Tháng 4 vừa qua, PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho ra mắt tập sách GỪNG XỨ NGHỆ viết về 20 nhân vật trí thức người Nghệ từ trung cận đại cho đến nay/hiện đại bằng lối tiếp cận riêng, từ phê bình phân tâm học để đi tìm hành trình tâm lý – sáng tạo của họ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về cuốn sách này.
PV: Chọn là tên sách là “Gừng xứ Nghệ” chắc là anh ví người xứ này cũng “cay” như gừng. Gừng cay mà ấm, không xé họng, xé ruột xé gan người ta anh nhỉ. Theo như tôi biết thì đây là cuốn sách đầu tiên anh viết về những nhân vật của một xứ, một vùng văn hóa, là xứ Nghệ, trước cả xứ Đoài quê anh. Duyên cớ là sao?
PGS.TS Đỗ Lai Thúy: Tên sách này cũng là tên bài viết “Gừng Đất Nghệ” của tôi về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông gợi ý tôi đến với ý tưởng “gừng càng già càng cay”. Và gừng ở những vùng đất cỗi thì cay hơn ở nơi đất xốp. Như đất Nghệ chẳng hạn. Hơn nữa, đó là một cách chơi chữ vốn là sở trường của người Nghệ. Từ đó, tôi cho rằng có một tính cách Nghệ liên quan đến thổ ngơi của vùng đất này. Tính cách Nghệ, được kết tinh ở con người, nhất là ở các danh sĩ. Người ta là hoa của đất mà.
Thực ra, tôi không có chủ định viết một cuốn sách về người Nghệ. Nhưng trên hành trình phê bình văn học, văn hóa của mình, tôi thấy ai có vấn đề về học thuật, về nhân cách, thì tôi viết về họ. Rồi một hôm nào đó nhìn lại thì mới ngớ ra rằng phần nhiều những nhân vật mà mình viết là người Nghệ. Ý tưởng tập hợp, viết thêm thành một cuốn sách bắt đầu từ đây. Sách viết về người Nghệ hẳn đã có nhiều, nhưng một cuốn sách công phu, tâm huyết về người Nghệ của một người ngoài Nghệ, không Nghệ, tôi nghĩ, đến nay chưa có. Tại sao ư? Có thể có quá nhiều lý do, nhưng nguyên nhân thì có thể kiếp trước tôi là người Nghệ, nên kiếp này viết để trả ơn cho mảnh đất gừng này.
PV: Các nhân vật trong sách của anh đều là trí thức trong các thời đại khác nhau của lịch sử. Ai cũng có cái riêng từ hành trạng đến tác phẩm, tư tưởng và tính cách, phong cách. Vậy anh có đi tìm mẫu số chung của họ? Và nếu có thì đó là gì?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Các nhân vật của tôi đều là trí thức theo nghĩa là người “có chữ”, tức có học vấn, được đào tạo từ các nguồn tri thức khác nhau, như Nho học, Tây học, hệ tư tưởng Mác-xít… Họ khác nhau ở nhân/tính cách, lối ứng xử, cá tính. Nhưng họ đều giống nhau ở cảm tính vùng đất. Đó chính là gừng, đúng hơn chất gừng, tính gừng. Gừng thì nóng, cay, thậm chí “cay xé họng”, nhưng tính lành, có tác dụng chữa bệnh. Cay của gừng thơm, đượm và bền. Gừng cay muối mặn đã từng/Non xanh nước biếc xin đừng quên nhau.
PV: Có cái riêng của trí thức Nghệ so với trí thức các vùng miền khác không? Đó là gì?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Đồ Nghệ khác với trí thức ở các vùng đất khác là ham học. Cùng với đồ Bắc, đồ Nam, đồ Quảng, ông đồ Nghệ nổi tiếng hay chữ, nguồn cung cấp cho các nhà khoa bảng, cả xưa lẫn nay, của xứ này. Sau đó là có ý chí, làm gì cũng làm bằng được, thậm chí biết không làm được vẫn làm. Điều này dẫn đến đôi khi duy ý chí, hoặc gàn. Trí thức Nghệ cũng có nhiều sáng kiến, nhiều sáng tạo trong công việc. Họ muốn thay đổi thân phận của mình bằng việc làm quan, hoặc làm cách mạng. Tuy nhiên, so với đồ Quảng thì hình như đồ Nghệ có phần bảo thủ. Có thể do nhiều quan quá, lại không có cảng ngoại thương để nước đại dương rửa sạch chất thư lại?
PV: Chẳng có ai giống ai một cách tuyệt đối cả. Nhưng có lẽ có những người có thể có sự tương đồng nào đó để thành một mẫu người nào đó về học thuật, tư tưởng và tính cách?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Với những người Nghệ mà tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp, thậm chí thân với họ, tôi thấy họ mỗi người một vẻ. Tôi thích Phan Ngọc ở cái tính gàn gàn, khi Phan nhất quyết khẳng định những nhà thơ Đường làm câu kết đầu tiên. Nhưng có lẽ sự cực đoan ấy khiến ông có nhiều lóe sáng. Yêu Thái Bá Vân với hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật và những câu văn đẹp, rất Tây, như vẻ đẹp trai của anh. Rồi sự từng trải và phóng dật của Từ Chi. Sự uyên bác và tính hay che chắn giữ mình của Hà Văn Tấn. Sự quyết liệt một cách hồn nhiên của Hoàng Ngọc Hiến. Sự khác biệt giữa thơ và người của Huy Cận.
PV: Tuy rằng vẫn là cảm tính, chưa có những tiêu chí, hay là hệ quy chiếu rõ ràng nhưng tôi và khá nhiều người thấy hình như Nguyễn Công Trứ là “gừng” nhất trong số những người Nghệ. Còn anh, anh thấy ai là người Nghệ “gừng” nhất?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Người Nghệ “gừng” nhất, cũng tức là “Nghệ” nhất, tôi cũng như anh đều chọn Nguyễn Công Trứ. Trước hết, ông sống ở quê nhà lâu nhất. Hơn 40 năm nếm trải cái “phong vị hàn nho” đủ để ông làm một tứ gừng già. Hành xử của ông rất phóng túng, phá chấp và chứa nhiều nghịch lý. Ví như, để bỉ mặt bọn trọc phú luôn tự hào về sự ăn chơi, Nguyễn Công Trứ lao vào ăn chơi, còn dữ hơn bọn chúng, nhưng là một ăn chơi có văn hóa, có triết lý, có nghệ thuật. Có vậy ông mới đủ tư cách để đả kích chúng. Hơn nữa, Nguyễn Công Trứ thích là làm, mà làm được. Ông sống một cuộc đời, có thể nói, là thỏa chí tang bồng. Đấy là nguồn cảm hứng cho thơ nôm, nhất là hát nói của ông. Những người Nghệ khác như Nguyễn Du thì ít nhiều pha lẫn chất văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, nên thâm trầm, sâu lắng hơn. Hoặc Từ Chi, ấu thời sống ở Huế, ăn món ăn Huế/món ăn Mường, nên ứng xử mềm dẻo hơn đến mức thành “tổ sư giả vờ”.
PV: Người Nghệ mà anh gắn bó đầu tiên là ai? Người đó có tác động gì đến công việc và sự nghiệp của anh? Kỷ niệm sâu sắc nhất với họ với anh?
PGS.TS Đỗ Lai Thúy: Năm 1981, tôi từ lính của Tổng cục Kỹ thuật trở về làm lính ngoại văn. Người Nghệ đầu tiên mà tôi gặp là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện – Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản. Tôi thấy một ông già lẻo khoẻo ngồi ở căn phòng xép gần cầu thang. Anh Đào Hùng bảo bác Viện đấy! Nóng không quạt, ruồi bậu không xua, mặt không một biểu cảm, trên bàn không sách vở, duy nhất một máy chữ lạch cạch. Thật khác xa với hình dung của tôi. Và, để đỡ tò mò, tôi xông vào phòng ông nói chuyện, hỏi đủ thứ. Sau này tôi thường xuyên được anh Hùng cử đi làm việc cùng ông. Đi làm các số chuyên đề cho Etudes Vietnamiennes, làm phim Đất võ Tây Sơn, đi giới thiệu thở bụng và đá cầu. Khi tôi viết bài đầu tiên về Phan Ngọc đăng ở Sông Hương, ông hỏi anh Hùng, Thúy ấy có phải “Thúy nhà mình” không? Cuốn Con mắt thơ viết xong, ông nhờ em trai Nguyễn Khắc Phi in hộ, nhưng không thành. Luận án về Hồ Xuân Hương của tôi, ông đọc và thích thú với những phát hiện mới, bèn viết sẵn một lời giới thiệu phòng khi được in. Thấy tôi thích phê bình phân tâm học, ông nhiều lần định cho tôi đi Pháp học phân tâm học. Tôi từ chối vì chỉ mới làm nhà phê bình chứ không phải bác sĩ tâm thần, dù tiếc hùi hụi một cơ hội đi châu Âu. Bác Viện để lại trong tôi nhiều thiện cảm, lòng tốt, cách sống và cách làm việc.
PV: Ai là người đem lại cho anh cảm hứng sáng tạo nhiều nhất?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Nếu người làm tôi khó hiểu nhất là Nguyễn Khắc Dương, em trai bác Viện, thì người gây cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo là Hồ Xuân Hương. Nguyễn Khắc Dương sinh ra trong một gia đình Nho giáo thuần thành, đã từng tham gia kháng chiến, rồi bỗng nhiên bỏ theo đạo Ki tô giáo. Trải qua các dòng tu khác nhau, rồi bỗng nhiên xuất tu đi học Triết ở Sorbonne. Về Việt nam dạy Triết học và Văn học ở Đại học Công giáo Đà Lạt, rất thích phân tâm học. Tôi biết ông khi ông quá giang cùng anh trai từ Huế vào Đà Nẵng. Trên xe, ông Viện thì thầm tôi đã nổi tiếng gàn, nhưng chú em tôi còn gàn hơn. Đến đèo Hải Vân, khi mọi người ngồi nghỉ, thì bác Dương đứng trầm ngâm trên một hòn đá nhìn ra biển. Chỉ sau này, đã thân, mỗi khi vào Sài Gòn tôi được đến nhà tu nữ ở Bình Triệu thăm ông, thì mới hiểu. Còn đọc Hồ Xuân Hương thì tôi thích thú với những vướng mắc về tiểu sử, văn bản và vấn đề dâm tục. Nghiên cứu Hồ Xuân Hương, tôi có nhiều phát hiện về tư tưởng, nghệ thuật, phương pháp tiếp cận. Trong hơn chục đầu sách, “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực” vẫn là một công trình tôi hứng thú hơn cả. Nên nhớ, tôi viết chỉ 3 tháng.
PV: Những người Nghệ của anh (trong sách này) đều thành công và thành danh. Và tất cả đều ở đất người. Anh có cách giải thích của mình về hiện tượng này không?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Đúng như anh nói, những người Nghệ thành công đa số đều ở ngoài đất Nghệ. Một vùng văn hóa càng đặc sắc bao nhiêu thì càng tạo ra chủ nghĩa địa phương bấy nhiêu. Tính địa phương thì bao giờ cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Cái khó là tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng thường chuyển hóa thành nhau. Ra khỏi địa phương thì con người dễ nhận ra cái giới hạn của địa phương để khắc phục nó. Nguyễn Sáng đã từng nói, nếu tôi không ra Hà Nội thì tôi chỉ là một họa sỹ Nam Bộ.
PV: Tôi thấy những lớp người Nghệ trước dù ở đất người nhưng rất khó phai/nhạt chất gừng của quê. Anh có thể giải thích điều này bằng phương diện văn hóa như thế nào?
PGS.TS. Đỗ Lai Thúy: Người Nghệ không thể gạt bỏ được hoàn toàn chất Nghệ của mình. Đó là căn tính, là bản năng thứ hai của mình. Hơn nữa, con người không nên để mất gốc, chỉ nên cải tạo gốc.