Mặc dù có 15 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.159,6km, nhưng trên thực tế, hệ thống giao thông đường thủy nội địa ở Nghệ An chủ yếu phục vụ cho hoạt động khai thác cát, sạn, cùng một số bến đò ngang nằm rải rác tại các huyện. Hành khách qua sông trên đò ngang thì chủ quan không mặc áo phao; bến đò chở khách thì chưa có giấy phép vẫn hoạt động; cát, sạn thì khai thác tràn lan gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy… điều này đang gây nên tình trạng lộn xộn trên hệ thống đường thủy nội địa.
Có mặt tại bến đò Cung trên sông Lam nối huyện Đô Lương và Thanh Chương, chúng tôi nhận thấy, bến đò này hàng ngày có rất đông lượt khách qua sông. Vì khoảng cách giữa cầu Dùng (thị trấn Thanh Chương) và cầu Đô Lương (thị trấn Đô Lương) là quá xa, tầm 20km nên rất nhiều người dân thuộc các xã Phong Thịnh, Thanh Hòa, Thanh Đức… của huyện Thanh Chương khi có nhu cầu đi sang phía tả ngạn sông Lam thường chọn qua đò ngang để tiết kiệm thời gian và quãng đường.
Hiện tại bến đò này do cả xã Trung Sơn (Đô Lương) và xã Cát Văn (Thanh Chương) cùng quản lý. Trong đó, bến đò bên phía xã Trung Sơn do 4 người phụ trách, bến đò bên phía Cát Văn do 3 người phụ trách. Các bến này tự hợp đồng với chính quyền địa phương, mỗi năm nộp khoán từ 60-80 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Long, trú tại xóm 3, xã Trung Sơn, người phục vụ đò ngang tại đây đã 35 năm cho biết: những người tham gia lái đò tại đây đều được cấp chứng chỉ hoạt động, cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, đăng kiểm phương tiện.
Theo quan sát của chúng tôi, đò ngang hoạt động ở đây đều được trang bị áo phao, thế nhưng khi qua lại thì không hành khách và người lái đò nào mặc vào. Khi được hỏi thì cả chủ phương tiện và hành khách đều cười và cho rằng đi một quãng ngắn và do trời nắng nóng nên không mang.
Chị Nguyễn Thị Nhung trú tại thị trấn Đô Lương cho biết, do có việc phải về quê ở xã Thanh Đức, nếu đi vòng lên cầu Đô Lương hay xuống cầu Dùng thì quãng đường sẽ rất xa, nên chị Nhung chọn cách đi thuyền để tiết kiệm được hơn 15km.
Tại Thanh Chương còn có bến đò Nguộc nằm dưới chân núi Nguộc, nối xã Thanh Ngọc với xã Thanh Chi, bến đò này nằm ở khoảng giữa cầu Dùng và cầu Rộ; bến đò Phuống nối xã Thanh Yên và Thanh Giang nằm giữa cầu Rộ và cầu Nam Đàn. Hiện tại, do khoảng cách giữa các cây cầu là quá lớn, dẫn đến việc người dân muốn qua sông thường chọn cách qua đò hơn là phải đi đường vòng. Theo quan sát, các bến đò này lượng người qua lại cũng khá tấp nập, tuy nhiên hạ tầng tại các bến đò rất bất cập. Đường xuống bến đò rất dốc, không được xây kè, che chắn thành từng bậc mà được dựng tạm bợ, thường xuyên bị xói mòn, trơn trượt. Chưa kể, đường xuống các bến đò thường rất dài, trong khi hệ thống đèn chiếu sáng, lan can cũng không có nên sẽ rất nguy hiểm cho người dân khi đi lại, nhất là vào lúc tối trời hay vào mùa mưa.
Còn nhớ, vào đêm 19/11/2020, tại bến đò Phuống, anh Trần Văn Khoa (SN 1963) trú tại thôn Giang Nam, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương trong lúc đang đi trực đò cùng vợ để chở khách qua sông Lam thì không may bị ngã xuống sông, mất tích.
Rời Thanh Chương, chúng tôi có mặt tại bến đò Vạn Rú, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhà chờ tại bến đò nhỏ hẹp, chỉ được dựng tạm bợ, không đủ che nắng mưa cho khách nếu có nhu cầu chờ tại bến đò, chưa có bậc lên xuống cho 2 bên. Qua tìm hiểu được biết, bến đò Vạn Rú hiện có 2 phương tiện, trung bình mỗi ngày đưa đón khoảng hơn 50-60 người qua lại trên sông Lam. Hành khách chủ yếu là người dân của 2 xã Khánh Sơn, Xuân Lâm. Quan sát chúng tôi thấy rằng chiếc đò này chưa đủ điều kiện an toàn kỹ thuật như xung quanh đò không có lan can bảo vệ, chỉ có 2 phao cứu sinh…
Trong khi đó, mặc dù trên thuyền có treo áo phao nhưng cả chủ đò lẫn khách đi đò đều không mặc. Nguy hiểm nhất là những thời điểm có tàu lớn chở cát cắt ngang qua, con đò chở khách chao đảo chòng chành, nguy cơ tai nạn đường thủy là rất lớn.
Một người dân địa phương rất chủ quan chia sẻ: Chúng tôi ở xã Xuân Lâm thường xuyên qua đò đi làm đồng, thấy khúc sông này chỉ chạy một tý là sang nên cũng không muốn mặc áo phao.
Ông Lê Văn Sĩ – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết thêm: Địa bàn huyện Nam Đàn có 3 bến đò hiện 2 bến đò Nam Thượng, Nam Trung đã dừng hoạt động, còn bến đò Vạn Rú, xã Khánh Sơn đang hoạt động. Huyện thường xuyên kiểm tra các bến đò và yêu cầu dừng hoạt động khi lũ lên để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Theo quy hoạch của tỉnh, tại bến đò Vạn Rú xã Khánh Sơn sẽ được xây dựng công trình cống ngăn mặn kết hợp cầu bắc qua sông Lam. Nếu cây cầu này được xây dựng huyện Nam Đàn sẽ xóa hết các bến đò ngang.
Khu vực đập Phà Lài, xã Môn Sơn là điểm du lịch đi thuyền trên sông Giăng của huyện Con Cuông. Vào mùa du lịch, khu vực này có hàng chục con thuyền neo đậu và chở khách du lịch đi lại trên sông Giăng để tham quan. Thế nhưng trên thực tế, hoạt động vận tải hành khách trên sông đều đang được thực hiện một cách tự phát mà chưa được phép của cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại khu vực đập Phà Lài, có 2 đơn vị hoạt động khai thác vận tải khách du lịch bằng đường thủy. Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VSC, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Phà Lài từ năm 2017 với quy mô 9,95ha bao gồm phần đất phía bờ tả và bờ hữu sông Giăng, hai bên khu vực đập Phà Lài. Đơn vị này cũng đã được UBND tỉnh cho thuê mặt nước khai thác, sử dụng 0,33ha. Hiện tại, Chủ đầu tư dự án đã xây dựng nhà chờ, đường lên xuống bến nhưng chưa làm hồ sơ thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật, công bố hoạt động bến thủy nội địa theo quy định.
Ngoài ra còn có Hợp tác xã Du lịch và Vận tải Phà Lài đang sử dụng 3 nhà bè nổi phía bờ trái trên lòng đập Phà Lài để khai thác dịch vụ ăn uống trên nhà bè và khai thác vận tải chở khách du lịch dọc sông Giăng với 16 phương tiện. Do đó, tại vị trí này hình thành hoạt động của bến thủy nội địa tự phát.
Ngày 30/6/2022, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã có Văn bản số 2089/SGTVT-KHKCHT, khẳng định rằng khu vực đập Phà Lài có 2 đơn vị hoạt động khai thác vận tải khách du lịch bằng đường thủy nhưng chưa được cấp có thẩm quyền công bố hoạt động bến thủy nội địa theo quy định, nhất là hoạt động vận tải khách bằng đường thủy của Hợp tác xã Du lịch và Vận tải Phà Lài tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cũng đề nghị UBND huyện Con Cuông tăng cường rà soát kiểm tra tình trạng của các phương tiện đường thủy phục vụ chở khách trên sông Giăng. Đối với các bè nổi hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực đập Phà Lài, xã Môn Sơn, không phải là phương tiện đường thủy nội địa theo quy định và là dạng kết cấu công trình tạm chưa được pháp luật quy định về thiết kế, kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng ký hoạt động.
Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 15 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.159,6km. Trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 217,1km; tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 45,5km. Sông, kênh tự nhiên do UBND cấp huyện, xã quản lý hành chính: gồm 08 tuyến, tổng chiều dài khoảng 897km. Các tuyến sông, kênh đổ ra biển qua 6 cửa lạch (Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò và Cửa Hội).
Do điều kiện phát triển còn hạn chế, việc xây dựng hệ thống cầu bắc qua các con sông lớn chưa được triển khai nhiều nên hiện tại, trên địa bàn Nghệ An, nhiều nơi người dân còn phải qua sông trên các chuyến đò ngang. Hiện có 8 bến khách ngang sông đang hoạt động gồm: Bến Vạn Rú (Nam Đàn); bến Phuống, bến Nguộc (Thanh Chương); bến Cung, bến Già (Thanh Chương và Đô Lương); bến Tào – Lĩnh (Anh Sơn); bến Cồn Phối, bến Thái Sơn (Tân Kỳ); đồng thời trên hồ thủy điện Hủa Na có 2 bến có giấy phép hoạt động là bến Thông Thụ và bến Đồng Văn, phục vụ nhân dân đi lại trên lòng hồ.