối lập mà tác giả sử dụng trong cuốn sách. Chẳng hạn như sự dũng cảm đối mặt với cái chết trong một cơ thể yếu đuối của cậu bé Oscar. Hoặc vai trò nhà hiền triết trong một người đàn bà làm việc thiện nguyện (bà áo hồng). Thấu hiểu lẽ đời sinh - tử, “nhà hiền triết” mặc áo hồng (màu áo mà những người làm thiện nguyện trong các bệnh viện ở Pháp thường mặc) đã dẫn dắt cuộc đời một cậu bé “về với Chúa” theo con đường bớt đau khổ nhất. “Tôi thấy xuyên suốt cuốn sách này là thái độ của con người trước cái chết. Khi ta đang khỏe mạnh ta không tưởng tượng được khi mình bệnh tật thì sẽ thế nào, cũng như khi mình đang sống thì không thể hiểu được về cái chết. Tuy vậy, việc thực sự hiểu, thực sự cảm nhận được bệnh tật, sự đau đớn, cái chết của người khác… là cái đích thực làm nên tính nhân văn của con người. Từ xưa đến nay, đó là vấn đề của tôn giáo và triết học. Nhưng tác giả cuốn sách đã tìm được cách nói về cái chết từ góc độ dễ tiếp cận, nhẹ nhàng và hài hước. Đó là lý do thôi thúc tôi dịch cuốn sách này, để giới thiệu với độc giả”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Theo Thanh niên