Nhiều người cho rằng, ngày giỗ tổ mồng 10 tháng 3 có từ cả ngàn năm về trước. Tuy nhiên, ngày này chỉ mới có tuổi đời hơn trăm tuổi mà thôi. Hơn nữa, việc này cũng không phải do nhân dân ta hay một cộng đồng nào đó đặt ra, mà do một nho sĩ đề xướng. Quê quán của ông cũng chẳng phải ở vùng đất tổ Hùng Vương, mà ở một vùng quê chỉ mới sáp nhập vào bản đồ nước Việt mới hơn vài trăm tuổi.
Việc này được ghi lại rất rõ ràng trong tấm bia đá đặt tại đền Hùng, có tên là “Hùng Vương từ khảo” (Khảo về đền thờ Hùng Vương) được tạo lập vào năm Bảo Đại thứ 15 (năm 1940). Văn bia có hai mặt, một bên là chữ Hán (Hùng Vương từ khảo), mặt sau là chữ Pháp (Historique du temple de HUNG VUONG). Tuy nhiên vào khoảng thời gian sau đó tấm bia này đã bị mất. Văn bia “Hùng Vương từ khảo” tại đền Hùng hiện nay là văn bia khắc lại theo đúng thác bản của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Trước hết, để tiện theo dõi, chúng tôi xin được dịch toàn bộ văn bia này như sau:
“Đền Hùng Vương: Là nơi phụng thờ các vị vua thời Hồng Bàng xa xưa nhất của nước Việt ta vậy. Hùng Vương thứ nhất (năm 2879 TCN) đóng đô ở Phong Châu (nay là Bạch Hạc), quốc hiệu là Văn Lang, truyền 18 đời, đều xưng là Hùng Vương, trải qua 2622 năm. Sau này, Thục An Dương vương chiếm cứ đất ấy (năm 258), còn việc thờ các vua đời trước thì xây dựng miếu thờ ở Nghĩa Lĩnh (tức núi Hùng), cấp ruộng phục vụ việc thờ cúng ở thôn Cổ Tích xã Hy Cương, chính là vùng đất cũ nơi Hùng Vương thứ 18 băng hà vậy. Giờ còn có lăng ở bên cạnh miếu. Đời sau chính là dân thôn Triệu Phú xây dựng riêng miếu ở lưng núi để thờ phụng các vua (nay là Đền Trung), xã Vi Cương lại dựng riêng miếu dưới chân núi để thờ (Đền Hạ). Trải qua các triều đại được liệt vào điển lễ thờ phụng.
Triều vua Tự Đức năm thứ 27 (năm 1874), Tam Tuyên Tổng đốc Nguyễn Bá Nghi vâng sắc chỉ trùng tu đền Thượng; Duy Tân năm thứ 6 (1912), Diên Mậu quận công Hoàng Cao Khải đã Tư xin chính phủ 2000 quan tiền để trùng tu; quan Tuần phủ Phú Thọ là Chế Quang Ân lại vâng mệnh đi khuyến khích quyên tiền để trùng tu nội tẩm cùng ngoại điện như hiện trạng ngày nay; Khải Định năm thứ 7 (1922), tu sửa thêm lăng trên núi.
Xưa kia, triều đình lấy mùa thu làm mốc cúng tế. Khải Định năm thứ 2 (1917), quan Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã Tư xin bộ Lễ cho ấn định lấy mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày quốc tế (cả nước thờ cúng), tức trước ngày giỗ Hùng Vương 1 ngày vậy. Ngày giỗ (11 tháng 3) thì do dân địa phương cúng tế.
Lưng núi có ngôi chùa cổ, tên là chùa Thiên Quang. Năm Tự Đức thứ 3 (Dương lịch 1850) quan Thượng thư bộ Hình là Nguyễn Đăng Giai thấy chùa cũ nên cho xây dựng lại. Năm Khải Định thứ 9 (Dương lịch 1924) quan Tuần phủ Lê Vân Đỉnh lại bổ sung thêm. Chân núi phía Nam có miếu, tên là miếu Giếng thờ 2 vị công chúa, một vị là công chúa Tiên Dung là con vua Hùng thứ 3 (gả cho Chử Đồng Tử), một vị là công chúa Ngọc Hoa là con vua Hùng thứ 18 (gả cho Cao Sơn). Năm Khải Định thứ 7 (dương lịch 1922) trùng tu, năm Bảo Đại thứ 10 (dương lịch 1935) lại mở rộng thêm.
Mùng 10 tháng 3 năm Canh Thìn, niên hiệu Bảo Đại triều Nguyễn năm thứ 15 (1940), Quan Tham tri lãnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn vâng mệnh ghi lại.
Không một ai tự tưởng tượng để sáng tác một câu chuyện khắc vào bia đá, mà nó được viết ra và khắc nên, nhân sự kiện và nhân vật có thật. Chính vì vậy, tấm văn bia “Hùng Vương từ khảo” là văn bản có giá trị cao, niên đại rõ ràng, thông tin xác tín. Qua bài văn bia này, chúng ta có thể khẳng định rằng việc chọn ngày 10-3 hàng năm được bắt nguồn từ năm Khải Định thứ 2 – tức năm 1917, cách thời điểm hiện nay đúng 106 năm. Và việc này do quan Tuần phủ (chủ tịch tỉnh) Phú Thọ là nho sĩ Lê Trung Ngọc đã Tư cho bộ Lễ (bộ Văn hóa) để xin ấn định, chứ không phải là “nhân dân ta từ bao đời nay”. Từ đây, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 hàng năm đã trở thành ngày Quốc lễ chính thức của Việt Nam và ngày Giỗ Tổ của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Có nhiều ý kiến cho rằng triều đại Hùng Vương không có thật, mà chỉ là sự sáng tạo của các nho sĩ/sử quan thời Lê khi biên soạn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”. Điều này không đúng, bởi nếu có, thì Toàn thư vẫn phải chép theo các bộ sử trước đó như Đại Việt sử ký hay Việt sử lược, chứ không thể nào tự bịa 1 triều đại với tổng số thời gian dài cả mấy ngàn năm như vậy được.
Hơn nữa, trước khi các nho sĩ thời Lê viết Đại Việt sử ký toàn thư, đã có nhiều nho sĩ thời Trần nhắc tới “Hùng Vương” và nhà nước “Văn Lang”. Như:
Bài văn bia “Cổ tích thần từ bi ký” (văn bia ghi cổ tích đền thờ thần) của nho sĩ Trương Hán Siêu soạn vào ngày 20 tháng 11 mùa Đông năm Nhâm Tý niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312) có câu:
Nhớ tới chuyện xưa, đền thờ Thiên Thần vương, từ đời HÙNG VƯƠNG thứ sáu, do Lạc tướng ở bộ Chu Diên phụng mệnh xây dựng đài Kính Thiên theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Sách “Lĩnh Nam chích quái”(Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) xuất hiện vào cuối thời Trần, gồm 22 truyện, trong truyện “Họ Hồng Bàng” có ghi: Âu Cơ đem 50 người con trai ở đất Phong Châu, chọn người hùng trưởng, tôn lập làm chủ, gọi là HÙNG VƯƠNG, quốc hiệu là Văn Lang.
Từ buổi đầu của nền độc lập tự chủ, đất nước chúng ta đã có tác phẩm sử học. Thời Lý có bộ Sử ký của tác giả Đỗ Thiện được biên soạn vào khoảng thời Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, nhưng hiện nay đã bị thất lạc. Qua đó cho thấy ngay vào thời Lý đã có sách lịch sử. Sang thời Trần, có sách “Lĩnh Nam chích quái”, gồm 22 truyện, trong đó có rất nhiều truyện nói về những nhân vật và sự kiện của thời đại Hùng Vương như:
– Truyện Tinh cây: Truyền thuyết Kinh Dương Vương diệt tinh cây ở Phong Châu.
– Truyện Tinh cá: Truyền thuyết Lạc Long Quân diệt tinh Cá ở Biển Đông.
– Truyện Tinh chồn: Truyền thuyết Lạc Long Quân diệt chồn tinh ở “đầm Xác Chồn” (tức Hồ Tây ngày nay).
– Truyện Trầu cau: Sự tích trầu cau và tục dùng cau trầu trong việc cưới hỏi. (Thời Hùng Vương thứ 3).
– Truyện Giếng Việt: Sự tích vào thời Hùng Vương thứ 3.
– Truyện Đổng Thiên Vương: Truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân. (Thời Hùng Vương thứ 6).
– Truyện Bánh chưng: Truyền thuyết bánh chưng, bánh dày. (Thời Hùng Vương thứ 6).
– Truyện Dưa hấu: Sự tích Dưa hấu truyền vào nước ta. (Thời Hùng Vương thứ 17).
– Truyện Thần núi Tản Viên: Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh tranh giành nhau lấy con gái vua Hùng là Mỵ Nương. (Thời Hùng Vương thứ 18).
– Truyện Đầm một đêm: Truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng. (Thời Hùng Vương thứ 18)
– Truyện Chim trĩ trắng: Vua Hùng sai bề tôi tự xưng là người Việt Thường, đem dâng nhà Chu chim Trĩ trắng.
– Truyện Lý Ông Trọng: Nhân vật cuối đời Hùng Vương, sau làm tướng đánh Hung Nô cho nhà Tần.
Trong số 22 truyện, đặc biệt nhất có truyện Họ Hồng Bàng đã có ghi chép về việc Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi sinh ra Kinh Dương Vương, Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm người con. Phần ghi về Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang, như sau: “Âu Cơ đem 50 người con trai ở đất Phong Châu, chọn người hùng trưởng, tôn lập làm chủ, gọi là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang”.
Bên cạnh đó còn có sách Việt điện u linh của danh sĩ Lý Tế Xuyên, ra đời vào khoảng năm 1329, trong truyện “Tản Viên Hựu thánh Khuông quốc Hiển linh ứng Đại vương” có đoạn chép: “Hùng Vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Thục Vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Đại thần là Lạc hầu cản rằng: Ông ấy muốn dòm ngó nước ta đó”.
Đặc biệt còn có sách “Việt sử lược” (chưa rõ tác giả) ra đời vào khoảng năm 1377. Đây là cuốn sử biên niên thuộc hàng sớm nhất của Việt Nam còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Trong đó có ghi chép về thời Hùng Vương như sau: …“Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công nguyên – ND) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương. Việt Câu Tiễn (505-465 trước Công nguyên – ND) thường sai xứ sang dụ, Hùng Vương chống cự lại. Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay…”
Như vậy, ngay thời Trần, ít nhất đã có 3 tác phẩm sử học ghi chép về thời Hùng Vương.
Nước ta thời các vua Hùng chưa có tục đặt họ nên từ vua đến dân chưa ai mang họ cả. Việc đặt họ là do sự Hán hóa khi nước ta bị Bắc thuộc lần thứ 2 trở đi (từ năm 43 đến năm 543). Nhiều quan lại và người dân từ Trung Quốc qua sinh sống và làm việc tại nước ta, nên lâu dần người Việt cũng bắt chước cách đặt họ như người Hán để phân biệt dòng giống và thế thứ. Tuy nhiên, việc đặt họ này chỉ là mô phỏng theo tên dòng họ y như của người Hán, mà chưa hẳn nòi giống đó có gốc gác từ người Hán.
Khi Mã Viện đánh chiếm nước ta, thì thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán có tên là “Hai Bà Trưng” hay cụ thể hơn là “Trưng Trắc” & “Trưng Nhị” cho chúng ta thấy rằng thời Hai Bà Trưng, người Việt đa số vẫn chưa có tục đặt họ.
Nhưng đến khởi nghĩa Bà Triệu, thì khả năng thời điểm bấy giờ người Việt phần nhiều đã có tục đặt họ, như các nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ Triệu Thị Trinh và anh trai là Triệu Quốc Đạt. Kể từ thời điểm này trở đi, tất cả những nhân vật được ghi chép trong chính sử đều có tên họ rõ ràng.
Hiện nay có nhiều người cho rằng sẽ không đúng khi tôn xưng Hùng Vương là “Quốc tổ”, bởi Hùng Vương chỉ là tổ của dân tộc Kinh (Việt), trong khi Việt Nam hiện nay có rất nhiều dân tộc; Hùng Vương không phải là ông tổ của người Mông, người Thái,…
Điều này không đúng, bởi “Quốc tổ” ở đây không có nghĩa là ông tổ của 1 nước hay ông tổ của cả nước. Quốc nghĩa là nước, nhưng tổ ngoài nghĩa là tổ tông, tổ tiên, còn có nghĩa là người sáng lập, người khởi dựng. Như vậy, “Quốc tổ” ở đây không mang nghĩa tổ tông huyết thống, mà chỉ mang nghĩa về khai sáng nhà nước. Chính sử có ghi chép rất rõ ràng Hùng Vương “DỰNG NƯỚC gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu”.
Cha của Hùng Vương (thứ nhất) là Lạc Long Quân, nhưng lại không phải là “Quốc tổ” bởi ông không sáng lập triều đại – nhà nước Văn Lang. Hay như “Phật tổ” có nghĩa là người sáng lập Phật giáo, chứ không phải tổ tiên của tất cả phật tử. Điều này dễ hiểu khi chúng ta thấy các vị vua sáng lập nên 1 triều đại cũng thường có miếu hiệu là “tổ”, như Lý Thái Tổ triều Lý, Lê Thái Tổ triều Lê…
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng vào ngày 18-9-1954 cũng đã chia sẻ rằng: “Các Vua Hùng đã có công DỰNG NƯỚC, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác Hồ nói rõ vua Hùng có công xây dựng nhà nước đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam.
Cuối cùng, có ý kiến cho rằng: “Đã gọi “Quốc tổ” thì lý ra chỉ nên chọn ra một người để thờ, có đâu thờ nguyên chùm một tập hợp gồm cả 18, 19 vị?”. Điều này cũng không chính xác, bởi trong bất kỳ một gia đình hiện nay đều phụng thờ từ tằng tổ trở xuống. Còn Cao tổ thì sẽ được đưa bài vị vào nhà thờ để thờ chung với tiên tổ, gọi là “hợp kị”. Như vậy, từ trên 4 đời trong khoảng hơn 100 năm người ta đã làm lễ hợp kị, thì lẽ nào triều đại Hùng Vương cách chúng ta hơn 2000 năm lại không… hợp kị ?!