Giáo dục

Góp bàn về thành công cho trường tiên tiến

Lê Thanh Nga 24/08/2024 15:26

Để triển khai mô hình trường tiên tiến một cách hiệu quả, rất cần một sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, trong đó đặc biệt là các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống giáo dục.

Không thể phủ nhận trường tiên tiến là một mô hình trường học có nhiều điểm ưu việt, nó tạo môi trường giáo dục để thực hành kỹ năng quản trị trong một tư duy mới so với mô hình quản trị trường lớp truyền thống, nó cũng tạo điều kiện để người dạy, người học có nhiều cơ hội hơn để thăm dò tiềm năng của mình, để giải phóng năng lực và cuối cùng là tạo ra những sản phẩm giáo dục chất lượng, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và khát vọng toàn cầu của những người trẻ.

Tiểu học Lê Mao
Một tiết học ở Trường Tiểu học Lê Mao - Trường Tiểu học đầu tiên triển khai mô hình trường Tiên tiến ở thành phố Vinh. Ảnh minh hoạ: CSCC

Thực tế, theo đánh giá của một số trang thông tin truyền thông, hiện nay đã có những trường tiên tiến đi vào hoạt động một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường tiên tiến/lớp tiên tiến chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của người học và niềm mong đợi của cộng đồng.

Nguyên nhân thì có nhiều bài báo đã chỉ ra một cách khá thuyết phục trên tinh thần tổng hợp ý kiến của các bên liên quan. Tuy nhiên, truy tìm nguyên nhân là một chuyện, nhưng tìm ra phương án, giải pháp khắc phục lại là một chuyện khác. Tôi cho rằng, để triển khai mô hình trường tiên tiến một cách hiệu quả, rất cần một sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, trong đó đặc biệt là các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống giáo dục.

Trước hết, cần một tư duy chiến lược với tầm nhìn dài hạn. Trong thời gian qua, việc triển khai xây dựng lớp tiên tiến ngay trong các trường học truyền thống, mà tôi tạm gọi là trường đại trà, đã cho thấy một kiểu tư duy khá vội vàng. Cần nhớ, mặc dù vẫn thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng trường tiên tiến phải được vận hành bằng một mô hình khác, đảm bảo tính chất tiên tiến, hiện đại trên mọi bình diện.

Trước đây, chúng ta có hệ thống trường chuyên, sau có chủ trương bỏ trường chuyên lớp chọn thì đổi thành trường chất lượng cao, và bây giờ các trường này vẫn vận hành theo mô hình trường chuyên. Điểm khác biệt của trường chuyên là giáo dục, đào tạo một đội ngũ người học tinh hoa, chất lượng của trường sẽ là mũi nhọn, là “bộ mặt” của giáo dục từng địa phương. Là một sản phẩm của giáo dục theo mô hình trường chuyên lớp chọn, tôi hiểu được sự khác biệt này. Với trường tiên tiến, điểm khác biệt càng nhiều hơn.

Một giờ học ở Trường THCS Trường Thi
Một giờ học ở Trường THCS Trường Thi - 1 trong 2 trường THCS trực thuộc thành phố Vinh hoạt động theo mô hình trường tiên tiến. Ảnh minh hoạ: CSCC

Nếu nguồn lực trường chuyên, lớp chọn chỉ là chất lượng của người học được đánh giá bằng tuyển sinh đầu vào và trình độ, năng lực của người dạy, thì các trường tiên tiến, vốn được xây dựng theo hướng giáo dục ý thức toàn cầu, khác biệt không chỉ chừng ấy, mà còn, và thậm chí vô cùng quan trọng là cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phục vụ một chương trình học tiên tiến.

Một số trường tiên tiến ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt được thành công bước đầu là nhờ một phần lớn ở sự đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật. Đấy chính là một ví dụ về giá trị của tầm nhìn chiến lược và sự triển khai một cách có tính toán, có quy củ. Nói cách khác, việc thành lập các trường tiên tiến cần, trước hết là một công cuộc hoạch định chính sách, chiến lược, kêu gọi đầu tư, huy động nguồn tài nguyên cần thiết, cụ thể hóa thành các dự án trọng điểm.

Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất – kỹ thuật, việc quan trọng là xây dựng mục tiêu giáo dục, trong đó bắt buộc phải xây dựng được chuẩn đầu ra chương trình giáo dục theo cấp học, bậc học, môn học như là một cam kết về chất lượng. Một số phụ huynh cho rằng, học ở các trường tiên tiến hay lớp tiên tiến, người học dễ bị quá tải, theo tôi là hoàn toàn có thể chia sẻ được. Khi xây dựng được chuẩn đầu ra, mục tiêu chương trình phù hợp (tất nhiên là trên tinh thần chương trình giáo dục quốc dân nhưng có điều chỉnh cho phù hợp, thậm chí đề xuất chương trình riêng, miễn là người học đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo quy ước chung của giáo dục quốc dân), vừa sức, cả người học và người dạy sẽ bớt áp lực, có thể tập trung nhiều hơn để đạt được kết quả mong muốn như cam kết thể hiện trong mục tiêu chuẩn đầu ra đã xây dựng.

Các trường chuyên lớp chọn, như tôi biết, một mặt vẫn tôn trọng, tuân thủ khung chương trình quốc gia, nhưng sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu mũi nhọn, chuyên sâu. Mô hình trường tiên tiến hiện nay có xu thế yêu cầu người học học thêm nhiều môn học/ kỹ năng ngoài chương trình giáo dục vốn đã nặng nề, đó là điều cần phải xem lại. Một trong những điều kiện mà trường tiên tiến phải đáp ứng được cho người học là phải có thời gian thư giãn để làm sạch đời sống tâm hồn và tái tạo năng lượng.

Theo tôi, chương trình, đầu môn học ở các trường tiên tiến nên hướng đến chỗ càng tinh giản càng tốt. Cũng cần nói thêm rằng, mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình phải được xác định tương xứng/tương ứng với các bậc học, cấp học, không thể là thứ mục tiêu chung chung kiểu kỹ năng hiện đại, tư duy toàn cầu, tạo ra những công dân toàn cầu. Hiển nhiên là không thể gắn các cháu mầm non vào mục tiêu tư duy với công dân toàn cầu được.

Hiện nay, các trường bắt đầu tuyển sinh đầu vào có chọn lọc bằng các bài kiểm tra đánh giá năng lực, nghĩa là chọn những người học tinh hoa, vậy, người quản trị, người dạy nhất thiết cũng phải là những người tinh hoa. Như thế để thấy rằng, việc thành lập một số lớp tiên tiến trong mô hình trường đại trà để rồi người dạy cũng phải chạy ngược chạy xuôi để dạy ở các lớp học không đồng dạng với yêu cầu không đồng dạng, rất dễ dẫn đến áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Và người dạy ở các trường tiên tiến phải là những người tiên phong trong việc làm mới chính mình, nghĩa là phải học tập, nghiên cứu không ngừng.

Về tài chính, trường tiên tiến không chỉ nhìn vào túi tiền của phụ huynh mà phải có sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan, đặc biệt là các đối tác có cam kết sử dụng lao động hoặc tuyển sinh các cấp học tiếp theo. Đó là các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề... Để được điều này, tất nhiên người học phải là những sản phẩm chất lượng. Nếu là trường công, cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước. Tất nhiên, bản thân người viết không cho rằng hệ thống các trường tiên tiến nên là trường công lập, chỉ chăm chăm nhìn vào túi tiền của Nhà nước.

Mới nhất

x
Góp bàn về thành công cho trường tiên tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO