Giáo dục

Giáo viên vùng cao Nghệ An tự nguyện dẫn trò nghèo đến trường học ban đêm

Đào Thọ 17/11/2024 10:36

Ngoài công việc dạy học chính được phân công theo thời khóa biểu, nhiều năm nay, hàng đêm giáo viên xã vùng biên giới Tà Cạ (Kỳ Sơn) đã tự nguyện đưa học sinh về trường để kèm cặp các em học bài. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Một tối tháng 11, bầu trời huyện biên giới Kỳ Sơn đổ mưa rả rích. Tranh thủ ăn vội bữa cơm chiều xong, cô giáo Vi Thị Thúy - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Cạ quàng chiếc áo mưa rồi lên đường. Với cô Thúy, đây là việc làm quen thuộc mỗi tuần từ 2 năm nay. Quãng đường gần 15 km từ xã Hữu Kiệm đến trường tuy không xa nhưng vắng vẻ, cô cố gắng chạy thật nhanh để đến sớm cho kịp thời gian trực học sinh học ban đêm. Vừa dựng xe xuống sân trường, cô Thúy vội vàng đến từng nhà học sinh để đưa các em đến lớp.

“Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em ở với người già, không tiện đi lại ban đêm nên chúng tôi phải đưa các em đến trường. Biết là vất vả nhưng không làm như thế các em sẽ không học được”, cô Thúy chia sẻ.

bna_2(1).jpg
Cô Vi Thị Thúy đến nhà đón học sinh đến trường học bài. Ảnh: Đào Thọ

Thầy Nguyễn Khắc Lĩnh - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2024 – 2025 nhà trường có 234 học sinh, trong đó, có 204 em thuộc hộ nghèo (chiếm 87,2%). Số lượng học sinh nghèo nhiều nhưng chỉ có 125 em thuộc diện bán trú được ăn, ở trong trường, số còn lại phải phụ thuộc gia đình. Do điều kiện khó khăn, phụ huynh các em đã phải gửi con cái lại cho người già để đi làm thuê tại các công ty tận miền Nam. Vì vậy, để các em có người kèm cặp ban đêm, các thầy cô đã tự nguyện phân công nhau đưa các em đến trường học tập.

bna_3-7aabb7beb3463d1c48c8751e13baecde.jpg
Giáo viên hướng dẫn học sinh học bài ban đêm. Ảnh: Đào Thọ

“Hầu hết giáo viên đều có nhà ở cách trường trên 10 km nên khi được phổ biến kế hoạch này nhiều người cũng rất e ngại, nhưng sau đó vì thương hoàn cảnh học sinh nên mọi người đều tự nguyện đến trường giúp các em. Sau các buổi học từ 19 - 21 giờ, các thầy cô ở lại luôn tại trường để sáng mai tiếp tục dạy học”, thầy giáo Nguyễn Khắc Lĩnh cho hay.

Là một giáo viên có tuổi đời cao (55 tuổi) của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Cạ, nhưng với cô giáo Lương Thị Hoa công việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng mà còn giáo dục ý thức tự học cho học sinh. Bởi vậy, dù nhà ở cách trường 16 km nhưng cô chưa bỏ sót buổi trực nào.

Cô giáo Hoa kể, lớp của cô có em Cụt Thị Lập nhà ở bản Nhãn Lỳ, bố mất cách đây 3 năm vì tai nạn, mẹ phải rời bản đi làm thuê ở tận Hải Phòng. Ở nhà Lập phụ thuộc vào 2 chị đang học lớp 8 và lớp 12. Những năm trước đây, nhiều lúc hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng Lập không theo học được, nhưng nhờ thầy, cô kèm cặp cho nên bây giờ em mới trở thành một trong những học sinh có lực học nhất, nhì lớp. Đây cũng là một trong số những học sinh vươn lên học tập tốt nhờ tình yêu thương của những thầy, cô giáo đang ngày đêm miệt mài gieo chữ như cô Hoa, cô Thúy.

bna _ 4
Giáo viên cần mẫn chỉ bảo từng học sinh. Ảnh: Đào Thọ

“Nhờ những ngày học trên lớp ban đêm, chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà của học sinh ngày càng được nâng lên. Các em học sinh cũng có ý thức tự học và làm bài tập hơn so với trước đây”, thầy Nguyễn Khắc Lĩnh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm.

bna_6-55129b020ffb3148d59c276609005a4f.jpg
Sau mỗi buổi học, các thầy, cô giáo lại đưa các em về nhà giao cho phụ huynh. Ảnh: Đào Thọ

Tiếng trống trường đêm báo hiệu kết thúc buổi học lúc 21h. Các thầy, cô giáo tự phân công nhau đưa những em nhà ở xa về tận nhà giao cho phụ huynh. Họ lại trở về bên ngọn đèn tiếp tục miệt mài với trang giáo án để ngày mai lên lớp. Vất vả là thế, nhưng nhìn đám học trò nhỏ háo hức đến trường học tập lòng các thầy, cô lại hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Mới nhất
x
Giáo viên vùng cao Nghệ An tự nguyện dẫn trò nghèo đến trường học ban đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO