Gieo “hạt giống đỏ” trên vùng biên viễn

Kết nạp đảng viên đảm bảo số lượng và chất lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng. Tại Đảng bộ xã Keng Đu (Kỳ Sơn) nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong tạo nguồn phát triển đảng, số lượng đảng viên đã tăng lên và trẻ hóa, làm nòng cốt ở các chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Keng Đu là một xã biên giới, nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 74 km, có 25 km đường biên giới với nước bạn Lào. Dân cư của xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 9/10 bản là đồng bào dân tộc Khơ mú. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán còn lạc hậu. Phụ nữ nơi đây, xưa nay chỉ biết quẩn quanh từ góc bếp, hay mang gùi lên nương rẫy. Thiếu nữ chưa qua độ tuổi trăng tròn đã sớm kết hôn, bận bịu với việc nuôi con, kiếm sống, hiếm khi tham gia vào các hoạt động xã hội.

Vì vậy, trong một thời gian dài, trong các chi bộ thôn, bản vắng bóng đảng viên nữ. Con số đảng viên nữ trong toàn đảng bộ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nguyên nhân là do đại đa số phụ nữ dân tộc thiểu số thường mang nặng tâm lý mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ khi đã lấy chồng bận rộn với công việc gia đình, ngại đường xa đi lại vất vả, nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu” – Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu Lô May Mằn bộc bạch.

Học sinh xã Keng Đu (Kỳ Sơn) tới trường.
Học sinh xã Keng Đu (Kỳ Sơn) tới trường.

Bằng nhiều giải pháp bồi dưỡng, vận động, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, các chi bộ, Đảng uỷ xã Keng Đu đã từng bước kết nạp được những đảng viên nữ. Đối với chị Pịt Thị Lợi (sinh năm 1992), việc trở thành đảng viên là một “bước ngoặt” lớn và dấu ấn trong cuộc đời. Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị Lợi được phân công giữ vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ bản Huồi Phuôn 2. Từ chỗ quanh năm lầm lũi lên nương làm rẫy, rồi quanh quẩn xó bếp, góc nhà, chăm lo cho chồng con, nay Pịt Thị Lợi đã tích cực, giúp đỡ các chị em đồng bào Khơ mú tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương, gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhiều chi bộ cũng đã chủ động quan tâm đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên nữ như Chi bộ bản Huồi Phuôn 1 có 5/32 đảng viên là nữ, Chi bộ Kéo Cơn có 4/22 đảng viên là nữ dân tộc Khơ mú… Đến nay Đảng bộ xã Keng Đu có 38 đảng viên nữ trên tổng số 235 đảng viên trong toàn đảng bộ.

Có thể thấy, sự đổi thay trong “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ Khơ mú không chỉ thể hiện bước đột phá trong công tác phát triển đảng viên nữ là người dân tộc thiểu số, mà còn là bước chuyển trong nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ vùng cao hiện nay.

Người dân Khơ mú (Kỳ Sơn) thu hoạch lúa nương. Ảnh tư liệu: PV
Người dân Khơ mú (Kỳ Sơn) thu hoạch lúa nương. Ảnh tư liệu: PV

Không chỉ quan tâm phát triển nhân tố đảng viên nữ, Đảng uỷ xã Keng Đu còn tích cực trong công tác đào tạo nguồn. Bản Huồi Phuôn 2 là một trong những tổ chức cơ sở đảng có số lượng đảng viên đông của xã Keng Đu, với 22 đảng viên trên tổng số 558 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khơ mú. Bí thư Chi bộ Moong Văn Đào chia sẻ: Nhằm nâng cao chất lượng đảng viên, chi bộ chú trọng tạo nguồn phát triển đảng. Từ đó, lựa chọn những đối tượng thật sự tiêu biểu để đào tạo, bồi dưỡng, tránh chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà xem nhẹ, buông lỏng chất lượng đảng viên. Chi bộ giao các đoàn thể thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, nhằm thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú để lựa chọn nhân tố bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Nguồn quần chúng ưu tú xem xét kết nạp đảng được bồi dưỡng, rèn luyện từ các tổ chức đoàn thể, đều là những người tiêu biểu, gương mẫu trong phát triển kinh tế, đi đầu trong mọi hoạt động, và phải được nhân dân tin tưởng, quý mến. Nhiều đảng viên đã trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như đảng viên Lương Phó Đoan sở hữu đàn gia súc lớn, Moong Phó Phơi chăn nuôi trâu bò tập trung và nhiều gia cầm. Bí thư Chi bộ bản Huồi Phuôn 2, Moong Văn Đào cho biết: “Với cách làm này, chi bộ đã thu hút được quần chúng trẻ tuổi. Bình quân mỗi năm, chi bộ kết nạp được từ 1 – 2 đảng viên mới. Năm 2018, Chi bộ bản Huồi Phuôn 2 phát triển thêm được 3 đảng viên mới, trẻ, thuộc độ tuổi 24 – 25”.

Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu Lô May Mằn cho biết: Nhờ đổi mới phương pháp, cách làm tuyên truyền, vận động và các giải pháp quyết liệt đến từng chi bộ. Bên cạnh đó, phân công các đồng chí đảng uỷ viên, trưởng các đoàn thể phối hợp với Bộ đội Biên phòng quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện giúp đỡ quần chúng ưu tú có lý tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Nhờ vậy, công tác phát triển đảng viên trong thời gian vừa qua ở Keng Đu luôn đạt những kết quả tích cực. Tín hiệu đáng mừng ở chỗ, tại một số chi bộ, nhiều quần chúng “xung phong” để được đi học lớp cảm tình Đảng, ví như tại bản Huồi Phuôn 1, Huồi Lê, Kéo Cơn…

Tuy nhiên, theo ông Lô May Mằn hiện nay công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trên địa bàn xã còn không ít khó khăn, trong khi yêu cầu công tác phát triển Đảng vẫn là chất lượng, đặt ra cho các chi bộ những thách thức, đặc biệt đối với những chi bộ vùng sâu, vùng xa. Như ở Khe Linh – một trong những bản xa xôi cách trung tâm xã 13km, sở hữu “hai không” – không điện, không sóng điện thoại, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân của tình trạng nghèo đói, ngoài hứng chịu khí hậu khắc nghiệt quanh năm, điều kiện ăn ở, sản xuất đi lại cũng rất khó khăn nên thông thương, trao đổi hàng hóa với vùng lân cận hạn chế. Những lý do trên đủ để giải thích vì sao đời sống người Khơ mú ở bản Khe Linh bao năm vẫn cứ “gắn chặt” với cái nghèo. Nhằm giúp đỡ Chi bộ Khe Linh gây dựng lại phong trào và làm tốt công tác phát triển Đảng, đảng ủy xã đã phân công 2 đảng viên cùng với 1 đảng viên bộ đội biên phòng về “cắm bản”.

Bộ đội biên phòng trao đổi với các đảng viên người Khơ mú về những mô hình phát triển kinh tế.
Bộ đội biên phòng trao đổi với các đảng viên người Khơ mú về những mô hình phát triển kinh tế.

Anh Võ Hoàng Tuấn, cán bộ của Đồn Biên phòng Keng Đu, người được cử về sinh hoạt cùng với chi bộ Khe Linh cho biết: Cái khó nhất để phát triển đảng viên là thiếu nguồn, do lực lượng chính là thanh niên hầu hết đã ly hương để tìm kiếm việc làm. Thêm vào đó, các hoạt động phong trào chưa thật sự sôi nổi, vì vậy khó phát hiện được nhân tố. Sau khi tìm được “nút thắt”, với trách nhiệm được phân công, các đảng viên được tăng cường về sinh hoạt cùng đã tham mưu cho chi ủy nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể phát động các phong trào thu hút hội viên. Bên cạnh đó, chi bộ còn phát động người dân hăng say lao động sản xuất, đưa các tiến bộ khoa học vào quá trình chăm sóc vật nuôi… Đến nay, người dân Khe Linh biết và áp dụng lịch gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tích cực phát triển kinh tế chăn nuôi, vườn ao chuồng, góp phần đưa đời sống trở nên tươi sáng hơn. Nhờ vậy, trong năm 2018, Chi bộ Khe Linh giới thiệu được 2 quần chúng tham gia học lớp cảm tình Đảng. Với cách đó, chi bộ vùng sâu, vùng xa Huồi Cáng, trong năm 2018 cũng đã bồi dưỡng được 2 quần chúng đi học lớp cảm tình Đảng, và hiện đang hoàn thiện hồ sơ để xét kết nạp Đảng.

Bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu (Kỳ Sơn).
Bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu (Kỳ Sơn).

Trong năm 2018, Đảng bộ xã Keng Đu đã kết nạp được 8 đảng viên mới, chuyển kết nạp chính thức cho 6 đảng viên. Đây chưa phải là số lượng lớn, nhưng với một xã đặc thù như Keng Đu thì đó là sự nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị. Những đảng viên mới sẽ là những “hạt nhân”, góp sức trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo nên sự khởi sắc về mọi mặt cho những bản nghèo vùng cao biên giới.