Giáo viên Nghệ An đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng đột biến
Thông tư 29 yêu cầu việc dạy thêm, học thêm phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đây cũng là lý do, số người đến đăng ký kinh doanh loại hình này tăng vọt trong thời gian gần đây.
Dạy thêm phải đúng luật
7h sáng ngày 18/2, Trung tâm Giao dịch Một cửa của UBND thành phố Vinh đã có rất nhiều người đứng xếp hàng, đăng ký làm các thủ tục. Trong số này, có khá nhiều người là giáo viên ngoài công lập đến đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Cô giáo Bùi Thị Nguyệt - phường Hưng Lộc (thành phố Vinh cho biết): Tôi đã nghiên cứu kỹ Thông tư 29 và thấy việc phải đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm tại nhà là phù hợp. Điều này, giúp chúng tôi được tổ chức dạy học một cách công khai theo đúng quy định và phụ huynh cũng yên tâm khi gửi gắm con cho giáo viên.

Cô giáo Bùi Thị Nguyệt tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, chuyên ngành về Hội họa. Do hoàn cảnh riêng, nên từ khi ra trường đến nay chị không dạy cho các trường phổ thông mà tự dạy riêng ở nhà. Ngoài dạy học sinh về mỹ thuật, chị cũng phụ đạo thêm các lớp tiền tiểu học cho học sinh, chủ yếu theo hình thức dạy kèm. Do đối tượng học khá đặc thù nên từ khi Thông tư 29 ban hành, chị đã nghiên cứu rất kỹ để đăng ký kinh doanh theo đúng quy định: Khi quy định mới ra đời, tôi rất lo lắng vì cấm dạy thêm đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới, học sinh tiểu học vẫn được học các lớp kỹ năng nên tôi nghĩ rằng mình đủ điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm ở nhà - cô Nguyệt nói thêm.
Sáng nay, thầy giáo Hoàng Đăng Sơn - giáo viên dạy Toán trên địa bàn phường Quang Trung cũng đã trực tiếp đến Trung tâm Giao dịch Một cửa của thành phố để đăng ký kinh doanh: Tôi đã có thời gian đi dạy 5 năm ở trung tâm và hiện nay đang tổ chức dạy thêm cho học sinh tại nhà. Dù quy mô không lớn nhưng tôi vẫn đăng ký để đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định.

Với đặc thù môn Toán, là môn thi bắt buộc ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên từ sau Tết đến nay, việc phải tạm dừng dạy thêm khiến nhiều học sinh của thầy Sơn hết sức lo lắng. Để không bị “gián đoạn” việc học của học sinh, trước khi đăng ký kinh doanh, thầy Sơn đã tu sửa lại phòng học, chuẩn bị các điều kiện khác về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường... Thầy Sơn cũng cho biết, sau khi đăng ký kinh doanh, giáo viên phải có trách nhiệm về nộp thuế và các quy định khác. Tuy nhiên, điều này là phù hợp nhằm quản lý chặt hơn việc dạy thêm ở ngoài nhà trường.
Trên địa bàn thành phố Vinh có nhiều trung tâm dạy thêm và có nhiều giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường và mức thu, nguồn thu của các giáo viên khác nhau. Vì thế, việc quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường theo tôi là phù hợp và các giáo viên phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ, kể cả việc nộp thuế.
Thầy giáo Nguyễn Đăng Sơn
Nâng cao trách nhiệm của giáo viên
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm khá chặt chẽ với việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Theo đó, với giáo viên đang dạy ở các nhà trường sẽ không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Ngoài ra, với giáo viên thuộc các trường công lập cũng không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Quy định mới này cũng đã tác động khá lớn đến việc dạy thêm hiện nay của nhiều thầy giáo, cô giáo. Qua trực tiếp tìm hiểu tại Trung tâm Giao dịch Một cửa thành phố vào sáng 18/2, số giáo viên đến đăng ký kinh doanh tăng đột biến, trong đó chiếm phần lớn là các giáo viên ở các trường ngoài công lập. Số giáo viên đang dạy trong nhà trường (nếu có) cũng nhờ người nhà đi đăng ký để đảm bảo theo đúng quy định.

Một giáo viên đang dạy ở trường chuyên cho biết: Tôi đã đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, để đúng luật, giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ do người nhà đứng tên. Đối tượng học thêm của tôi cũng sẽ thay đổi và tôi chỉ dạy những học sinh mình không trực tiếp dạy ở lớp. Một số em là học sinh cũ tôi đang dạy ở trường, có hoàn cảnh khó khăn tôi sẽ dạy miễn phí cho các em.
Dù chưa có tổng hợp đầy đủ nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố Vinh đã có hàng trăm trường hợp giáo viên đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh. Hiện thành phố Vinh cũng chỉ nhận hồ sơ đăng ký vào 2 ngày thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần, nên có thời điểm việc đăng ký bị gián đoạn do hệ thống chung bị lỗi.
Chị Đặng Thị Lan Phương - Phòng Tài chính - Kế hoạch của UBND thành phố, trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa cho biết: Trước đây, mỗi một ngày chúng tôi nhận khoảng 70 hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ gia đình (với nhiều ngành nghề khác nhau). Tuy nhiên, những ngày này, số lượng hồ sơ đã tăng gấp đôi. Rất nhiều người đến đăng ký kinh doanh thời điểm này là các thầy giáo, cô giáo. Những giáo viên dạy tự do họ sẽ trực tiếp đăng ký kinh doanh. Còn lại, có thể là người nhà hoặc người khác đứng tên.

Theo đại diện của Phòng Tài chính - Kế hoạch, trước khi làm thủ tục tại Trung tâm Giao dịch Một cửa, người đăng ký kinh doanh sẽ làm đơn đăng ký hộ kinh doanh (phụ lục III-1, ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT - BKH ĐT ngày 18/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT - BKHĐT ngày 16/3/2021) và gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND thành phố Vinh.
Khi đến đăng ký, cá nhân chỉ cần đem theo đơn và căn cước công dân (đã kích hoạt thẻ căn cước công dân qua cổng dịch vụ công quốc gia). Ngành nghề kinh doanh theo quy định với dạy thêm, học thêm đó là “giáo dục khác chưa được phân vào đâu”, mã ngành 8559. Ngoài đăng ký trực tiếp, cá nhân cũng có thể đăng ký kinh doanh qua cổng dịch vụ công quốc gia.
+ Theo quy định, thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hình thức đăng ký kinh doanh hộ cá thể được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là Phòng Tài chính - Kế hoạch.
Theo đó, hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm gồm các loại giấy tờ sau: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; giấy tờ pháp lý cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh hoặc của thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ cần thêm bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh và bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh.
Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc trực tuyến, thời hạn giải quyết là 3 ngày làm việc.
+ Trường hợp giáo viên muốn mở trung tâm dạy thêm, thủ tục hồ sơ được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp.
Tùy vào loại hình trung tâm do một cá nhân làm chủ hay nhiều người cùng góp vốn, có vốn đầu tư nước ngoài hay không và loại hình doanh nghiệp là gì mà hồ sơ, thủ tục sẽ khác nhau.
Thủ tục mở trung tâm dạy thêm được thực hiện tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của trung tâm.
+ Giáo viên trường công lập chỉ được tham gia dạy thêm cho các trung tâm, hộ cá thể có giấy tờ kinh doanh dạy thêm hợp pháp.