Giữa tháng 8, thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn lại chở vợ – cô giáo Nguyễn Thị Hải và con trai trên chiếc xe máy cũ đi trên cung đường quen thuộc từ xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) lên xã Đọoc Mạy (Kỳ Sơn). Họ gắn bó với hành trình này gần 20 năm, ngoại trừ tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7 là có nhiều thay đổi; còn lại, đường từ Mường Xén lên Huồi Tụ và nhất là con đường dài gần 50 km vào Đọoc Mạy dường như vẫn vất vả như vậy, gồ ghề, dốc thăm thẳm, mưa thì lầy lội và nắng thì bụi ngút trời. Đi, mà lòng đầy tâm trạng. Nếu như những năm trước, đó là cảm giác thương bố già, thương đứa con gái đầu đang phải gửi ở nhà em gái. Thì nay, lại là nỗi lo khi vợ con đang phải ở một mình nơi xa xôi cách trở, không biết khi nào mới lại được về thăm gia đình. Lên với vợ con 1 ngày, thầy giáo Toàn tranh thủ dọn lại căn phòng trọ rồi lại vội vã quay về để kịp ngày tựu trường…
20 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Hải và thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn lên huyện Kỳ Sơn dạy học và được biên chế về Trường Tiểu học và Trường Mầm non Đọoc Mạy – một trong những trường xa xôi và khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Sau khi lập gia đình, sinh con, vì điều kiện thời tiết ở vùng cao khắc nghiệt, vợ chồng anh chỉ sống cùng con gái đầu 2 năm. Sau đó, cháu được gửi về quê nhờ em gái chăm sóc. Cuộc sống xa con vất vả nên khi cháu đầu được 11 tuổi, gia đình mới quyết định sinh con thứ 2. Lần này, thương con, không muốn con phải xa mẹ, nên hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ gần trường để ở cùng con.
Cuộc sống cho đến lúc này vẫn là tạm bợ. Vì bố chồng tuổi đã cao, con gái cũng đã lớn, nên sau 3 năm đề đạt nguyện vọng, cuối tháng 11 năm ngoái thầy Toàn được chuyển về xuôi. Riêng vợ và con trai anh vẫn phải ở lại Đọoc Mạy. Khổ nỗi, dù đã chuyển về quê nhà Thanh Chương dạy học, nhưng thầy Toàn lại được phân về dạy ở Trường Tiểu học Thanh Xuân, cách nhà anh 40 km. Thế nên, anh lại phải ở tại trường, cuối tuần về thăm con gái. Vậy là, gia đình 4 người, phải chia thành 3 bếp, cuộc sống, đi lại hết sức vất vả. Từ ngày chồng về xuôi, cô giáo Nguyễn Thị Hải lại càng khó khăn hơn do thiếu người đỡ đần. Nhớ con gái, nhớ chồng, nhưng vì con thứ hai còn nhỏ, đường xá xa xôi, rừng thiêng, nước độc nên chỉ Tết và Hè cô mới có dịp về quê…
Ở hoàn cảnh khác phía bên kia mạn đường 48, để có thể hoàn thành nhiệm vụ công tác, từ hơn 3 năm trở lại đây, cô giáo Nguyễn Thị Hải (Trường Tiểu học Quang Phong 1 – huyện Quế Phong) cũng phải chấp nhận mỗi ngày đi đi, về về 60 km đường rừng từ trường ra thị trấn Quế Phong. Hoàn cảnh của chị khá đặc thù, bởi chồng công tác ở ngoài Bắc, một mình chị lên vùng cao cắm bản. Sinh con xong, vì không muốn xa con nên chị phải ở nhờ nhà người cậu ngoài thị trấn, còn mình thì vào vùng sâu, vùng xa dạy học.
Cảnh một mẹ, một con lại sống xa chồng, xa gia đình nên với chị Hải “không tính hết nỗi mệt nhọc”. Nay, chị vừa sinh con thứ 2, cháu còn nhỏ lại không có người trông nom nên năm học mới đã bắt đầu nhưng chị vẫn chưa hình dung được cuộc sống của ba mẹ con sẽ như thế nào: Tôi chỉ mong cuộc sống sớm ổn định, có nơi “an cư lạc nghiệp” chứ bồng bế nhau như thế này vừa vất vả cho mình mà cũng thiệt thòi cho con – cô giáo Hải xót xa chia sẻ.
Hầu hết tất cả các trường ở các huyện miền núi cao của Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…trường nào cũng có một dãy nhà công vụ dành cho giáo viên miền xuôi lên vùng cao dạy học. Thế nhưng, trong những căn phòng chật hẹp và còn đơn sơ đó, gần như phòng nào cũng “khuyết” bởi có người thì vợ xa chồng, người thì chồng xa vợ. Lại có những phòng, vì vợ chồng đều cắm bản mỗi người một nơi, họ phải chấp nhận sống xa nhau, con cái gửi cho ông bà dưới xuôi.
Đến các trường học ở miền Tây Nghệ An, cũng không hiếm khi chứng kiến cảnh các thầy giáo, cô giáo đem theo con lên ở cùng với bố mẹ. Cuộc sống tha hương, ước mơ lớn nhất của các thầy, cô đơn giản là bữa cơm có đủ gia đình, được đem con đến trường như bất cứ một ông bố, bà mẹ bình thường khác… Nhiều người cũng nuôi khát vọng được về xuôi với lý do duy nhất là gần con, gần gia đình bản quán.
Trong căn phòng lưu trữ hồ sơ cán bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn có một tập hồ sơ dày gần 2 gang tay. Trong đó là toàn bộ những lá đơn của các thầy, giáo cô giáo trên toàn huyện gửi về phòng giáo dục với một mục đích duy nhất đó là “xin chuyển ngoại huyện”. Quản lý tập hồ sơ này trong nhiều năm, thầy giáo Thái Đình Bảy – chuyên viên Phòng Giáo dục nói rằng “Hầu hết tên các giáo viên trong này tôi đều thuộc, đều nhớ. Có nhiều người năm nào cũng viết dù biết rằng được trở về xuôi là điều không dễ dàng”…
Lần tìm trong tập hồ sơ, mới thấy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Điểm chung duy nhất, đó là ai cũng “đau đáu” về gia đình. Cô giáo Nguyễn Thị Xoan (sinh năm 1976) đã có thời gian công tác tại huyện Kỳ Sơn 23 năm và từ năm 2005 cô đã từng đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi tỉnh, nhiều năm liên tục là Chiến sỹ thi đua cơ sở. Dù gắn bó với huyện vùng cao, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh yêu quý, nhưng chị Xoan vẫn mong muốn được về huyện Anh Sơn bởi “hai vợ chồng cùng công tác Kỳ Sơn, con trai đang gửi ông bà nội ăn học và ông bà nay đã già yếu không đảm bảo sức khỏe để nuôi dưỡng”.
Cô giáo Phan Thị Thương (Trường Mầm non Huồi Tụ – Kỳ Sơn) cũng bày tỏ nguyện vọng được về dạy ở huyện Quỳ Hợp gần nhà bởi “chồng đi làm ăn xa, bố mẹ già không có ai chăm sóc”. Quãng đường từ trường bây giờ về nhà quá xa, hơn 300 km, nên thời gian mỗi lần chị về dành được cho gia đình rất ít. Canh cánh nỗi lo gia đình, nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Hoàn cảnh của cô giáo Đặng Thị Nga (Trường Tiểu học Na Ngoi 1 – Kỳ Sơn) éo le hơn, bởi “chồng chị đi làm ăn xa, không có thời gian quan tâm đến con, chăm sóc đến con”. Bản thân chị cũng dạy học xa nhà nên hai đứa con “một đứa phải gửi ông bà nội, một đứa phải gửi ông bà ngoại” ở huyện Con Cuông.
Dường như đã thành thông lệ, cuộc họp nào với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng có ý kiến trăn trở về thực trạng giáo viên tìm cách chuyển về xuôi. Như năm vừa rồi, trong số hơn 200 đơn có nguyện vọng xin về, thì đã có gần 91 giáo viên chuyển được. Năm 2022, trước thềm năm học mới cũng đã có 6 giáo viên xin chuyển. Nếu làm một thống kê, khoảng 5 năm trở lại đây, số giáo viên của huyện xin chuyển lên đến hàng trăm người và đáng tiếc, khoảng 65 – 70% trong số này đều là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Nói về thực trạng, bà Vy Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn từng cho rằng, “Kỳ Sơn” dường như đã “trắng” giáo viên dạy giỏi. Thậm chí có năm, bậc tiểu học Kỳ Sơn chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh. Một trong hai giáo viên là giáo viên giỏi tỉnh và đã xin được chuyển về xuôi. Thế nhưng, vì thiếu giáo viên nên trường hợp này huyện đành phải “treo”, tạm thời không cho thuyên chuyển (!).
Thực trạng tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều huyện miền núi khác tại Nghệ An và ngày một nhiều hơn trong vài năm trở lại đây. Lý do chính hiện nay, khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì nhu cầu giáo viên tiếng Anh, giáo viên Tin học rất lớn (khi 2 môn này trở thành môn học bắt buộc). “Cung” không đủ “cầu”, nhiều huyện miền xuôi không đủ hồ sơ tuyển dụng, thừa chỉ tiêu, thì cơ hội lại mở rộng ra với những giáo viên cắm bản, có nhiều năm kinh nghiệm. Rồi để tuyển dụng giáo viên, nhiều địa phương cũng đã đưa ra tiêu chí phải đạt giáo viên giỏi tỉnh. Vậy nên, sau một thời gian bồi dưỡng, cử giáo viên đi thi và đạt danh hiệu, các huyện miền núi cao lại ngậm ngùi nhìn giáo viên về xuôi mà không biết giữ lại bằng cách nào…