Gỡ bớt mặt nạ ra, và sống!
(Baonghean.vn) - Có một làn sương mù mờ giáp ranh giữa mặt nạ và mặt thật, giữa nguỵ trang nhân cách và nhân cách, giữa cái tôi bản thể và cái tôi xã hội, giữa mạng ảo và đời thực… Làm sao để mặt nạ chỉ là một phần của bản thể chứ không ăn mòn nuốt chửng bản thể? Phải gỡ bớt mặt nạ ra, và sống!
Những người chế tác ra chiếc mặt nạ đầu tiên trên thế giới hẳn không thể hình dung được rằng, hơn 9.000 năm sau, khái niệm mặt nạ trở nên đa chiều, không chỉ là biểu tượng đại diện cho linh hồn để kết nối với thế giới tâm linh, mà còn nhằm nói về một lựa chọn, một lối sống, một sự nguỵ trang - nguỵ trang nhân cách.
Điều đó trở nên phổ biến đến nỗi từ mặt nạ nhẽ ra phải đặt trong ngoặc kép để biểu thị nghĩa bóng, thì nay không cần nữa. Mặt nạ không phải là mặt nạ mà là mặt nạ - đấy, chẳng cần đến ngoặc kép, người ta vẫn hiểu như thường. Bạn đã và đang đeo bao nhiêu chiếc mặt nạ trong đời?
Người Nhật có triết lý đáng nghiền ngẫm: “Mỗi người đều mang trong mình ba bộ mặt. Cái thứ nhất bạn phô ra cho cả thế giới thấy. Cái thứ hai bạn chỉ đeo khi ở bên cạnh bạn thân và gia đình. Và cái cuối cùng bạn không bao giờ phô ra, đó là tấm gương phản chiếu chân thật nhất rằng bạn là ai.”
Tự cổ chí kim, không, hẳn là phải tua ngược về trước nữa, từ thời điểm con người xuất hiện trong vũ trụ này, có lẽ họ đã có rất nhiều bộ mặt trên một khuôn mặt, để đảm bảo bản thân đúng là người mà mình muốn trở thành trong mắt đối phương. Bạn là A trong mắt bố mẹ, là A’ trong mắt bạn bè, là A’’ trong mắt vợ/ chồng, là A’’’ trong mắt đồng nghiệp… Thì vẫn là A đấy, nhưng bản chất A đôi khi bị phủ đi, che khuất bởi những dấu phẩy, thật nhiều dấu phẩy kết thành chiếc mặt nạ tinh xảo để bạn có thể nhanh chóng và linh hoạt chuyển đổi lời nói, hành động của mình sao cho phù hợp với đối tượng mà bạn giao tiếp. Cốt lõi bên trong bạn là A, nhưng cái phô ra cho cả thế giới thấy là kiểu A mà bạn muốn; đó là bạn mà cũng không phải là bạn - một thứ vỏ ngoài gói ghém cái tôi đích thực bên trong.
Từ khi sinh ra, dường như việc tách rời cái tôi bản thể và cái tôi xã hội là mã gen đã được cài đặt sẵn, không có ai là ngoại lệ, kể cả những người được xem là thành thực, thẳng thắn nhất. Điều này chẳng có gì là bí mật, những nhà ngôn ngữ học cổ đại cũng đã lấy từ “person” (con người) trong gốc gác của từ “persona” tiếng Latin - mặt nạ sân khấu. Nghĩa là con người thì đeo mặt nạ, luôn đeo mặt nạ, gắn liền với mặt nạ, thậm chí - chính là mặt nạ. Con người chưa bao giờ hài lòng với bản thân mình, thẳm sâu trong họ cũng hiểu rằng bản chất của mình còn thiếu hoàn hảo, thua xa với những điều tốt đẹp mà họ tự tưởng tượng và muốn trở thành, bởi vậy, họ đeo những chiếc mặt nạ vô hình một cách tự nhiên.
Điều khác biệt duy nhất ở đây là người tử tế thì sẽ không đánh mất nhân tâm cốt lõi dù có bao nhiêu mặt nạ bên ngoài; còn người xảo trá thì dễ dàng đồng nhất với những chiếc mặt nạ ấy, để mặt nạ nuốt chửng cái tôi bên trong. Đeo mặt nạ quá lâu khiếp lớp mạ ngoài giả tạo ấy ăn mòn lớp da thật bên trong, giả thành thật, thật thành giả, thật giả lẫn lộn đến mức ngay cả người đeo chúng cũng không thể phân định được đâu mới là chính mình.
Những chiếc mặt nạ của loài người ngày càng tinh xảo hơn, phức tạp hơn, từ khi có Internet, cụ thể là từ khi có mạng xã hội. Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… có sức hút khủng khiếp, những thuật toán kích thích tương tác nhanh chóng cuốn con người vào thế giới ảo, biến họ trở thành một (vài) phiên bản khác hoàn toàn so với đời thực. Ta trở thành người dí dỏm, thông minh trên Facebook - khác hẳn ta trầm lặng, ít nói ngoài đời; ta là kẻ hài hước, mẫn tiệp, biết đủ đạo lý trên đời - khác hẳn ta chậm chạp, ù lì trong cuộc sống; ta chân dài, mắt to, da trắng - nào có giống ta với đôi chân ngắn cũn, mắt một mí và làn da màu mật ong.
Mặt nạ chúng ta đeo trên mạng xã hội vô cùng phong phú, hôm nay có thể thế này, ngày mai có thể thế khác. Ai cũng biết rõ là vậy, vì họ cũng ảo như mình, xem cho biết, khen cho vui vậy thôi chứ tin làm sao được! Thế mà cứ đua nhau ảo, nếu xếp hạng thì chỉ có ảo hơn chứ không có ảo nhất. Dần dà, hoá ra lớp mặt nạ lại chẳng dùng để trưng trổ, lấy le với người đời mà cốt yếu chỉ thoả mãn ham muốn thể hiện, lừa mị chính bản thân mình.
Có câu hỏi đơn giản thế này mà nhiều người không trả lời được: Bạn là người như thế nào? Mô tả về chính mình thôi mà cũng khó phết đấy, vì bao lâu nay đeo mặt nạ sống ảo quen rồi, thành thử ra quên mất mình đã từng ra sao. Bạn có thể đoán được mình là người như thế nào trong mắt bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm… nhưng quay ngược tự vấn chính mình thì không biết, không biết rõ. Có một làn sương mù mờ giáp ranh giữa mặt nạ và mặt thật, giữa nguỵ trang nhân cách và nhân cách, giữa cái tôi bản thể và cái tôi xã hội, giữa mạng ảo và đời thực… Làm sao để mặt nạ chỉ là một phần của bản thể chứ không ăn mòn nuốt chửng bản thể? Phải gỡ bớt mặt nạ ra, và sống!