Hạ tầng thiếu đồng bộ tại nhiều cụm công nghiệp ở Nghệ An

Việt Phương 26/05/2019 18:20

(Baonghean) - Đầu tư dang dở hay chậm tiến độ hoàn thiện là thực trạng chung của không ít cụm công nghiệp ở Nghệ An. Một trong những vấn đề mấu chốt vẫn là thiếu vốn.

BẤT CẬP HẠ TẦNG CỤM CÔNG NGHIỆP

Theo Sở Công Thương, Nghệ An hiện đang quy hoạch phát triển 51 CCN với tổng diện tích 1.119,32 ha. Trong số 51 CCN được quy hoạch, đến nay, trên địa bàn có 39 CCN đã triển khai thực hiện các bước quy hoạch, 12 CCN nằm trong quy hoạch chưa triển khai.

Được biết, giai đoạn 2017 - 2018, các CCN đã thu hút được 241 doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trong đó có 4 doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn đầu tư vào lĩnh vực may mặc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lượng lao động lớn tại khu vực nông thôn với khoảng 21.000 lao động. Giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong CCN đạt xấp xỉ 3.655 tỷ đồng/năm.

Sản xuất may mặc tại một doanh nghiệp ở CCN Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Việt Phương
Sản xuất may mặc tại một doanh nghiệp ở CCN Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Việt Phương

Tuy nhiên, hạ tầng CCN còn nhiều bất cập. Đến nay, có 8 CCN đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản gồm các CCN: Nghi Phú, Đông Vĩnh, Tháp - Hồng - Kỷ, Thị trấn Đô Lương, Thị trấn Anh Sơn, Hưng Lộc, Diễn Hồng, Nghĩa Hoàn với tổng nguồn kinh phí đầu tư là hơn 135 tỷ đồng. Có 04 CCN đã hoàn thành khoảng 70-80% các hạng mục đầu tư gồm: Nam Giang, Châu Hồng, Thị trấn Yên Thành, Tràng Kè. Số còn lại đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ.

Nhìn chung, các CCN trên địa bàn đều lựa chọn vị trí quy hoạch gần với các trục đường Quốc lộ hoặc các trục đường giao thông lớn nên thuận lợi trong đi lại và giảm tối đa chi phí đầu tư đường giao thông vào CCN. Thế nhưng, vẫn còn có dự án chưa thực hiện hoặc đang đầu tư dở dang như: Dự án đấu nối giao thông CCN Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn) vào đường Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện do kinh phí chưa đảm bảo thực hiện. Dự án đường giao thông vào CCN Đồng Văn (huyện Tân Kỳ) vẫn đang thực hiện dở dang do nhu cầu thu hút đầu tư vào CCN chưa có, hiệu quả đầu tư thấp.

Cũng vì thiếu vốn nên dự án điện chiếu sáng đường vào CCN Tháp - Hồng - Kỷ và hệ thống điện cung cấp cho CCN Thượng Sơn vẫn chưa triển khai thực hiện…

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Một bất cập khác là tất cả các CCN trên địa bàn không có hạng mục nhà ở cho công nhân trong quy hoạch chi tiết và thực tế hầu hết công nhân phải thuê nhà ở trong điều kiện chật chội không đảm bảo cuộc sống.

Chị Hồ Thị Hằng quê ở Tân Sơn, Quỳnh Lưu làm công nhân cho một doanh nghiệp may ở CCN Lạc Sơn (Đô Lương). 3 năm làm công nhân cũng chừng ấy thời gian chị phải thuê nhà trọ. Chị Hằng cho hay: Thu nhập của tôi ở Nhà máy chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà trọ đã hết 1 triệu đồng, rồi còn tiền điện, tiền nước, tiền ăn và nhiều khoản chi tiêu khác. Chi phí cho tiền thuê trọ tốn kém mà chất lượng phòng chật chội, nóng bức nên rất vất vả.

CCN thị trấn Quỳ Châu chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhiều năm không thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất. Ảnh: Việt Phương
CCN thị trấn Quỳ Châu chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhiều năm không thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất. Ảnh: Việt Phương

Đó không phải là trường hợp cá biệt ở các CCN. Hiện nay, một số CCN có doanh nghiệp may mặc đầu tư thu hút nhiều lao động, nhất là lao động nữ nên phát sinh thê nhu cầu về nhà ở, nhà gửi trẻ và hệ thống các công trình phúc lợi công cộng khác như: Chợ, trường mầm non, y tế… nhưng hầu hết đều không có.

Một vấn đề nổi cộm nữa là các CCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh. Trong số 22 CCN đang hoạt động (có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) mới chỉ có 08 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ô nhiễm môi trường ở CCN Diễn Hồng, Diễn Châu và CCN Châu Hồng, Quỳ Hợp. Ảnh: PV
Ô nhiễm môi trường ở CCN Diễn Hồng, Diễn Châu và CCN Châu Hồng, Quỳ Hợp. Ảnh: PV

Chẳng hạn ở Diễn Châu, cụm công nghiệp Diễn Hồng được đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2013 với 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh như sản xuất thép cây, phôi thép, ống thép mã kẽm, tôn lợp, thép gai, hạt nhựa... Tuy nhiên, do không đảm bảo quy trình xử lý nước thải, khí thải nên khói từ các cơ sở đốt nhựa, luyện phôi thép, nước thải công nghiệp thải ra môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Cũng ở trên địa bàn này, CCN Tháp - Hồng - Kỷ có hơn 30 cơ sở sản xuất; tuy đã có hệ thống xử lý môi trường tập trung nhưng người dân quanh cụm công nghiệp cũng đang bị ô nhiễm bởi khí thải.

QUAN TÂM VỐN ĐẦU TƯ

Để phát triển đồng bộ hạ tầng các CCN, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, theo tính toán, tổng nhu cầu nguồn vốn để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt là khoảng 9.104 tỷ đồng. Tuy nhiên đến đầu năm 2019, tổng nguồn vốn được bố trí mới chỉ đạt 2.110 tỷ đồng (chiếm 23%), giá trị khối lượng công việc hoàn thành đạt 2.239 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương

Vì thế, tiến độ đầu tư các CCN còn chậm và thiếu đồng bộ, hạ tầng chắp vá,... chưa xây dựng được CCN có hạ tầng kiểu mẫu. Công tác thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tỷ lệ các CCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải còn thấp. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật hạng mục bảo vệ môi trường CCN còn chậm.

CCN Tri Lễ, huyện Anh Sơn đã có một số nhà đầu tư nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Ảnh: Việt Phương
CCN Tri Lễ, huyện Anh Sơn đã có một số nhà đầu tư nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Ảnh: Việt Phương

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đặt ra mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tiếp tục thu hút đầu tư lấp đầy các CCN: Nghĩa Mỹ, Trường Thạch, Lạc Sơn, Nghĩa Hoàn, Thọ Sơn I, Thọ Sơn II. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu để đảm bảo thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các CCN Hưng Đông (TP Vinh), Thượng Sơn (Đô Lương), Tràng Kè (Yên Thành), Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu).

Vì thế, đề nghị các sở ngành liên quan ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh năm 2019 - 2020 cho các dự án sau để kịp thời triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu kế hoạch. Trong đó, riêng nhu cầu để bố trí theo Kế hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng CCN tại Quyết định số 2883/QĐ-UBND đã được phê duyệt cho hai năm 2019 - 2020 là khoảng 59 tỷ đồng.

Dệt may là lĩnh vực giải quyết nhiều việc làm cho công nhân lao động ở Nghệ An. Ảnh: Việt Phương

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngành Công Thương cũng kiến nghị cần tập trung nguồn vốn để hỗ trợ hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải của 14 CCN đã có dự án hoạt động nhưng đang xây dựng dở dang hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Dự kiến nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho hạng mục này khoảng 60 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách của tỉnh hạn hẹp, việc cân đối nguồn lực đầu tư cho hạ tầng các CCN phục vụ phát triển công nghiệp còn khó khăn, nên chăng, đầu tư dứt điểm CCN, không đầu tư dàn trải, nhỏ giọt.

Mới nhất
x
Hạ tầng thiếu đồng bộ tại nhiều cụm công nghiệp ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO