Giữ hồn trống tế
(Baonghean.vn) - Chẳng ai biết tiếng trống tế có tự bao giờ? Chỉ biết rằng, gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với các nghi thức tế tổ tại nhà thờ họ mỗi dịp Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, âm vang tiếng trống trở thành sợi chỉ đỏ nối kết mạch nguồn thời gian, tâm thức các thế hệ người Việt, để lại trong tiềm thức mỗi người ấn tượng về giá trị tồn sinh, về ý thức nguồn cội. Dẫu đi xa, nhớ tiếng trống tế, giục giã thân tâm mình về với quê hương…
“Cả năm có Rằm tháng Bảy, cả thảy có Rằm tháng Giêng” - men theo đất Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành… dịp này, thoảng trong hương quê tình quê là vấn vít khói trầm, là thùng thình tiếng trống, là hình ảnh đường làng thấp thoáng dòng người đội cỗ xôi gà đi cúng họ.
Tại xã Xuân Thành (huyện Yên Thành), tôi gặp anh Lê Khắc Dinh - người được xem là tinh tường lão luyện “nghệ thuật” trống tế vào hạng nhất nhì của huyện lúa. Ở tuổi ngũ thập, người đàn ông này nói rằng “tuổi đánh trống” cũng xấp xỉ như thế, bởi đứa trẻ nào ở đây chẳng nghe tiếng trống từ trong bụng mẹ, và món đồ chơi đầu đời của chúng cũng chính là chiếc trống! Anh Dinh vừa kết thúc chuyến đi dạy đánh trống tế cho các dòng họ ở Diễn Châu, Yên Thành, nay trở về đã vội soạn sửa trang phục để tròn vai người giữ trống cái trong đội trống tế dòng họ.
Anh Lê Khắc Dinh đánh trống cái trong ngày tế lễ. Ảnh: Thái Dương |
“Xã Xuân Thành có khoảng 12 họ thì họ nào cũng có đội trống tế riêng. Gần như bất kể già, trẻ, gái, trai trong các dòng họ ở xã này đều thạo trống!” - anh Lê Khắc Dinh nói chắc nịch, niềm tự hào về truyền thống quê hương ánh lên trong đáy mắt.
Tiếng trống tế là thanh âm quan trọng bắt buộc phải có trong buổi tế lễ tại các nhà thờ họ, song cũng như nhiều nghi thức truyền thống khác, gần như không có ghi chép chính thức nào về cách đánh. Phương pháp duy nhất để tiếng trống truyền đời là ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm của cháu con với dòng tộc, cứ thế theo nếp ông cha chú bác, đến ngày tế lễ thì cứ nhìn, cứ nghe, cứ cầm dùi trống mà thực hành trực tiếp. Ấy nhưng, cũng vẫn đội trống với 1 trống cái, 2 trống con, 2 xập xoang, 1 bạt, 1 bù rù, cũng giữ nhịp 1234567, nhưng mỗi dòng họ, mỗi vùng quê lại vang thanh âm khác nhau.
“Sự khác nhau chủ yếu đến từ cách đặt trọng lượng dùi trống lên các phần mặt trống, tang trống; cách luyến láy hoà quyện của các nhạc cụ; sự hiểu ý của các thành viên trong đội… Trống cái là trống giữ nhịp, tất cả nhạc cụ trong đội đều phải nương theo nhịp trống cái và ngược lại, thanh âm của trống con, xập xoang, bạt, bù rù hoà điệu, tôn vinh cái hay của tiếng trống cái.” - anh Dinh chia sẻ.
Đội trống tế xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Thái Dương |
Người được xem là bậc thầy trống tế ở Xuân Thành không kìm được niềm hào hứng khi nói về “nghệ thuật” mà mình trọn đời đam mê. Anh giảng giải: Cứ cho là có hàng vạn người đánh trống cái, nhưng khó ai giống ai, bởi nét đặc sắc kỳ diệu của tiếng trống cái nằm ở chỗ người đánh tạo thanh âm kết hợp từ tang trống và mặt trống.
Người có kỹ năng bình thường thì sẽ tạo nên các âm điệu bằng cách đặt trọng lượng dùi trống lên mặt trống với khoảng cách nhịp đánh bằng nhau; nhưng người đánh giỏi thì nắm rõ các cung bậc âm thanh trong mặt trống: giữa mặt trống thì tiếng trầm đục hơn, càng hướng ra ngoài tang thì âm mỏng hơn, thanh hơn, tạo âm sắc nhỏ to cao thấp hấp dẫn. Thêm nữa, có lúc dùi đánh lên tang trống thì tiếng cồm cộp tựa tiếng ngựa phi, cộng hưởng với âm vang trầm hùng từ mặt trống gợi hình ảnh vị tướng dẫn đoàn quân ra trận, lúc hùng hồn, khi bi tráng…
Cái khó của tiếng trống hay là đánh làm sao để thể hiện đúng tinh thần của ngày tế lễ. Trống được đánh từ lễ yết cáo, hàm ý cầu xin Hoàng thiên Hậu thổ, Thành hoàng bản xứ, thổ công hà bá cho phép gia tiên được về và yết cáo tổ tiên xin phép tổ chức sự kiện vào ngày hôm sau. Tiếp đó, tại tế lễ chính, con cháu gần xa trong họ tộc tụ hội về nhà thờ họ để làm lễ dâng cúng tổ tiên.
Tiếng trống vang lên lúc uy nghi, nghiêm trang, lẫm liệt, hào hùng, lúc lại thúc giục, gọi mời, da diết, biểu lộ muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau, tùy vào từng phần lễ. 1 hồi trống tế lớn có 3 hồi nhỏ, kéo dài tầm 9-12 phút. Mỗi buổi có hàng trăm hồi được vang lên liên tục, kéo dài cho đến kết lễ.
Anh Lê Khắc Dinh say sưa kể về nghệ thuật đánh trống tế. Ảnh: Phước Anh |
Theo anh Lê Khắc Dinh, điều đặc biệt ở những buổi tế lễ là đội trống thường đến sớm khoảng 1 giờ đồng hồ để truyền dạy thực tế cho thế hệ con cháu. Ở xã Xuân Thành nói riêng, huyện Yên Thành nói chung, dường như dòng họ nào cũng có những thế hệ nối tiếp nhau giữ hồn trống tế. Đứa trẻ 8 tuổi, 10 tuổi đã cầm vững dùi trống, thiếu niên 13,15 tuổi đã biết đánh thành thạo, lứa thanh niên tuổi 18, 20 tiếng trống đánh ra đã nhuần nhuyễn, hấp dẫn lắm rồi.
Trống tế ở huyện lúa chẳng lo thất truyền bởi tâm đức cháu con cứ đời đời nối truyền như thế. Người trẻ ở Xuân Thành hôm nay còn nhắc tên cố Trấp, cố Long, cố Khả Hạ, cố Ngự… - những bậc thầy lão thành trong “nghệ thuật” trống tế, tâm huyết với tiếng trống linh thiêng. Thế hệ ấy, có người đã khuất núi, có người vẫn sống đầy đam mê với trống tế - như cố Ngự, gần tuổi bách niên mà mỗi lần đến ngày tế lễ vẫn cầm dùi trống chắc nịch, vẫn đánh ra những thanh âm hào hùng vang dội, khiến người nghe như say, như mê, như chìm đắm vào muôn vàn cung bậc cảm xúc từ tiếng trống uy nghi.
Cụ Ngự - bậc thầy đánh trống tế nổi tiếng ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Thái Dương |
Trống tế được người dân các vùng quê xem như là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, mà ở đó, mọi người đều là nghệ sĩ. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều hiểu rằng hễ cứ đến ngày tế họ là sẽ được đánh trống. Ông truyền tay cha, cha truyền tay con, con truyền tay cháu… cứ thế, trong một buổi tế có hàng trăm hồi trống do nhiều người đánh, không phân biệt già, trẻ, mỗi người chuyển tải một nét riêng. Đặc biệt hơn cả, nếu như trước đây quan niệm phụ nữ không được bước vào nhà thờ tổ, thì nay, trước đổi thay của xã hội, nhận thức về bình đẳng giới có nhiều tiến bộ, thậm chí các chị em còn được gia nhập vào đội trống tế. Có những làng có đội trống nữ, thanh âm trống cái cũng hùng tráng chẳng kém cạnh gì đấng mày râu.
Tuyệt diệu của tiếng trống tế là vậy, dường như là thanh âm diệu kỳ, linh thiêng kết nối mạch nguồn quá khứ, hiện tại và tương lai; là chất keo kết dính tâm thức làng xã, tâm thức cội nguồn, tâm thức dòng tộc, để cháu con gần xa khi trở về luôn cảm nhận ắp đầy tình quê ấm áp.