Kinh tế

Nghệ An xúc tiến thương mại, đồng hành tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản

Phú Hương (thực hiện) 23/12/2024 15:02

Thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, đồng hành cùng người sản xuất đưa các sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối giá trị và bền vững.

Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hà- Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An về hoạt động này trong năm 2024 và phương hướng thời gian tới.

P.V: Thưa ông! Ông có thể chia sẻ về thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay, cũng như những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm?

Ông Nguyễn Văn Hà: Nghệ An có địa bàn rộng với nhiều huyện miền núi vùng cao, vùng xa nên công tác kiểm tra, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn; sản phẩm nông, lâm, thủy sản đa dạng nhưng sản xuất chủ yếu manh mún, thủ công, nhỏ lẻ; số cơ sở sản xuất, chế biến quan tâm đến mẫu mã, thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, chưa năng động phát triển thị trường tiêu thụ. Nhiều người tiêu dùng có thói quen mua bán thực phẩm không đúng nơi quy định, ham rẻ, tạo điều kiện cho người cung cấp thực phẩm lợi dụng tiêu thụ thực phẩm bẩn, kém chất lượng.

Trong khi đó, cán bộ thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm chỉ giao kiêm nhiệm, số lượng ít.

 Hội nghị kết nối cung cầu do Chi cục tổ chức. Ảnh- Quang An
Bên lề Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP do Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An tổ chức. Ảnh: Quang An


P.V:
Vậy trong năm 2024 chúng ta đã triển khai những biện pháp gì để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hà: Thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, những năm qua Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm OCOP xâm nhập thị trường trong và ngoài tỉnh, thị trường xuất khẩu.

Cụ thể: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã hỗ trợ cho 100 lượt cơ sở tham gia 43 hội chợ, với trên 230 gian hàng; trên 200 loại sản phẩm được quảng bá, giới thiệu tại các tỉnh, thành trên cả nước; tổ chức các chuyến đi kết nối, xúc tiến thương mại tại các tỉnh Lạng Sơn, Kon Tum, Đà Nẵng…, làm việc với các đầu mối quan trọng như Ban Quản lý Cửa khẩu Tân Thanh, các chuỗi siêu thị lớn như An Phú, Intimex, từ đó, nhiều đơn vị như Dược liệu Pù Mát, Nem Tứ Phương, Công ty cổ phần Nước mắm thủy sản Nghệ An… đã kết nối, chào bán và đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các thị trường này.

Chi cục cũng tổ chức tập huấn kiến thức xúc tiến thương mại, bán hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong năm đã cấp hỗ trợ 39 mã QR, nâng tổng số mã đã cấp lên 192 mã cho 167 cơ sở… Đồng thời là đầu mối tiếp đón các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Thuận… vào khảo sát, tìm kiếm thị trường tại Nghệ An. Có những cơ sở chỉ sau một chuyến tham quan, khảo sát đã bán được hàng trăm triệu đồng tiền sản phẩm, tạo dựng và mở rộng được mạng lưới tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước.

 Lãnh đạo chi cục thực hiện các hoạt động xúc tiến thươ]ng mại tại các tỉnh bạn. Ảnh- Thái Tuấn
Lãnh đạo Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An thực hiện xúc tiến thương mại tại các tỉnh bạn. Ảnh: Thái Tuấn

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chúng tôi đã chọn cách làm đi vào thực tế, tìm kiếm, chọn lựa các cơ sở chưa đảm bảo để tư vấn, hỗ trợ về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Từ những hoạt động đó, các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đã được tạo điều kiện trao đổi, giới thiệu sản phẩm; số cơ sở được tiếp cận các chính sách xúc tiến thương mại tăng; sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP của Nghệ An tiêu thụ ra ngoại tỉnh, xuất khẩu ngày càng nhiều.

Mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng ta có thể tự tin khẳng định, những năm gần đây, các vấn đề bất cập trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã, đang và dần được cải thiện, khắc phục.

Sản xuất, chế biến đã chuyển dần sang sản xuất theo chuỗi giá trị, quan tâm chế biến, đưa khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chú trọng đến mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất, chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã được đầu tư xây dựng.

Các cơ sở, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc quảng bá, tham gia các hội chợ nhằm kết nối, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như quốc tế. Nhận thức và ý thức chấp hành của các doanh nghiệp, cơ sở ngày càng được nâng lên, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng ngày càng hiểu biết và quan tâm đến thực phẩm sạch, tham gia đấu tranh với các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế mất an toàn thực phẩm.

Đó là điều kiện thuận lợi để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo hướng ổn định, bền vững và nâng cao giá trị.

 Sản phẩm OCOP Nghệ An tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Ảnh- Thái Tuấn
Sản phẩm OCOP Nghệ An tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Thái Tuấn


P.V: Ông có thể chia sẻ về phương hướng, những giải pháp thời gian tới của đơn vị?

Ông Nguyễn Văn Hà: Thời gian tới, chúng tôi xác định công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Liên kết sản xuất ngày càng nhiều nhưng chưa bền vững, chưa thật sự thực hiện nghiêm túc giữa các bên.

Trong sản xuất, vẫn còn tình trạng sử dụng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy định; sản xuất, chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng công nghệ cao đạt thấp, việc duy trì các mô hình này còn chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí hỗ trợ; dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường vẫn còn; tỷ lệ kiểm soát mẫu thực phẩm còn thấp. Một số sản phẩm tiêu thụ khó khăn, không ổn định, nhất là vào vụ thu hoạch, chưa làm chủ được thị trường.

Sản phẩm chủ lực xuất khẩu hạn chế, quy mô nhỏ, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, qua trung gian. Trong khi đó, công tác thống kê, kiểm tra, thẩm định cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và triển khai ký cam kết an toàn thực phẩm ở cấp huyện, cấp xã chưa được triển khai quyết liệt, nghiêm túc, chưa đạt kết quả cao.

Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản, chi cục sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội nghị kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức kết nối các sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và tham gia các hội chợ. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, truy xuất nguồn gốc; tăng cường công tác xúc tiến thương mại nông sản, đảm bảo chất lượng thực phẩm.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Ngoài những hoạt động mang tính “truyền thống”, trong năm 2025 chúng tôi sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở tiếp cận các hội chợ quốc tế, trước hết là ở các nước trong khu vực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mục tiêu trước mắt là chọn 10 - 15 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP 3- 4 sao để hỗ trợ đưa lên giao dịch trên sàn; hỗ trợ nâng hạng sao các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An

Mới nhất
x
Nghệ An xúc tiến thương mại, đồng hành tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO