Giữa an toàn và bất ổn: ranh giới mong manh

(Baonghean) - Tuần qua, hậu quả của những vụ tấn công khủng bố ở Bỉ và khủng hoảng di cư gây hệ quả xấu tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sự an toàn và bất ổn trong lòng xã hội. Giờ đây, sự phân định giữa 2 thái cực chỉ còn rất mong manh, những nơi tưởng chừng an toàn cũng đầy rẫy bất ổn…

Cảng hàng không quốc tế Zaventem mở cửa trở lại từ hôm nay (3/4). Ảnh: ZUMA.
Cảng hàng không quốc tế Zaventem mở cửa trở lại từ hôm nay (3/4). Ảnh: ZUMA.

Bỉ: Mở cửa sân bay trong bối cảnh nhiều quan ngại

Cảng hàng không quốc tế của trái tim châu Âu mở cửa trở lại sau loạt tấn công liều chết đẫm máu hôm 22/3. Những đồn đoán kéo theo dư luận đa chiều, người đồng ý, kẻ phản đối, ai cũng có cái lý của riêng mình. Và khi hãng thông tấn Belga đưa tin xác nhận sân bay Zaventem của Brussels sẽ mở cửa trở lại vào sáng sớm ngày hôm nay (3/4), họ cũng không quên trấn an độc giả khi cung cấp thêm thông tin rằng các biện pháp an ninh được thắt chặt hơn cũng sẽ được áp dụng tại địa điểm này. Như vậy, chỉ vỏn vẹn 10 ngày kể từ vụ tấn công kinh hoàng tại một trong những đất nước vốn dĩ luôn được xem là an toàn nhất, với tình trạng báo động an ninh luôn được chính phủ đặt ở mức cao, giới chức điều hành đã đi đến thỏa thuận với lực lượng cảnh sát để bảo đảm sân bay tiếp tục hoạt động, song song với việc khắc phục những hậu quả còn sót lại.

Kể từ vụ đánh bom mà chủ mưu là những kẻ tấn công thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cảng hàng không quốc tế Zaventem đã phải đóng cửa, hoạt động hàng không đều bị đình chỉ, ảnh hưởng đến việc đi lại của không ít người dân. Sân bay này sau đó đã tổ chức một khu vực check-in tạm thời, đưa vào thêm các biện pháp kiểm soát an toàn và thử nghiệm hệ thống kiểm tra hành khách, phục vụ các tuyến bay đến và đi được nối lại vào ngày 3/4, nhưng chỉ ở mức ban đầu là 20% lưu lượng chuyên chở trước đây của sân bay.

Về phía mình, lực lượng cảnh sát của Liên minh châu Âu ban đầu đã yêu cầu bổ sung các biện pháp an ninh tại các cửa ra vào của sảnh sân bay, khiến dự định mở cửa trở lại sân bay gặp chút trục trặc và trì hoãn. Thậm chí, lực lượng cảnh sát còn đòi đình công và biểu tình để yêu cầu hoãn ngày đưa cảng hàng không trên hoạt động trở lại lùi ra xa hơn. Song sau đó, đại diện của liên minh và quan chức Bộ Nội vụ Bỉ đã cùng đi đến thống nhất là sẽ đưa vào sử dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn đối với cả hành khách lẫn hành lý được đưa vào khu vực sân bay. Riêng với yêu cầu tuyển dụng bổ sung 200 nhân viên phục vụ hoạt động tại sân bay sau khi tái đi vào hoạt động, phía Liên minh và Bộ Nội vụ ở Brussels đang tiếp tục đàm phán để cùng đi đến thống nhất chung.

Những ngày qua, truyền thống Bỉ dẫn nguồn tin chưa được kiểm chứng từ bộ phận cảnh sát làm việc tại sân bay khẳng định có ít nhất 50 người có cảm tình với IS đang làm việc cho sân bay này, thậm chí họ còn được đeo băng an ninh. Nếu quả đúng là như vậy, thì rủi ro dành cho sân bay Zaventem nói riêng, Bỉ và Liên minh châu Âu nói chung vẫn còn treo lơ lửng, và an ninh trong những ngày tới chắc chắn sẽ được tăng cường hơn nữa ở những khu vực công cộng của đất nước này.

Người di cư Syria đứng đợi tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Kilis hồi tháng 2. Ảnh: Getty Images.
Người di cư Syria đứng đợi tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Kilis hồi tháng 2. Ảnh: Getty Images.

Thổ Nhĩ Kỳ: Khi “an toàn” trở nên xa vời

Tuần qua, tờ Times đưa tin lực lượng bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn chết nhiều người Syria. Trớ trêu thay, đó lại là những kẻ bất hạnh đang tìm kiếm an toàn cho chính bản thân khi đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ. 16 người di cư, bao gồm 3 trẻ em, đã tử nạn vì bị bắn trong khi xoay sở để chạy thoát khỏi vùng chiến sự ở miền Bắc Syria. Chưa phải là nhiều so với hàng triệu kiếp sống vật vờ ở vùng chảo lửa, song chừng đó cũng đủ đau buồn khi mường tượng ra tình cảnh của họ: “tránh vỏ dưa” IS và các phe phái xung đột thì lại “gặp vỏ dừa” và bỏ mạng oan uổng.

Thực ra, vụ chĩa súng vào người Syria tại vùng biên cũng không phải hiện tượng mới xuất hiện. Người di cư và các nhóm nhân quyền đã báo cáo về các vụ việc tương tự xảy ta tại ranh giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ít nhất là từ năm 2013. Các sự vụ đều được ghi chép lại cẩn thận, nguồn tin phát tán rộng rãi. Vậy nhưng tại sao nhiều tháng sau khi châu Âu đạt thỏa thuận để Thổ Nhĩ Kỳ gánh trách nhiệm nặng nề hơn trong cuộc khủng hoảng di cư, mọi người vẫn thất kinh khi phải chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục viện tới bạo lực chết chóc để ngăn gánh nặng “phình” to thêm?

Thật ra, các vụ ngược đãi gia tăng ở khu vực biên giới là hệ quả hợp lô-gích của thỏa thuận mà theo đó lục địa giàu nhất thế giới với dân số nửa tỷ người lại dồn quốc gia Trung Đông đơn độc với dân số 80 triệu người tới chỗ phải gánh vác số lượng người di cư vượt luôn cả phần trách nhiệm còn lại của thế giới. Bởi vậy, hậu quả như trên là điều nằm trong tầm dự báo và không hề gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Ấy vậy mà các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron lại không cho là vậy. Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn được EU “thiết kế” làm nước thứ 3 an toàn cho người di cư - một biệt hiệu có phần châm biếm và khiến Hy Lạp vin vào đó để gửi trả trở lại phần lớn những người đặt chân lên bãi biển nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà lãnh đạo biện luận rằng người di cư chí ít vẫn được bảo vệ khỏi những hiểm họa chết chóc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và những vụ xả súng ở biên giới đã cho thấy điều này chẳng phải bao giờ cũng chính xác, giống như những cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi trở lại một cách trái phép người Syria và Afghanistan về với những nguy hiểm tại quê hương của họ, ngay cả khi họ đã bình an định cư trên đất Thổ.  

Theo Thủ tướng Cameron, hầu hết người di cư tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải gánh chịu rủi ro tử nạn nơi chiến trận. Nhưng đó không phải điều mà phe ủng hộ người di cư muốn nói khi họ khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nơi phù hợp cho những người như vậy. Quyền lợi của người di cư còn vượt xa hơn quyền sống: đó còn là quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và làm việc. Mục tiêu của việc cấp quyền tị nạn cho họ là để đảm bảo họ được hưởng mọi cơ hội như những công dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiện nay.

Và dù Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra rộng lượng chào đón người di cư, thực tế họ cũng không cho phép người di cư được hưởng những sự bảo đảm đó. Chẳng hạn với quyền được làm việc, theo thỏa thuận với EU, luật mới của Thổ Nhĩ Kỳ ban hành hồi tháng 1 sẽ cho phép người Syria tiếp cận với việc làm hợp pháp. Song thực tế để được phép làm việc, 1 công dân Syria cần có thẻ căn cước thời hạn 6 tháng, nhưng không phải ai cũng được cấp thẻ này. Thứ 2, phải có hợp đồng lao động, song rất ít nhà tuyển dụng muốn làm điều này, do đó hầu hết người Syria phải tìm việc ở chợ đen, được trả thấp hơn lương tối thiểu, làm việc quá thời lượng quy định,…

Ngày 4/4 tới, đợt “gửi trả” người Syria về Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên sẽ bắt đầu. Nhưng với tình cảnh như hiện giờ, mối đe dọa về khả năng trục xuất họ trở về Syria dường như ngày một hiện hữu, khi mà những người di cư khốn khổ không biết “an toàn” đang trốn ở nơi đâu.

Phú Bình

(Theo DW, Guardian)

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.