Grab, Uber phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử

31/10/2017 06:16

Văn bản mới nhất của Bộ Công Thương gửi lên Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký nêu rõ, các ứng dụng như Grab, Uber hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, các ứng dụng thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách như Uber, Grab cần xác định là cả cung cấp dịch vụ của mình và cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Do đó, hoạt động này phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 59/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Grab, Uber phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử
Grab, Uber phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử

Nguyên nhân Bộ Công Thương yêu cầu việc này là do ngoài hoạt động vận tải, việc sử dụng các phần mềm ứng dụng này liên quan trực tiếp đến thông tin người sử dụng, đến việc thanh toán dịch vụ và các giao dịch khác. Vì thế, phải được nâng cao quản lý về khía cạnh thương mại điện tử.

"Việc kiểm duyệt và quản lý các ứng dụng trên nhằm bảo đảm quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do các ứng dụng đó cho phép người tiêu dùng trực tiếp thanh toán tiền dịch vụ qua thẻ ngân hàng", văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ.

Bộ Công Thương cho rằng, chính vì quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử, nên các doanh nghiệp này coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và quy định hiện hành cho phép họ giải thích như vậy.

Điều này dẫn đến 3 hệ quả khó quản lý và không công bằng. Cụ thể: Grab, Uber chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho hành khách và người trên đường, trong khi chính họ là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.

Thêm nữa, vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm nên Uber, Grab không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển khác như taxi, xe ôm...

Ngoài ra, nếu đơn vị thí điểm là doanh nghiệp nước ngoài thì việc cho phép hoạt động sẽ không phù hợp với quy định "không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới" của Việt Nam trong WTO.

"Cần sửa đổi quy định xác định đây là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, chứ không chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm", Bộ này nhấn mạnh.

Trong bối cảnh "taxi công nghệ" dành ưu thế trên thị trường hơn taxi truyền thống, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có kiến nghị dừng hoạt động Uber, Grab sau khi “tố” loạt sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam như: Chưa thống kê đầy đủ số lượng xe, gây thất thu thuế và ngân sách, phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT…

Mới đây, tại buổi họp xem xét kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về hoạt động của “taxi công nghệ” Uber, Grab do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã khẳng định, nếu không mạnh dạn đưa phần mềm Uber, Grab vào thị trường thì taxi truyền thống đến giờ vẫn không có sự thay đổi, thậm chí "làm gì có tới 12 hãng taxi truyền thống tham gia thí điểm ứng dụng kết nối vận tải".

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang tiến hành sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô và Bộ này cũng "hứa" sẽ đưa thêm một chương nữa về ứng dụng khoa học công nghệ.

"Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi Bộ GTVT đã đăng tải trong đó quy định rõ các đối tượng cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp phần mềm và quyền lợi người dân mong muốn các đơn vị, Hiệp hội Vận tải đóng góp ý kiến cho Bộ GTVT nhằm bổ sung thành Nghị định 86 hoàn chỉnh", lãnh đạo ngành giao thông cho biết.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Grab, Uber phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO