P.V: Chào chị, tôi vừa đọc bức thư ngỏ của cô giáo Hiệu trưởng Trường mầm non Xá Lượng (Tương Dương) gửi tới chương trình kêu gọi hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh điểm trường Na Bè – Hợp Thành, hai điểm trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Ở đây, đang có 80 học sinh là người các dân tộc Khơ mú và Mông; bố mẹ đi làm ăn xa, chủ yếu sống với ông bà. Các em ngày ngày đến trường, tự mang cơm ở nhà đến lớp, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo, nguội lạnh và thiếu rau xanh… Chị có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi nhận được những lá thư như thế này?
Chị Đỗ Thị Nga: Tôi đã từng làm giáo dục, từng ở địa bàn miền núi. Vì thế, với tôi giáo dục là con đường duy nhất để thay đổi cuộc sống và tôi không muốn học sinh bị thất học, chỉ vì lý do thiếu ăn. Nói về thiếu ăn, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều học sinh đến trường bằng những chai cháo loãng nấu bằng cơm nguội. Tôi hiểu cảm giác này, vì vậy khi nhận được những lá thư như thế, tôi muốn nhanh chóng làm sao để các học trò được ăn sớm ngày nào hay ngày đó. Bởi lẽ tôi hiểu, tâm lý phụ huynh thì dù chúng ta muốn nói gì thì nói, trước hết là các con của họ phải được no cái bụng mới tính đến những chuyện khác. Tôi vẫn thường nói với các mạnh thường quân, chúng ta chỉ đóng góp mỗi tháng 150.000 đồng cho một học trò, nhưng chúng ta đang góp phần viết nên tương lai cho một đứa trẻ.
P.V: Chị là người đã gắn bó với Dự án “Nuôi em Nghệ An” từ những ngày đầu triển khai; chị đến với dự án đặc biệt như thế nào?
Chị Đỗ Thị Nga: Câu hỏi của bạn gợi lại cho tôi ký ức của năm 2016. Khi đó, qua chia sẻ của một bạn đang công tác tại Hải quan Nghệ An, tôi có dịp lên với bản Huồi Pốc thuộc Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 (Kỳ Sơn). Ban đầu, chuyến đi này đơn giản chỉ là một chuyến thiện nguyện đến với 1 điểm trường cách trung tâm 10km, không có điện lưới, không có sóng điện thoại, điều kiện đi lại rất khó khăn. Sau khi vận chuyển được một lượng hàng hóa lớn lên bản, đoàn chúng tôi đang cùng với hiệu trưởng nhà trường chuẩn bị vào bữa trưa, thì tôi nhìn thấy một học sinh cầm chiếc cặp lồng, đến cạnh bếp nấu của các thầy cô giáo và bốc một nắm muối bỏ vào chiếc cặp lồng mang đi. Một học sinh khác thì vào xin nước nóng, bỏ vào gói mì tôm rồi ra chia cho các bạn khác. Bạn có tin không, lúc đấy tôi đứng giữa sân trường mà nước mắt cứ rơi và tôi hỏi hiệu trưởng nhà trường, sao các em lại khổ như vậy. Thầy hiệu trưởng chia sẻ về câu chuyện của học trò ở đó, các em hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ chủ yếu đi làm ăn xa, nên các em trưa không về, ăn tạm bữa cơm chuẩn bị từ buổi sáng ở nhà.
Sau chuyến đi này, tôi đã hỏi những người thầy của mình, rằng nên làm cái gì cho các học trò ở đây và tôi nhận được lời khuyên “hãy đem những gì mà người ta cần chứ đừng mang những gì mà người ta đã có, bây giờ các học sinh đang thiếu ăn thì mình hãy mang bữa cơm đến cho học trò”. Đúng lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Trung ương Đoàn đang triển khai chương trình vận động xã hội hóa để đưa bữa ăn đến với học sinh vùng cao, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đang thực hiện thí điểm dự án “Nuôi em” ở một số tỉnh phía Bắc. Và tôi là người thứ 3 trên cả nước đưa dự án “Nuôi em” về với học sinh Nghệ An.
Năm đầu tiên, dự án chỉ triển khai cho hơn 200 học sinh ở miền núi Nghệ An và đến nay qua 6 năm triển khai, dự án đang hỗ trợ bữa ăn cho 5.300 học sinh trên toàn tỉnh, với mức hỗ trợ là 150.000 đồng/em/tháng. Đối tượng thụ hưởng là những học sinh mầm non, tiểu học chưa được hưởng chế độ bán trú theo chính sách của Nhà nước và với điều kiện nhà xa trường hoặc những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
P.V: Dự án “Nuôi em Nghệ An” triển khai chủ yếu ở các huyện miền núi cao. Vậy, từ khi bắt đầu đi vào thực hiện, chị đã lường trước được những khó khăn, cách trở như thế nào?
Chị Đỗ Thị Nga: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến câu chuyện khó khăn khi triển khai chương trình tại Nghệ An. Thậm chí, với tôi càng những vùng khó mình lại càng thích đi. Lý do tôi chọn Nghệ An vì tôi thương học sinh ở đây. Nghệ An là vùng đất học và tôi nhìn thấy được sự ham học của các em, có nhiều em bố mẹ bảo nghỉ học ở nhà đi rẫy nhưng các em vẫn đến trường.
Đến nay, dường như tháng nào tôi cũng đến Nghệ An để kiểm tra bếp ăn, kiểm tra việc triển khai ở các nhà trường. Cũng đã có nhiều người hỏi tôi có phải là người Nghệ An và tôi từng viết trên trang cá nhân của mình rằng: Tôi yêu mảnh đất Nghệ An, dù đây không phải là mảnh đất đã sinh ra tôi. Tôi yêu cái nắng, cái gió, yêu cái cần cù chịu khó của người dân nơi đây… Và tôi đã gắn bó với mảnh đất này 6 năm rồi. Khi tôi bắt đầu thực hiện, tôi và các cộng sự của mình chỉ nghĩ rằng, cố gắng làm được nhiều cho các học trò, không dám nghĩ đến thành quả. Nhưng bây giờ nhìn lại, chúng tôi rất tự hào bởi sau sự nỗ lực của rất nhiều người, còn chúng tôi chỉ là người kết nối, đã đem đến được nhiều kết quả tích cực.
P.V: Chị có bất ngờ không, khi dự án của mình chỉ từ 1 đến 2 điểm trường với hơn 200 học sinh nay đã triển khai đến 80 điểm trường với hơn 5.000 học sinh đang được hỗ trợ?
Chị Đỗ Thị Nga: Con số tăng lên khiến chúng tôi không ngờ tới. Riêng từ tháng 5/2023 đến nay, số học sinh do chương trình hỗ trợ đã lên tới hơn 2.000 em. Tuy nhiên, khi con số học sinh đang ngày một tăng lên, cá nhân tôi thấy buồn. Tôi vẫn nói với anh em của mạng lưới tình nguyện quốc gia miền Trung và với ban thường trực các miền rằng: Tôi chỉ mong mình thất nghiệp bởi vì lúc đó bà con mình đã no đủ. Còn hiện tại, tôi thực sự không mong tăng lên các con số, như vậy đời sống bà con mình còn nhiều khó khăn quá.
P.V: Chị đã gắn bó với chương trình nhiều năm nay và đã đi rất nhiều nơi trên cả nước. Điều chị trăn trở nhất với Nghệ An là gì?
Chị Đỗ Thị Nga: Năm nay là năm thứ 8 tôi phụ trách mạng lưới tình nguyện quốc gia miền Trung và tôi thấy nhiều tỉnh khác như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, mỗi địa phương họ chỉ có một đến hai huyện thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng riêng Nghệ An có đến 6 huyện miền núi cao. Mỗi lần đi qua 2 vòng cung, chúng tôi vẫn chưa đi hết xứ Nghệ, cho thấy điều kiện ở đây thực sự vất vả. Tôi thấy bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều muốn thoát nghèo, nhưng không có kiến thức, có khi không biết chữ… Vì sao tôi đắm đuối với mảnh đất này ư! Tôi nhớ có lần tôi đến bản Tà Cạ của xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) để lắp bộ điện năng lượng mặt trời cho 2 trường mầm non và tiểu học, tôi có qua nhà phụ huynh xin nấu cơm trưa, tôi hỏi họ ở đây chăn nuôi thế nào thì được phụ huynh này tâm sự rằng trâu, gà chết mà không biết nguyên nhân. Khi ấy tôi mới thấy một chiếc điện thoại thông minh của họ để trên bàn, tôi khuyên họ có thể lên Google để tìm kiếm nguyên nhân. Tuy nhiên, phụ huynh này nói rằng không biết chữ. Câu trả lời của họ cứ làm tôi áy náy mãi…
Tôi công tác trong ngành giáo dục nhiều năm và biết mục tiêu của bậc tiểu học (hết lớp 5) là các em biết đọc, biết viết, sau này các em ra đời biết đọc cái chữ, biết tính con số thì đời các em cũng đỡ khổ. Các em nào muốn học lên có thể ra trường bán trú, trường nội trú của huyện, của tỉnh. Nhưng với mầm non, tiểu học, các em không được quan tâm, các em bỏ học thì vấn đề mù chữ rất dễ xảy ra. Bằng tâm huyết và trách nhiệm, chương trình sẽ đỡ đầu cho các em đến hết lớp 5. Chúng tôi sẽ chắt chiu, góp nhặt những bữa cơm đơn giản để các em học sinh có thể viết lên cuộc đời bằng chính đôi chân của mình.
P.V: Trở lại những lá thư ngỏ của các hiệu trưởng gửi tới chương trình, đã có lá thư nào các chị nhận được nhưng không thể triển khai?
Chị Đỗ Thị Nga: Có những nơi chúng tôi đến, học sinh hỏi tôi “cô ơi năm sau chúng con được ăn nữa không?”. Có những bản, học sinh đến bây giờ các em vẫn chưa biết đến cái kem là gì, chưa biết ăn phở, chưa được ăn bún, các em chưa từng ra bản trung tâm… Chúng tôi quan tâm từ những điều rất nhỏ này và nỗ lực từng chút, từng chút để tuổi thơ của các em được trọn vẹn. Gần đây, chúng tôi đã tổ chức một chương trình “Tết ước mơ” và để các em viết lên ước nguyện của mình. Có em mong được gặp bố, có em ước một quả bóng, có em thích một chiếc váy hồng và tất cả mong ước của các em chúng tôi đều cố gắng thực hiện.
Đến nay sau 6 năm, chúng tôi chưa từ chối một lá thư ngỏ nào. Và chúng tôi cũng gặp may mắn khi chưa bao giờ nguồn quỹ để triển khai chương trình bị cạn kiệt, và luôn nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân nhận hỗ trợ đỡ đầu cho các học sinh.
Quá trình triển khai, chúng tôi thực sự cảm ơn các mạnh thường quân đã âm thầm giúp đỡ chương trình. Có những người ban đầu, nhận đỡ đầu chỉ 1 đến 2 em. Nhưng sau một thời gian ngắn, thấy được hiệu quả chương trình, có người nhận lên đến 50 em. Có rất nhiều mạnh thường quân bay từ nước ngoài về chỉ để gặp những học sinh mà mình đỡ đầu. Nhiều người sau các chuyến đi về còn hỗ trợ xây cầu, xây trường, xây lớp…
Qua nhiều năm thực hiện chương trình, mỗi ngày nhìn lại hình ảnh mà các trường gửi đến, đó là các clip, các bữa ăn của các con, chúng tôi vui lắm. Lúc ấy nghĩ rằng, dù vất vả cũng sẽ cố gắng. Phương châm cuối cùng của chúng tôi khi tiếp nhận các nguồn tài chính hỗ trợ đó là phải sử dụng minh bạch, đúng nguồn và sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
P.V: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!