Kinh tế

Gừng rớt giá, nông dân vùng cao Nghệ An loay hoay tìm nguồn tiêu thụ

Hoài Thu 02/01/2025 16:22

Cuối năm là cao điểm thu hoạch gừng ở huyện Kỳ Sơn, song hiện nay các rẫy gừng vẫn đang im lìm, nông dân thấp thỏm chờ người thu mua. “Được mùa, mất giá”, ở một số xã, bản đã bắt đầu giảm diện tích trồng gừng, chuyển đổi sang canh tác loài cây khác.

Chị Và Y Chia ở bản Buộc Mú 1, xã Na Ngoi năm nay gieo trồng 700kg gừng giống trên diện tích gần 3ha. Vụ gừng năm 2023 chị Y Chia có nguồn thu kha khá khi gừng bán được giá, thương lái thu mua tại bản với giá trung bình 18 - 20 ngàn đồng/kg. Song mùa gừng 2024, gần 3ha gừng của chị Y Chia vẫn chưa được thu hoạch vì đang chờ người thu mua.

anh-man-hinh-2025-01-02-luc-14.24.35(1).png
Người dân xã Na Ngoi thu hoạch gừng. Ảnh: HT

“Vựa” gừng lớn nhất của huyện Kỳ Sơn là xã Na Ngoi. Toàn huyện Kỳ Sơn có khoảng 800 ha gừng thì Na Ngoi có gần 200ha. Những năm trước diện tích gừng Na Ngoi có thời điểm gần 300ha. Song các rẫy trồng gừng ở đây ngày càng giảm do điệp khúc “được mùa, mất giá”. Năm 2024, Na Ngoi chỉ còn 167ha gừng. Lãnh đạo UBND xã Na Ngoi cho biết, hàng năm cao điểm thu hoạch gừng từ tháng 11-12, song nay đã hết năm nhưng các rẫy gừng vẫn chưa có người thu mua.

Chị Vi Thị Oanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Ngoi cho biết: Năm 2023 gừng được thương lái vào tận bản thu mua với giá trung bình 18-20 ngàn đồng/ha. Song năm 2024 chỉ mới lác đác một số hộ bán được gừng với giá dao động 10 - 14 ngàn đồng/kg.

na ngoi
Lãnh đạo UBND xã Na Ngoi kiểm tra chất lượng các rẫy trồng gừng ở bản Buộc Mú 1. Ảnh: HT

Ngoài Na Ngoi, một số xã khác của huyện Kỳ Sơn cũng có diện tích gừng khá lớn như Tây Sơn khoảng 30ha, Nậm Cắn hơn 30ha, Đoọc Mạy hơn 25ha… Ở xã Đoọc Mạy, vùng trồng gừng tập trung ở các bản Huồi Viêng, Noọng Hán. Ông Lầu Bá Tu ở bản Huồi Viêng cho biết, khí hậu ở đây rất thích hợp trồng gừng, năm nay cây gừng phát triển tốt, cho năng suất củ khá cao, song lại rớt giá và chưa có người thu mua. Với giá hiện nay bà con gần như không có lời, vì xã Đoọc Mạy cách xa trung tâm huyện gần 60km, quãng đường vận chuyển xa, chi phí tốn kém.

Ở xã Nậm Cắn, ông Hờ Bá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng bày tỏ, hơn 30ha gừng của Nậm Cắn hiện cũng đang gặp tình trạng “ế”, giá bán lại thấp, chỉ khoảng 10 ngàn đồng/kg. Nếu để thêm vài tháng nữa, gừng trên rẫy sẽ có nguy cơ úng, hư hỏng, giảm chất lượng.

Ảnh màn hình 2025-01-02 lúc 13.54.50
Gừng Kỳ Sơn đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Ảnh: HT

Cũng chung tình trạng “ế” gừng, ở xã Tây Sơn, ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã cho biết, đã hết năm 2024 song hầu như bà con Tây Sơn chưa bán được gừng. Diện tích gừng của xã tập trung chủ yếu ở các bản Đống Trên, Đống Dưới và bản Lữ Thành với tổng hơn 30ha. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, các vùng trồng gừng ở Tây Sơn và 3 xã khác là Tà Cạ, Mường Lống và Đoọc Mạy đều đã đáp ứng các tiêu chí của các doanh nghiệp đi xuất khẩu.

Cùng với đó là lợi thế về chỉ dẫn địa lý, gừng Kỳ Sơn có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn ảnh hưởng nặng nề đến tiềm năng của loại cây trồng đặc sản này. Đây cũng là một trong các lý do khiến nhiều hộ dân không mặn mà với trồng gừng, một số đã chuyển sang trồng cây khác hoặc chỉ trồng để phục vụ nhu cầu gia đình. Ví như ở xã Mường Lống, ông Vừ Bá Xử - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay diện tích gừng ở Mường Lống còn rất ít, không có vùng trồng gừng chuyên canh phục vụ thị trường và các hộ trồng chủ yếu để gia đình sử dụng.

Ảnh màn hình 2025-01-02 lúc 13.54.37
Rẫy gừng của người dân bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy. Ảnh: HT

Ở các bản vùng cao của Tương Dương, Quế Phong có đông đồng bào Mông sinh sống, bà con cũng có trồng gừng, song sản lượng và diện tích không lớn. Tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, gừng chủ yếu trồng tại bản Huồi Sơn và Phá Lõm. Song theo cán bộ UBND xã Tam Hợp, 3 năm lại nay diện tích gừng của xã không ngừng giảm, một phần vì giá cả bấp bênh, một phần người dân chuyển sang trồng nghệ. Bởi cây nghệ cho đầu ra ổn định hơn khi có Tổng đội TNXP 9 thu mua, chế biến.

Ở huyện Kỳ Sơn, doanh nghiệp tiêu thụ gừng cho người dân chủ yếu là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp &TTCN Hương Sơn với khối lượng thu mua trung bình mỗi năm khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện nay hợp tác xã này đang tạm dừng hoạt động vì lý do nhân sự. Trước tình trạng tồn đọng gừng, lãnh đạo phòng cũng như lãnh đạo UBND huyện cũng đã liên hệ, kết nối doanh nghiệp thu mua gừng cho bà con, song vẫn “gặp khó” khi các công ty quy mô lớn chỉ thu mua gừng qua một đầu mối là hợp tác xã có uy tín với các yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc, đảm bảo không lẫn tạp chất khác và thậm chí là sơ chế trước.

Ảnh màn hình 2025-01-02 lúc 13.54.57
Huyện Kỳ Sơn có khoảng 800ha gừng, cho sản lượng khoảng 1.200 tấn mỗi năm. Ảnh: HT

Còn đối với các cơ sở sản xuất nhỏ ở địa phương trong tỉnh, họ cũng ít khi đi thu mua trực tiếp ở các hộ dân, mà chủ yếu qua các thương lái. Ví như một số cơ sở sản xuất nước cốt gừng, kẹo gừng, mứt gừng ở các huyện như Anh Sơn, Đô Lương họ cũng thu mua gừng qua đầu mối của một số thương lái. Chủ một cơ sở sản xuất nước cốt gừng ở huyện Anh Sơn cho biết, đến tháng 12/2024 thì hầu như cơ sở đã thu mua đủ số lượng cho kế hoạch sản xuất sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, nên hiện cũng không thu mua tiếp.

Mới nhất

x
Gừng rớt giá, nông dân vùng cao Nghệ An loay hoay tìm nguồn tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO