P.V: Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, trong đó có địa bàn miền núi với số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số. Bà có thể cho biết một số nét đặc sắc và nổi bật của văn hóa các dân tộc ở Nghệ An?
Bà Quách Thị Cường: Nghệ An có 6 dân tộc chính, trong đó, có 5 dân tộc thiểu số gồm Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu sinh sống ở 11 huyện, thị miền núi với số lượng khoảng 491.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Hòa cùng dòng chảy đa dạng nhưng thống nhất của văn hóa Việt, cộng đồng các dân tộc tỉnh Nghệ An đã khẳng định được bề dày lịch sử cách mạng, nền văn hóa truyền thống đậm bản sắc, phong phú và đa dạng.
Hiện nay, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa dân tộc, giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được đề cao và nâng lên rõ rệt. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của cộng đồng làng, bản có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động tiếp thu những cái tốt, cái mới trong lao động, sản xuất, ứng dụng khoa học vào đời sống, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động phúc lợi xã hội, tương thân, tương ái, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh.
Một trong những nét đặc sắc và nổi bật của văn hóa các dân tộc ở Nghệ An chính là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú, liên tục được các tầng lớp, các thế hệ quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Nhờ vậy, các giá trị như dân ca, dân nhạc, dân vũ ở các vùng quê xứ Nghệ được bảo tồn và mang âm hưởng riêng biệt, độc đáo, hấp dẫn. Như Dân ca ví, giặm ở miền xuôi, dân ca các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An ghi đậm dấu ấn và làm rung động lòng người. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã phát huy ý thức tự tôn dân tộc nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống như kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, trang phục, ẩm thực, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, hệ thống tri thức dân gian vẫn được bà con gìn giữ, ứng dụng trong đời sống sinh hoạt.
Nét đặc sắc nữa đó là văn hóa lễ hội. Hiện nay, Nghệ An có hàng trăm lễ hội gắn liền với di tích và được phân bổ khá đều ở khắp các vùng, địa phương, dân tộc, trong đó, có nhiều lễ hội tiêu biểu được duy trì và tổ chức hoạt động thường xuyên, có xu hướng phát triển mở rộng để thu hút sự giao lưu văn hóa. Lễ hội ở Nghệ An từ miền xuôi đến miền núi đã tạo nên môi trường văn hóa cộng đồng mang tính xã hội hóa cao, tính tự thân của chủ thể văn hóa đã và đang được phát huy. Thông qua lễ hội, quần chúng nhân dân được giao lưu, tìm hiểu về cội nguồn, tham gia các trò chơi văn hóa dân gian và được sáng tạo trong các hoạt động.
Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các mô hình chuyên môn cơ sở như đội văn nghệ thông tin, đài truyền thanh, câu lạc bộ chuyên đề, tủ sách pháp luật… đã có tác động tích cực, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, sáng tạo văn hóa của nhân dân, trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Văn hóa các dân tộc tỉnh Nghệ An đã và đang hội nhập vào dòng chảy văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, mặt khác, luôn có ý thức trong bảo tồn và phát huy truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan, vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
P.V: Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc quảng bá, hội nhập với tinh hoa văn hóa nhân loại. Và từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Xin bà cho biết rõ hơn về ý nghĩa của điều này cũng như các hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” hằng năm của tỉnh Nghệ An?
Bà Quách Thị Cường: Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg về tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4). Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam, đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó đến nay, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” là sự kiện thường niên có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng, miền.
Ở tỉnh ta, các hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” được ngành Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng các địa phương tổ chức với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Từ năm 2008 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã luân phiên phối hợp với UBND các huyện, thị miền núi tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” với nhiều quy mô khác nhau, kết hợp tổ chức với Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các đợt Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số.
Ở các địa phương, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thường xuyên, nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Giao lưu văn hóa, nghệ thuật; Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số; trình diễn trang phục dân tộc; triển lãm văn hóa các dân tộc; Hội thi Người đẹp dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc… nhận được sự tham gia của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào các dân tộc. Các hoạt động này tạo không khí phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Ngoài ra, thông qua các hoạt động, còn là dịp để quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch của miền Tây Nghệ An – điểm đến hấp dẫn và thân thiện.
P.V: Như vậy, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4) hằng năm đã trở thành nề nếp, gắn kết vào trong tâm thức của đồng bào, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Vậy, thời gian qua, ngoài các hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, ngành Văn hóa và Thể thao đã triển khai những hoạt động nào nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc?
Bà Quách Thị Cường: Thời gian qua, hoạt động giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống… tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các mô hình văn hóa, thông tin, mô hình bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn.
Tại các huyện miền núi đã thành lập được nhiều loại hình CLB về văn học, nghệ thuật, văn hóa dân gian, hàng trăm đội văn nghệ thông tin hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo hội viên, nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tham gia sinh hoạt. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống đã nghiên cứu và xây dựng được nhiều vở diễn, tiết mục về dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc, khẳng định và gặt hái được nhiều giải thưởng cao tại các Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp cấp Quốc gia.
Đặc biệt, mô hình dạy học tiếng và chữ viết dân tộc Thái, Mông được một số huyện triển khai có hiệu quả, hàng năm thu hút hàng trăm học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia, tiêu biểu ở các huyện như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Ngoài ra, các nhạc cụ truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống tinh thần của đồng bào; nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống đã trở lại trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số; trang phục sinh hoạt truyền thống của dân tộc đã được lớp trẻ đón nhận và tự hào đối với dân tộc mình.
Ngoài việc tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An còn thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động với nhiều hình thức, nội dung phong phú để ngăn chặn, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, hầu như không còn các hủ tục lạc hậu như tục người chết để lâu ngày, nạn tảo hôn, mê tín, dị đoan, tục trộm vợ bị biến tướng… Các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm độc hại như ma túy, cờ bạc, mại dâm, bạo hành gia đình… cũng được kìm giữ.
P.V: Để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, theo bà thời gian tới cần có những giải pháp gì?
Bà Quách Thị Cường: Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, chúng ta cần tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng danh hiệu Làng Văn hóa và Gia đình Văn hóa.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống, thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng, trên cơ sở đó, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác, xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, trong đó, chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống” tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, tăng cường xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Phát động việc sáng tác các bài hát, điệu múa cho đồng bào sử dụng trong các buổi lễ, ngày hội, mừng được mùa nhằm từng bước thay thế những phong tục, tập quán lạc hậu.
Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các hoạt động lớn như Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc, Liên hoan ca, múa nhạc dân gian, Triển lãm văn hóa dân tộc, Hội thi giọng hát của người dân tộc thiểu số. Cần có biện pháp giúp đồng bào bảo tồn các di sản văn hóa, bảo tồn, phát huy nghề và làng nghề truyền thống, các loại hình ngữ văn dân gian và văn học, nghệ thuật truyền thống, giữ gìn sắc phục của dân tộc, khuyến khích mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày lễ, tết… Lựa chọn một số làng, xã tiêu biểu có giao thông thuận lợi, kết hợp phong cảnh thiên nhiên và ngành nghề thủ công truyền thống tiêu biểu để lập dự án bảo tồn, phát huy gắn với hoạt động du lịch, trải nghiệm văn hóa sinh thái cộng đồng.
Một giải pháp quan trọng khác là chú trọng định hướng trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, hạn chế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nghiên cứu phát huy các giá trị tiến bộ của luật tục trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu để tổ chức định kỳ hàng năm.
Thời gian tới, toàn ngành Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhất là Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!