Lướt báo nhà cuối ngày 9/1/2024, chạm đến thông tin Đảng bộ phường Hồng Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Cờ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu” năm 2019 – 2023. Vui, nhưng không khỏi có chút ngạc nhiên. Bởi Hồng Sơn là phường có diện tích nhỏ chưa đầy nửa cây số vuông, các khu dân cư chủ yếu nằm kẹp giữa hai tuyến đường Trần Phú và Ngô Đức Kế… Kết nối với Bí thư Thành ủy Vinh, ông Phan Đức Đồng để bày tỏ suy nghĩ của bản thân, được trả lời rằng, phường Hồng Sơn bé thật, nhưng là “bé hạt tiêu”, nếu tìm hiểu sẽ thấy có những điều thú vị…
Gõ cửa Đảng ủy phường Hồng Sơn, được xem Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết các cấp và Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020 – 2025. Lướt nhanh, thấy xen trong các chỉ tiêu đạt và vượt thì có mục “Giảm tỷ lệ hộ nghèo” liên tục trong 5 năm “giữ nguyên” tỷ lệ 0,065%. Cái ngạc nhiên ban đầu đã chuyển sang băn khoăn, mâu thuẫn. Bởi “giảm tỷ lệ hộ nghèo” là nhiệm vụ quan trọng mà bất kỳ cấp ủy, chính quyền nào cũng phải nỗ lực thực hiện và là một trong những tiêu chí để đánh giá công tác thi đua hàng năm. Thế rồi từ điểm mâu thuẫn này đã đưa tôi đến với hộ nghèo duy nhất của phường Hồng Sơn, tương ứng với con số 0,065%.
Đó là hộ gia đình chị Hoàng Thị Hồng, mẹ đơn thân có 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Nơi ở của 3 mẹ con chị Hồng là một căn nhà nhỏ, thuộc khối 10, bên đường Hoàng Danh Sưởng. Tiếng là nhà, nhưng như gian phòng trọ tồi tàn, chật chội, thấp tối. Chiều 10/1/2024, trong nhà chỉ có người đàn ông duy nhất là cháu Bùi Văn Mạnh. Trong đồng phục áo trắng, quần sẫm màu của Trường THCS Hồng Sơn, Mạnh có vẻ ngoài khá ưa nhìn. Thấy có khách ghé đến, cháu rụt rè cho biết, mẹ đang đi làm ở Chợ Vinh, còn chị gái thì đang đi học. Vào nhà, không gian sống chật hẹp của gia đình Mạnh gồm 2 phòng ở tách biệt với diện tích khoảng hơn 30m2. Một phòng có ngăn vách thêm khu vệ sinh, phòng còn lại thì chái thêm một khoảnh nhỏ làm nơi bếp núc. Phía ngoài nhà, có khoảng thềm hẹp chất kín những bao bì, bên trong là đồ đồng nát vỏ nhựa, lon bia, bìa các tông… “Mẹ buổi sáng đi bán nước ở chợ ngã Sáu, chiều thì lên chợ Vinh xem có cô bác nào cần giúp bốc vác, dọn hàng và nhặt nhạnh những thứ này về tích trữ để bán…” – Mạnh thủ thỉ.
Về chuyện ăn uống sinh hoạt của gia đình, theo lời kể của Mạnh thì trông vào thu nhập của mẹ. Mỗi ngày đi bán nước và dọn hàng giúp ở chợ Vinh, mẹ nhận được khoảng 100 nghìn đồng, nhưng cũng có ngày chỉ được hơn 50 nghìn đồng, tạm đủ để 3 mẹ con tằn tiện chi tiêu. “Cứ khoảng 3 – 4 giờ sáng thì mẹ phải dậy làm nước rồi đi chợ sớm. Những lúc không phải đến trường, chị giúp mẹ làm chè, nấu nướng, giặt giũ…, còn cháu cũng bắc cơm, làm những việc lặt vặt đỡ đần mẹ…” – Mạnh nói.
Hỏi chuyện học hành của hai chị em, Mạnh cho biết, chị đang học lớp 11 tại Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật Vinh để được học thêm nghề may; còn cháu, là học sinh lớp 9. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng sức học của Mạnh vào loại khá giỏi, đều đặn năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. “Chỉ duy nhất năm chuyển cấp lên lớp 6, do bỡ ngỡ nên cháu không được học sinh tiên tiến…” – Mạnh khoe. Đoán chắc Mạnh sẽ theo trường trung cấp nghề như chị, nên tôi hỏi dự định của cháu sau khi hết lớp 9. Không ngờ Mạnh tự tin khẳng định: “Cháu sẽ thi để vào học Trường THPT Lê Viết Thuật. Học xong cháu sẽ đi làm…”.
Ở khối 10, cựu chiến binh thời chống Mỹ Phan Nghĩa Hiệp đảm nhiệm chức vụ Khối trưởng đã nhiều năm. Cùng nghe những lời kể của em Bùi Văn Mạnh, bác Hiệp cho biết, chị Hoàng Thị Hồng không phải người địa phương nhưng đã ở đây từ rất lâu, khoảng vài chục năm. Chồng mất sớm, chị Hồng không đủ minh mẫn để làm được những công việc như người bình thường, sức khỏe lại yếu phải nuôi 2 con đang trong độ tuổi ăn học nên rất khó khăn. Cũng theo bác Hiệp, dù hoàn cảnh thực là vậy nhưng chị là người hiền lành, rất tự giác, tích cực trong mọi công việc của cộng đồng, kể cả việc đóng quỹ, phí cũng rất đúng lịch. “Gia cảnh khó khăn, nhưng hiền lành tốt bụng nên nhân dân trong khối rất thương, thường xuyên qua lại đùm bọc giúp đỡ…” – bác Phan Nghĩa Hiệp nói.
Trình bày với bác Hiệp lý do ghé thăm, mong muốn được nghe nhiều hơn từ cơ sở. Theo bác Hiệp, sở dĩ gia đình chị Hồng khó có thể thoát nghèo vì chưa có đất ở. Ngôi nhà 3 mẹ con đang sống là làm trên đất mượn thuộc phạm vi quy hoạch xây dựng lại Di tích Văn Miếu Vinh.
Cùng ghé nhà chị Hồng chiều cuối Đông có đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hồng Sơn. Trước khi làm công tác Đảng, chị Lan Anh có nhiều năm làm công tác phụ nữ nên có sự gắn kết với gia đình chị Hồng, tường tận cảnh khổ nhiều năm của 3 mẹ con họ. “Bây giờ hai cháu đã lớn nên đỡ nhiều chứ trước đây gia đình này khổ lắm. Những năm tôi làm công tác phụ nữ, mỗi lần xuống thăm tặng quà vẫn thường bồng bế cháu Thành, cháu Mạnh…” – chị Nguyễn Thị Lan Anh kể. Và nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hồng Sơn đã cụ thể hơn việc trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 phường quyết định “giữ nguyên” tỷ lệ hộ nghèo 0,065%.
Đảng ủy phường Hồng Sơn xác định mọi nhiệm vụ công tác đều phải được chú trọng, đảm bảo thực chất, hiệu quả. Riêng với công tác giảm nghèo, phải hỗ trợ, giúp người nghèo tạo dựng được kế sinh nhai, để họ xóa nghèo bền vững. Phường Hồng Sơn là phường trung tâm của thành phố Vinh, có Chợ Vinh và nhiều tuyến đường kinh doanh thương mại thuận lợi; một bộ phận dân cư là cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, phần còn lại cơ bản là hộ kinh doanh nên trình độ và mức sống tương đối đồng đều. Dù vậy, trước đây cũng có một bộ phận người dân thuộc đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Bằng nhiều biện pháp cụ thể như hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, xây dựng nhà tình thương…, đến nhiệm kỳ 2016 – 2020, phường chỉ còn 3 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo; đến nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì còn duy nhất gia đình chị Hoàng Thị Hồng. Thời điểm năm 2020, nhiệm vụ giảm nghèo đối với hộ gia đình chị Hồng đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các hội đoàn thể phường cùng chi bộ, ban cán sự khối 10 đưa ra bàn bạc. Qua trao đổi cân nhắc, nhận thấy nếu vận động quyên góp giúp sửa chữa nhà ở, mua sắm vật dụng đủ tiêu chí xóa nghèo thì gia đình sẽ tiếp tục rơi vào cảnh khổ, các cháu không được thụ hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo, sẽ không có tương lai. Thế nên đã thống nhất đi đến quyết định giữ nguyên hộ nghèo cho gia đình chị Hoàng Thị Hồng đến hết nhiệm kỳ…
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng – cán bộ chính sách phường, chuyển cho tôi xem nhiều báo cáo, từ năm 2013 đến nay về công tác giảm nghèo; qua đó, hiểu hơn phương thức, hành động của phường đối với công tác này. Riêng với trường hợp hộ gia đình chị Hoàng Thị Hồng, trong một số văn bản gửi lên cấp trên còn khẳng định rõ đây là hộ nghèo bất khả kháng! Vì vậy, đã hỏi chị Nguyễn Thị Thúy Hằng: Khi phường báo cáo kế hoạch giảm nghèo trong nhiệm kỳ 5 năm với thông tin giữ nguyên tỷ lệ 0,065%, cấp trên có băn khoăn hay không? Được trả lời: “Đương nhiên cấp trên có băn khoăn về kế hoạch giảm nghèo của phường. Nhưng khi nghe phường trình bày cặn kẽ lý do và kế hoạch vận động gia đình chị Hồng thoát nghèo ở thời điểm hai cháu học nghề, có việc làm thì hoàn toàn thống nhất…”.
Cũng ở nơi này, được biết rõ hơn về những giúp đỡ cụ thể đối với gia đình chị Hoàng Thị Hồng. Đó là việc Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã chủ trì kêu gọi vận động, giúp đỡ sửa chữa nhà ở trị giá 10 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế xe đẩy bán hàng trị giá 3 triệu đồng; mua điện thoại thông minh trị giá 3,5 triệu đồng cho cháu Mạnh học online trong đợt dịch Covid-19… Đặc biệt, trong năm 2022 đã nhận đỡ đầu cháu Mạnh đến năm 18 tuổi với số tiền 48 triệu đồng. Trò chuyện cùng Bí thư Đảng ủy phường Hồng Sơn Hoàng Ngọc Cừ, ông bộc bạch: “Việc giữ thẻ hộ nghèo cho hộ gia đình chị Hồng là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Qua đó, tạo được sự quan tâm của xã hội đối với một gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn, giúp các cháu có điều kiện học hành, có ý chí phấn đấu để trong tương lai có được việc làm giúp gia đình xóa nghèo bền vững, có đóng góp cho khối phố và quê hương…”.
Biết rõ chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ bản thân người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nhưng trong công tác giảm nghèo phải đảm bảo thực chất, không chạy theo thành tích dẫn đến việc hỗ trợ thoát nghèo thiếu bền vững, để xảy ra tình trạng tái nghèo. Bởi vậy nghĩ rằng, ứng xử của phường Hồng Sơn đối với gia đình chị Hoàng Thị Hồng là đúng, là nhân văn. Đây là hành động đẹp cần lan tỏa…