'Giờ làm giấy tờ đâu có sợ nữa!': Niềm vui của người dân vùng cao Nghệ An khi không còn phải 'xuống huyện'
Từ đầu tháng 7/2025, cùng với các địa phương trên cả nước, các xã miền núi Nghệ An đồng loạt vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Dù vẫn còn một số khó khăn trong những ngày đầu triển khai, song theo ghi nhận tại các xã vùng cao, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều phấn khởi khi được giải quyết các thủ tục hành chính ngay tại xã, không còn phải đi xa, chờ lâu như trước.
Làm giấy tờ không còn là nỗi lo
Ngày 3/7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Châu Tiến, tỉnh Nghệ An, không khí làm việc đã nhộn nhịp, rôm rả từ sáng sớm. Người dân đến từ khắp các bản, làng để làm các thủ tục hành chính từ khai sinh, xác nhận đất đai, đăng ký kinh doanh đến chứng thực hồ sơ đi xuất khẩu lao động... Ai nấy đều háo hức, bởi nhiều người lần đầu tiên được tiếp cận một bộ máy hành chính gần gũi, thuận tiện đến thế.

Anh Sầm Văn Phần, đồng bào Thái, trú tại xã Châu Tiến, tranh thủ ngày nghỉ phép ở công ty tại Hà Tĩnh về quê làm giấy khai sinh cho con. “Tôi đến từ 10 giờ sáng, cũng khá muộn nên tưởng sẽ phải chờ lâu như mọi khi. Ai ngờ chỉ khoảng vài chục phút là làm xong. Mọi giấy tờ đều được cán bộ kiểm tra, hướng dẫn kỹ càng. Cái gì chưa đúng, chưa đủ là các anh chị hướng dẫn sửa giúp luôn. Mừng lắm”, anh Phần chia sẻ.

Chị Lương Thị Lê Na cũng ở xã Châu Tiến, đi làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân để hoàn thiện hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Sau khi hoàn tất giấy tờ trong chưa đầy một giờ, chị phấn khởi nói: “Trước khi đi tôi lo lắm, vì ít đi làm các thủ tục, giấy tờ, sợ bị sai rồi phải đi lại nhiều lần. Ai ngờ lên đây các cán bộ vừa chỉ tận tình, lại vừa làm nhanh, bà con không còn cảm giác e ngại như trước”. Được biết, nhà chị Na ở xã Châu Bính cũ, cách trụ sở xã Châu Tiến khoảng 10 km, dẫu vậy, hồ sơ được xử lý nhanh nên chị vẫn kịp trở về nhà ngay trong buổi.
Xã Châu Tiến được sáp nhập từ 4 xã cũ là Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Bính và Châu Thuận. Với hơn 18.000 dân, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái, nhu cầu tiếp cận dịch vụ hành chính công là rất lớn.

Ông Nguyễn Tiến Hùng – Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: “Ngay từ thời điểm sáp nhập, chúng tôi đã xác định mô hình mới sẽ kéo theo khối lượng công việc gia tăng, nhưng các cán bộ không nề hà. Việc lựa chọn đặt trụ sở trung tâm tại xã Châu Tiến là vị trí thuận tiện nhất, nằm trong bán kính từ 8 – 10km đối với các xã cũ, người dân tiện khi đến làm các thủ tục. Trước khi vận hành chính quyền 2 cấp, địa phương đã phối hợp với VNPT Quỳ Châu nâng cấp đường truyền internet và bố trí cán bộ chuyên trách phù hợp để tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho người dân”.
Được biết, trong 3 ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp, trung tâm xã đã tiếp hàng chục người dân đến làm thủ tục mỗi ngày. Không ít người, nhất là người lớn tuổi, lần đầu tiên tự mình hoàn tất hồ sơ hành chính mà không cần phải nhờ con cháu đi kèm.

Xã Tri Lễ là địa phương vùng biên của tỉnh Nghệ An, những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền hai cấp diễn ra trong không khí sôi nổi, nhộn nhịp. Theo ghi nhận, Trung tâm phục vụ hành chính công xã được đầu tư khá đồng bộ, trang bị đầy đủ máy tính, máy in, máy scan, hệ thống lấy số tự động và các bảng hướng dẫn chi tiết, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục.
Sau khi được sáp nhập từ hai xã cũ là Tri Lễ và Nậm Nhoóng, xã Tri Lễ hiện có hơn 14.000 nhân khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Khơ Mú, những nhóm dân cư vốn gặp một số trở ngại trong tiếp cận dịch vụ công trước đây, tuy nhiên, bà con hiện cũng đã tự tin trong việc làm các hồ sơ, thủ tục hành chính.

Ngày 3/7, bà Lương Thị Huyền (sinh năm 1969), trú tại bản Na Lạnh, đưa cháu nội lên trụ sở UBND xã để hoàn thiện, chứng thực các giấy tờ để sắp tới nộp hồ sơ xin việc tại một công ty. Sau khi được cán bộ xã hướng dẫn tận tình, bà phấn khởi kể: “Tôi không rành chữ nghĩa, lên đây, mấy cô chú chỉ từng tý một, giúp viết đơn, kiểm tra giấy tờ, chưa đầy 1 tiếng đã xong hết. Giờ làm giấy tờ đâu có sợ nữa!”

Anh Và Bá Mài, người dân bản Mường Lống, chạy xe máy gần 26km xuống trụ sở UBND xã để chứng thực giấy tờ cũng hồ hởi chia sẻ. “Đi đường xa nhưng làm giấy tờ bây giờ sướng lắm. Hồi trước phải xuống huyện, đi từ sáng đến tối, chen chúc xếp hàng. Giờ lên xã là làm được ngay, cán bộ họ tiếp niềm nở, hỏi gì cũng trả lời rõ ràng”.
Khắc phục rào cản ngôn ngữ

Ông Nguyễn Tiến Hùng – Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết thêm: “Một đặc thù ở vùng cao là thói quen sinh hoạt, sản xuất của bà con. Buổi sáng sớm, từ 6 đến 10 giờ, bà con thường đi làm nương, đến 10 giờ mới đổ về xã làm thủ tục. Có khi buổi sáng thưa thớt người, buổi trưa lại ùn ứ khiến khối lượng công việc ngoài giờ hành chính tăng lên. Mặc dù vậy, xã vẫn cắt cử cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân ngoài giờ, để bà con không trở về tay không”.
Ở xã Tri Lễ, để khắc phục rào cản ngôn ngữ sau khi sáp nhập xã, địa phương đã thành lập tổ phản ứng nhanh gồm 12 thành viên, trong đó có những cán bộ bản địa hiểu tiếng Mông, Thái, Khơ Mú, dễ dàng trao đổi, nắm bắt nhu cầu của người dân khi đến làm các thủ tục.

Ông Lữ Thành Long – Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm hành chính công xã Tri lễ cho hay: “Do trình độ của đồng bào vùng cao còn nhiều hạn chế nên cũng xảy ra một số khó khăn trong những ngày đầu triển khai chính quyền hai cấp. Bà con khi lên xã mà không mang căn cước công dân, có người không mang theo điện thoại hoặc chưa định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Một số người viết đơn sai mẫu hay nộp thủ tục ngoài giờ... Nhưng những cán bộ ở địa phương luôn trực để giúp đỡ tận tình, không nề hà”.

Có thể thấy, việc đưa chính quyền hai cấp vào vận hành trên cả nước nói chung và tại các xã miền núi Nghệ An nói riêng bước đầu đã đem lại hiệu quả. Hồ sơ được tiếp nhận và xử lý tại chỗ, người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, và đặc biệt là không còn cảm giác “ngại” khi tiếp cận thủ tục hành chính. Dẫu còn những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, nhân lực, hạ tầng công nghệ hay thói quen sinh hoạt, nhưng với sự chủ động, linh hoạt từ chính quyền và sự phối hợp tích cực của người dân, mô hình này đang tạo nên những thay đổi thực chất, khởi đầu cho một giai đoạn hành chính công gần dân, vì dân hơn tại vùng cao xứ Nghệ.